Bé Phước đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1
Ngày 16/3, BS Diệp Quế Trinh, Khoa Phỏng – Tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, bệnh nhân là bé Trần Tiến Phước, nhập viện trong tình trạng ngón út và áp út của cả hai bàn tay bị bỏng cháy đen, hoại tử. Các ngón tay còn lại bị bỏng sâu, đã ảnh hưởng đến phần gân xương. Vùng mặt bị bỏng sâu độ 3. Một con mắt bị bỏng nặng.
Các bác sĩ vừa tiến hành tháo khớp ngón bị hoại tử của hai bàn tay. Với các ngón tay còn lại, các bác sĩ cố gắng điều trị bảo tồn, cắt lọc bỏ phần da bị hoại tử tránh nhiễm trùng. BS Quế Trinh cho biết, đối với bỏng điện, điều đáng lo nhất là bệnh nhân có thể bị hủy cơ, ảnh hưởng gan.
Hiện tại, sức khỏe bé ổn định nhưng nguy cơ sau này sẽ ảnh hưởng tâm lý rất nhiều sau khi tháo khớp. Bên cạnh đó, các ngón tay còn lại có thể bị ảnh hưởng vận động, vùng mặt bỏng sâu có thể để lại sẹo co rút. Một bên mắt bỏng bác sĩ cố gắng bảo tồn.
Theo người nhà bé, trong khi ông ngoại sửa điện, bé đã lấy dây chì ông để dưới đất nhét vào ổ điện chơi. Khi ông nhìn xuống thấy cháu nằm sấp tưởng cháu ngủ quên. Ông bế cháu lên thì bị điện giật văng ra, lúc này, ông mới biết cháu bị điện giật và vội đi cúp cầu giao. Cháu được đưa đến Bệnh viện huyện rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM tiếp tục điều trị.
Hoàn cảnh của bé Phước rất khó khăn, cha mẹ bỏ nhau từ khi bé 1 tuổi, mẹ đi làm tại Bình Dương, để bé cho ông bà ngoại nuôi. Ông bà và bé hiện không có nhà cửa, phải ở nhờ nhà bà con.
BS Diệp Quế Trinh cho biết, bỏng điện ở trẻ em là một tai nạn khá thường gặp, mỗi tháng khoa tiếp nhận 1-2 ca, nguyên nhân chủ yếu từ ổ điện để thấp, bóng đèn bàn thờ ông điạ, các đây diện để hở.
Do đó, BS Trinh khuyến cáo, phụ huynh nên để những ổ điện, nguồn điện xa tầm với của trẻ, các vật điện gia dụng trong nhà cần kiểm tra thường xuyên.
An Nhiên / Theo Infonet