Vậy thì kinh khủng quá!Theo báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2012 của Bộ Tư pháp thì trong tổng số 564.524 văn bản được kiểm tra đã phát hiện 10.039 văn bản “có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp”, trong đó có 1.394 văn bản quy phạm pháp luật “có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung”. Ông bình luận gì về những con số này?
Gần 1.400 văn bản quy phạm pháp luật “có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung” cơ à? Vậy thì kinh khủng quá!
Tại sao ông lại cho là “kinh khủng”?
Bởi có phải cơ quan Nhà nước nào cũng được ban hành văn bản quy phạm pháp luật đâu! Còn trong hơn 10.000 văn bản kia, nếu xét cả văn bản hành chính và văn bản quy phạm pháp luật thì con số đó cũng không đến nỗi nào và hoàn toàn dễ hiểu trong thực trạng pháp luật và thực thi pháp luật kém hiệu quả như ở ta hiện nay.
Còn nói rằng nó “có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung”, “có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp” thì tôi nghi ngờ đấy.
Ông nghi ngờ về điều gì và tại sao?
Tôi nghi ngờ về tiêu chí. Căn cứ nào để nói như thế? Trước đây, viện kiểm sát có chức năng kiểm soát xem văn bản có hợp pháp hay không rồi công bố, kháng nghị. Nhưng sau này, chúng ta bỏ quyền đó ra khỏi viện kiểm sát, chuyển về cho Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, tức là chuyển quyền này từ cơ quan tư pháp về cơ quan hành pháp. Mà cơ quan hành pháp chỉ có quyền kiểm soát thôi, không có quyền phán xét. Do đó, kết quả này tôi cho là rất nửa vời.
Sao ông lại bảo kết quả này là “nửa vời”?
Người ta thông báo kết quả đó xong rồi thì làm gì? Cục trưởng có dám ra quyết định hủy quyết định của một Chủ tịch UBND tỉnh nào đó vì “có dấu hiệu vi phạm pháp luật” không? Nếu không thì nó là nửa vời chứ còn gì nữa! Lẽ ra phải thiết lập tài phán hành chính và tài phán hiến pháp mạnh, giao tòa án chức năng giải thích pháp luật thì mới hủy được chứ tuyên bố khơi khơi như vậy thì không làm gì được đâu, sẽ lại chỉ để đấy thôi. Cùng lắm thì “đắp chiếu” hay tự thu hồi.
Nhưng dù gì thì việc công bố kết quả kiểm tra như thế cũng có giá trị nhất định chứ?
Thì đương nhiên. Nó sẽ là một tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những người ban hành văn bản, để họ làm cho tốt hơn.
Vết nhơ trên mặt Nhà nước?
Vậy còn về phía người dân, ông có cho rằng với hơn 10.000 văn bản “có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp” sẽ khiến cho người dân nghi ngờ, giảm niềm tin vào cơ quan công quyền?
Cái đó là không tránh khỏi. Xét về mặt nguyên tắc thì trong hệ thống nhà nước, chỉ cần có một văn bản vi phạm pháp luật, xâm hại quyền lợi hợp pháp và chính đáng của công dân thì đó cũng là một vết nhơ tô lên mặt Nhà nước rồi.
Nghĩa là, hơn 10.000 văn bản “có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp” thì sẽ tạo thành vết nhơ cực lớn?
Suy luận logic là như thế. Nhưng suy cho cùng, lập pháp, hành pháp hay tư pháp đều là do con người thực hiện mà. Đến cái máy tính nhiều khi còn bị virus làm hỏng bộ nhớ đấy thôi. Không có nhà nước nào tránh được hết vết nhơ loại này. Vấn đề là làm sao để vết nhơ càng ít càng tốt. Nhưng hơn 10.000 văn bản như thế thì kể cũng lớn đấy!
Người ta còn bận thu hồi vốn
Theo ông thì nguyên nhân của hơn 10.000 văn bản “có vấn đề” là do đâu?
Một trong những nguyên nhân là vì những người ban hành văn bản không chịu khó đọc, không chịu khó học, không chịu nghiên cứu hoặc không thèm nghe ai cả, thích thế nào thì làm thế ấy.
Ông nói thế nào chứ có phải ai cũng có quyền ban hành văn bản đâu? Họ phải là những người có một vị trí, năng lực, trình độ nhất định chứ? 4 “không” như ông nói có mà “chết” à?
Đương nhiên, không phải ai cũng có quyền ban hành văn bản. Và cũng đương nhiên, số 4 “không” đó cũng không phải là nhiều. Nhưng trên thực tế, nhiều khi có những lý do rất khác nhau mà người ta tự nhiên ngồi vào vị trí lãnh đạo nào đó, chẳng hề nắm được lĩnh vực mình phụ trách nhưng vẫn buộc phải đưa ra quyết định quản lý thì sai là dễ hiểu. Đó là chưa kể do “thị trường Lã Bất Vi” mua quan bán chức (mà báo chí vẫn trực tiếp hay gián tiếp nói đến), đang xuất hiện cái gọi là “tư duy nhiệm kỳ”. Trong thời gian ấy, họ còn phải lo thu hồi vốn, làm sao mà có thời gian quan tâm nhiều đến trách nhiệm quản lý, trách nhiệm nghiên cứu để ban hành văn bản có chất lượng được!
Theo ông thì cơ quan quản lý có biết được điều này?
Tôi nghĩ là có đấy. Nhưng bối cảnh khó và ít kiểm soát về kỷ luật và trách nhiệm như hiện nay thì “lối ra” của tình hình là còn khá mờ mịt. Cứ nghiên cứu kỹ Nghị quyết Trung ương 4 và 6 thì chúng ta sẽ thấy mình đang ở đâu.
Minh bạch, minh bạch và minh bạch
Để giảm số văn bản không hiệu lực pháp luật thì cần phải làm gì, thưa ông?
Bắt đầu từ một câu mà người ta nói mãi rồi. Ấy là phải minh bạch. Minh bạch trong việc quy định quyền và nghĩa vụ, trong các quy trình, trong các tiêu chí ban hành văn bản. Khi công khai, minh bạch những cái đó rồi thì mọi người buộc phải theo, mà muốn theo thì phải học, phải đọc. Minh bạch sẽ giúp cho chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản hiểu đường đi của mình.
Theo ông, với hơn 10.000 văn bản “có dấu hiệu không đảm bảo tính hợp pháp” thì có nên hủy không?
Nói là “có dấu hiệu” thì chưa chắc nó đã không hợp pháp. Chúng ta không có một cơ quan danh chính ngôn thuận đủ sức mạnh và trách nhiệm để công bố chính thức văn bản đó có hợp pháp hay không nên cũng không thể hủy được đâu. Lý do là tài phán hiến pháp chưa có mà tài phán hành chính lại đang quá yếu.
Vậy còn với những người, cơ quan ban hành văn bản “có vấn đề” như thế thì cần xử lý thế nào?
Về mặt nguyên tắc thì phải xử lý người ra văn bản sai nhưng áp dụng khó khăn lắm. Vì vấn đề cá thể hóa kỷ luật và trách nhiệm trong công vụ của ta rất kém. Do đó, khi người ta làm sai có sao đâu? Chỉ rút kinh nghiệm chung chung, quy vào “trách nhiệm tập thể” nên chả biết là trách nhiệm của ông nào. Chủ nghĩa tập thể là nơi tốt nhất để ẩn náu trách nhiệm cá nhân.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thẳng thắn này!
Kienthuc