Thực trạng tại chợ kinh doanh giết mổ gia cầm tập trung Hà Tĩnh ở phường Văn Yên, TP. Hà Tĩnh và chợ Sơn Thọ, xã Sơn Thọ, Vũ Quang là những ví dụ.
Dự án Chợ kinh doanh giết mổ gia cầm tập trung TP.Hà Tĩnh được UBND TP. Hà Tĩnh đã đầu tư xây dựng năm 2006 trên địa bàn phường Văn Yên với mục đích quản lý và cung ứng sản phẩm gia cầm có chất lượng cho thành phố. Với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng, trên diện tích rộng 5000m2. Chợ được trang bị nhiều thiết bị máy móc hiện đại với công suất giết mổ hơn 10.000 con gia cầm mỗi ngày. 3 năm sau khu chợ hoàn thành và đưa vào hoạt động với thiết kế dành cho khoảng 40 hộ kinh doanh. Tuy nhiên, sau 5 năm đưa vào hoạt động, cả chợ chỉ có 2 hộ kinh doanh.
Ông Bùi Văn Ngạn, nhân viên BQL chợ giết mổ gia cầm TP. Hà Tĩnh cho biết: “Chợ có đầy đủ khu kiểm dịch, có phòng làm việc của Ban quản lý chợ và 6 dãy nhà cấp 4 được chia thành các ngăn theo thiết kế là để dành cho các hộ vào kinh doanh. Trong 2 năm đầu, chợ hoạt động sôi nổi, ngày bán trung bình khoảng 1000 con gia cầm, nhưng mấy năm nay chợ bán chậm, các hộ kinh doanh trả ki ốt vì lợi nhuận không đủ trả tiền thuê ki ốt và tiền thuế. Một ngày chỉ bán được khoảng 100 con gà thôi”. Lý giải cho việc chợ hoạt động không hiệu quả, theo ông Ngạn là: “Do đường sá xấu, lại trái đường, ngay cả nhiều người dân trong thành phố cũng không biết có khu chợ này, mặc dù gà ở khu chợ này được kiểm dịch nhưng người dân cũng không đến mua.”
Ông Nguyễn Văn Hà, một trong hai hộ kinh doanh tại khu chợ cho biết: “Dù chỉ còn hai hộ kinh doanh nhưng cũng rất ít khách, mỗi ngày cũng chỉ giết mổ được khoảng 50 đến 100 con gà. Trước đây cũng có gần 20 hộ vào thuê ki ốt để kinh doanh nhưng không có khách, trong khi hàng tháng vẫn phải đóng tiền thuê nên họ xin rút ra khỏi chợ”.
Trái với tình trạng vắng vẻ ở khu chợ giết mổ gia cầm thành phố Hà Tĩnh là cảnh mua bán tấp nập ở các chợ cóc, ở các vỉa hè dọc các tuyến đường Nguyễn Biểu, đường 26/3, Xuân Diệu… cách lối vào khu chợ 100 mét cũng có nhiều xe máy chở gà bán ngay bên vệ đường.
Cũng như chợ giết mổ gia cầm ở TP.Hà Tĩnh, chợ Sơn Thọ thuộc huyện miền núi Vũ Quang được đầu tư gần 400 triệu đồng với diện tích 3.500 m2 nhưng 9 năm nay trở thành nơi thả trâu bò, phơi quần áo, đổ rác thải cho các hộ dân sống quanh khu vực này.
Năm 2004, chợ Sơn Thọ được xây dựng với một khu chính, một khu phụ với tổng diện tích 3.500 m2 với mục đích giao thương, buôn bán và cũng là nơi để người dân đưa sản phẩm đặc sản của vùng là cam bù và mật mía nhằm quảng bá sản phẩm. Đây là một niềm vui lớn của hàng trăm hộ dân nơi đây, đồng thời tạo ra một hướng mới cho sự phát triển kinh tế của xã. Thế nhưng đã 9 năm nay, chợ bỏ trống, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.
Ông Nguyễn Khắc Hội, Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ cho biết: “Ban đầu khi chợ đưa vào sử dụng, bên chính quyền xã đã cho giết mổ hàng chục con lợn, bò, kêu gọi người dân đến mua bán, phát thanh trên báo, đài và phương tiện thông tin của các vùng lân cận biết nên chợ cũng hoạt động được một thời gian ngắn. Tuy nhiên sau đó, do nhu cầu mua bán của dân không nhiều, đường miền núi lại xấu trong khi ở các xóm cũng có một vài hộ kinh doanh nên người dân không đến chợ. Sản phẩm đặc sản là cam bù và mật mía khi đưa ra chợ mà không bán được thì sẽ bị hư, xuống giá nên nếu khách có nhu cầu, sẽ vào tận nhà hái cam trên cây, mua mật trong chum sẽ tốt hơn rất nhiều”.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa sống ở gần đó cho biết: “Đã từ lâu chợ đã không hoạt động rồi, các hộ dân xung quanh đã tự ý chiếm chỗ để sử dụng mục đích riêng, phía trong chợ thì không buôn bán nhưng ngoài chợ vẫn có một vài ki ốt nhỏ nhưng buôn bán không ăn thua”.
Trả lời vấn đề này, ông Hội cho biết sắp tới sẽ cho tu bổ lại, chuyển các hộ dân kinh doanh ở các ốt phía ngoài chợ vào sâu phía trong để tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, với hiện trạng chợ như hiện nay cộng với nhu cầu mua bán ít ỏi của người dân thì không biết tương lai khu chợ sẽ hoạt động lại như thế nào?
Nếu tình trạng này không được các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc để sớm có giải pháp khắc phục thì sẽ tiếp tục gây lãng phí lớn cho nguồn ngân sách nhà nước cũng như quỹ đất của địa phương.
HẠNH NGUYÊN
Đại Đoàn Kết