Kết thúc phiên giao dịch 28/11, cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển BIDV tăng nhẹ sau khi giảm 3 phiên liên tục trước đó.
Sự hồi phục của cổ phiếu BIDV khá thất vọng bất chấp ngân hàng này vừa nhận một loạt tin tốt, bao gồm: KEB Hana của Hàn Quốc mua cổ phần của BIDV hay BIDV đạt giải “Ngân hàng bán lẻ tiêu biểu” 3 năm liên tiếp…
So với mức giá hồi tháng 4/2018, cổ phiếu BIDV đã giảm gần 30%, từ mức trên 45.000 đồng/cp xuống mức 31.000 đồng/cp như hiện nay. Vốn hóa của BIDV đã giảm khoảng 50 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD trong hơn 6 tháng qua.
Trước đó, hồi giữa tháng 11, sau sau hơn 2 năm, ngân hàng BIDV đã có chủ tịch mới, chấm dứt thời kỳ chiếc ghế nóng bị bỏ trống kéo dài.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định bổ nhiệm ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng.
Ông Phan Đức Tú cũng là người đại điện pháp luật cho BIDV trong 2 năm vừa qua sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu vào tháng 9/2016.
Ông Phan Đức Tú sinh năm 1964 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Ngân hàng TP. HCM, có trình độ thạc sỹ quản trị kinh doanh. Ông Tú giữ chức TGĐ kiêm thành viên HĐQT BIDV kể từ tháng 5/2012 đến nay.
Đầu tháng 11, BIDV đã có tờ trình xin ý kiến cổ đông thông qua nội dung sửa đổi Điều lệ quy định người đại diện theo pháp luật từ TGĐ sang chủ tịch HĐQT, trở lại mô hình người đại diện pháp luật là chủ tịch HĐQT như thời ông Trần Bắc Hà còn lèo lái con thuyền BIDV.
Sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu (tháng 9/2016), ông Trần Anh Tuấn được giao phụ trách điều hành hoạt động của ngân hàng, nhưng đến 1/5/2018, ông Tuấn cũng đã thôi nhiệm theo chế độ nghỉ hưu.
Hồi đầu tháng 6, UB Kiểm tra TƯ kết luận những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, phải xử lý kỷ luật. Vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và một số cán bộ BIDV thời đó là nghiêm trọng.
Ông Trần Bắc Hà, nguyên chủ tịch BIDV. |
Gần đây, BIDV cũng có trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Theo đó, tỷ lệ cổ phần phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài (Ngân hàng KEB Hana Bank của Hàn Quốc) dự kiến là 15% quy mô vốn điều lệ sau khi phát hành, tương đương 17,65% vốn điều lệ hiện tại. Giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá là hơn 6 ngàng tỷ đồng.
Trước thềm bán vốn, hôm 13/11 BIDV và KEB Hana Bank đã có buổi làm việc với Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng.
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên trên 40 ngàn tỷ đồng. Sở hữu của Nhà nước sẽ giảm xuống 80,99%.
BIDV hiện là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống với khoảng 1,27 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 7,2 ngàn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Cách đây hơn 2 tháng Moody’s nâng hạng tín nhiệm đối với BIDV và đánh giá "Chính phủ Việt Nam có khả năng hỗ trợ rất cao" đối với BIDV khi cần thiết.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng gần đây chịu áp lực từ thị trường chung và giảm khá mạnh. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu này có dấu hiệu hồi phục trở lại sau khi các lãnh đạo và người liên quan của các sếp lớn ngân hàng đồng loạt mua cổ phiếu.
Ông Đỗ Minh Quân, con trai ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank, gần đây đăng ký mua vào 25 triệu cổ phiếu TPB qua phương thức giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 26/11-25/12/2018.
Chủ tịch VPBank - ông Ngô Chí Dũng gần đây đăng ký mua vào 8 triệu cổ phiếu VPB, trong khi mẹ đẻ ông Dũng - bà Vũ Thị Quyên cũng đăng ký mua 13 triệu cổ phiếu. Tại HDBank (HDB), TTGD Nguyễn Hữu Đặng đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu HDB còn phó TGĐ Trần Hoài Nam đăng ký mua 200.000 cổ phiếu.
Các lãnh đạo cấp cao tại Techcombank cũng vừa mua vào hàng trăm ngàn cổ phiếu TCB.
Mặc dù vậy, áp lực đối với nhóm ngân hàng còn khá lớn.
Nợ xấu của nhiều ngân hàng gia tăng trong bối cảnh hoạt động cho vay bị giới hạn do chính sách thận trọng đảm bảo phát triển bền vững của chính phủ. Nợ xấu ngân hàng phình to nhưng khó xử lý, khó bán. Nhiều khoản nợ xấu ngân hàng nằm tại VAMC liên tục được hạ giá nhưng vẫn chưa bán được như tại BIDV hay Agribank.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng còn chịu áp lực cung cổ phiếu tăng trước sức ép ngân hàng phải tăng vốn cũng như thoái vốn theo quy định. Theo đó, đến 2019, các ngân hàng cần thêm nhiều tỷ USD vốn cấp 1 để nâng cao năng lực cạnh tranh và chuẩn bị các kiều kiện đáp ứng chuẩn mực Basel II. Cho đến nay mới có VIB và VCB đạt được tiêu chuẩn.
Áp lực tăng vốn khiến các ngân hàng thương buộc phải phát hành thêm cổ phiếu qua các hình thức như: thưởng cổ phiếu, chia cổ tức, phát hành cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chiến lược.
Áp lực thoái vốn tại các ngân hàng khiến nguồn cung trên thị trường chứng khoán tăng mạnh. Trong khi đó, sức cầu đang thấp, các phiên đấu giá ảm đạm. Đây có thể là yếu tố khiến cổ phiếu ngân hàng giảm giá.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thanh khoản vẫn đứng ở mức thấp. VN-Index vượt mốc 930 điểm nhờ các trụ cột trên thị trường tăng. Nhóm các cổ phiếu lớn như Sabeco, Vinamilk, Vietcombank, VietJet Air, Vietinbank… tăng đã đóng góp chung vào thị trường.
Tín hiệu tích cực nhất có lẽ đến từ khối ngoại. Khối này mua ròng phiên thứ 4 liên tiếp.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho rằng, nếu rủi ro xu hướng vẫn còn khá lớn nếu thanh khoản không cải thiện.
SHS khuyến nghị nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục căn những nhịp tăng trong phiên để hạ tỷ trọng danh mục. Chiều ngược lại, nhà đầu tư đang nắm tiền mặt chỉ nên giải ngân nếu như thị trường vẫn duy trì được nền giá trên ngưỡng 930 điểm với thanh khoản khớp lệnh được cải thiện rõ rệt.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/11, VN-Index tăng 7,08 điểm lên 930,2 điểm; HNX-Index tăng 0,91 điểm lên 104,1 điểm. Upcom-Index tăng 0,02 điểm lên 52,16 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 170 triệu đơn vị, trị giá 3,7 ngàn tỷ đồng.
Tác giả: V. Hà
Nguồn tin: Báo VietNamNet