Tin thế giới

Tổng thống Philippines liệu có dùng Trung Quốc để khích Mỹ?

Tổng thống Philippines Duterte có thể đang tỏ ra thân Trung Quốc và cứng rắn với Mỹ để khiến Washington phải nhượng bộ và cung cấp cho họ nhiều lợi ích hơn.

tong-thong-philippines-lieu-co-dung-trung-quoc-de-khich-my

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Inquirer

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày càng thể hiện lập trường cứng rắn với Mỹ khi ra tuyên bố vào tuần trước rằng Washington và Manila sẽ chấm dứt tập trận chung (quân đội Philippines sau đó nói rằng bộ trưởng quốc phòng sẽ bàn bạc thêm với tổng thống). Ông Duterte cũng từng gây bất ngờ khi dùng ngôn từ tục tĩu để thóa mạ đại sứ Mỹ tại Philippines và Tổng thống Mỹ Obama, trong khi có động thái làm ấm tình cảm với Trung Quốc và Nga.

Lauro Baja, cựu đại diện thường trực của Philippines tại Liên Hiệp Quốc, nghi ngờ việc ông Duterte sẽ từ bỏ hoàn toàn liên minh của nước này với Mỹ, theo SCMP.

“Tôi không nghĩ vậy”, Baja nói. “Tôi nghĩ ông ấy tỉnh táo hơn thế, ông ấy nên biết mặt nào bánh mì được phết bơ”. Theo Baja, ông Duterte đang sử dụng triển vọng về mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc và Nga như một “lá bài mặc cả” với Mỹ.

Ông cho biết quân đội có lẽ sẽ cố gắng can ngăn ông Duterte làm vậy “vì các lực lượng vũ trang Philippines phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ về thiết bị quân sự và hỗ trợ. Họ đã thiếp lập những mạng lưới với Mỹ mà họ không có với Trung Quốc hoặc Nga”.

Teodoro Locsin, Jr., người mới được bổ nhiệm làm đại diện thường trú của Philippines ở Liên Hợp Quốc, lạc quan rằng Mỹ không bận tâm nhiều đến những ngôn từ gay gắt vì “người Mỹ không phải là những người phi lý. Họ luôn nghiên cứu kỹ vấn đề”.

Mỹ đã phản ứng một cách nhẹ nhàng với các bình luận của ông Duterte bằng cách nói rằng họ “không phản đối nếu ông muốn thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Nga và Trung Quốc”, Locsin nói.

Một nhà phân tích thị trường chứng khoán nhận xét rằng ông Duterte đang “bày bàn cờ” để một siêu cường đấu lại bên kia. Bằng cách khiến Washington bực tức, Manila có thể thuyết phục Bắc Kinh đàm phán và cung cấp cho họ các dự án cơ sở hạ tầng như đường sắt ở phía nam. Sau đó, ông Duterte “sẽ quay trở lại với Mỹ và hỏi rằng: các anh cung cấp được gì cho tôi?”, nhà phân tích nói.

Ông mô tả tình hình là “cuộc giận dỗi của đôi tình nhân” và bình luận rằng: “Tôi không tin ông ấy sẽ đổi phe. Ông ấy chỉ đang ‘chơi’ với Mỹ”. Ông nói thêm rằng động lực của nền kinh tế Philippines là các công ty Mỹ thuê nhân công ở đây.

Tuy nhiên, tại California, luật sư Rodel Rodis, người nắm giữ hai quốc tịch Philippines và Mỹ, coi các động thái của ông Duterte là “rất đáng lo ngại vì trục xoay về Trung Quốc của Philippines đang trở nên rất rõ ràng”.

“Tôi nghĩ rằng các hành động của ông ấy là thực lòng”, ông Rodis nói và dẫn chứng “các lời công kích vô cớ vào đại sứ Mỹ, và liên tục nhắc đến tội ác của Mỹ hơn một trăm năm trước đây”.

“Vấn đề nào ở Philippines ông ấy cũng đổ lỗi cho Mỹ nhưng ông ấy lại rất lịch sự với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Trung Quốc”, ông nói. “Ông ấy chưa bao giờ xúc phạm ông Tập như cách ông đã làm với Tổng thống Mỹ Barack Obama , Giáo hoàng Francis và Liên minh châu Âu”.

Phương Vũ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP