Thế giới

Tính toán chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ khi muốn cả S-400 của Nga và Patriot của Mỹ

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ muốn mua hệ thống phòng không Patriot của Mỹ sau khi đã ký thỏa thuận mua S-400 của Nga, động thái mà giới chuyên gia đánh giá là nghệ thuật thương lượng chiến lược của Ankara.

Tổ hợp phòng không S-400 của Nga (Ảnh: Tass)

Ngày 22/11, ông Ibrahim Kalin, Phát ngôn viên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, cho biết rằng Thổ Nhĩ Kỳ nghiêm túc cân nhắc khả năng mua tổ hợp phòng không Patriot của Mỹ nếu Washington đưa ra một lời chào hàng đủ hấp dẫn.

Các quan chức Ankara trong nhiều năm qua đã tổ chức rất nhiều cuộc họp và đàm phán với những người đồng cấp Mỹ về việc mua Patriot nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả cụ thể. Trong thời gian đó, quá trình thương lượng đã 2 lần gián đoạn, lần đầu tiên vào năm 2013 khi Thổ Nhĩ Kỳ thông báo họ sẽ mua một tổ hợp phòng không của Trung Quốc. Lần thứ 2 vào năm ngoái, khi Ankara đã ra quyết định chọn mua hệ thống S-400 của Nga.

Các nhà lập pháp Mỹ cho rằng thương vụ của chính quyền ông Erdogan sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền an ninh của liên minh quân sự NATO. Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần khẳng định sẽ theo đuổi thương vụ tới cùng. Nhằm đáp trả, Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật trong đó có điều khoản tạm hoãn việc chuyển 100 máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau một thời gian căng thẳng về một số vấn đề, trong đó có cả việc Ankara giam giữ mục sư Mỹ Andrew Brunson, hai nước đã bắt đầu bình thường hóa trở lại và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ sẵn sàng cân nhắc mua hệ thống của Mỹ.

Tuy nhiên, lần này Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định rằng họ là một nước lớn và không cần phải đáp ứng theo nhu cầu của bất cứ bên nào. Bằng chứng là dù tuyên bố sẽ cân nhắc mua Patriot nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra điều kiện của riêng họ. Ankara nói rằng họ sẽ mua nếu được chào hàng giá cả tốt và có thể hợp tác sản xuất tổ hợp phòng thủ với Mỹ.

Nghệ thuật thương lượng

Tổ hợp Patriot của Mỹ (Ảnh: Reuters)

Theo chuyên gia Nikita Danyuk, phó giám đốc tại viện Dự đoán và Nghiên cứu Chiến lược (Nga), Thổ Nhĩ Kỳ còn có những toan tính phía sau. Nhà nghiên cứu này cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán với Nga và Mỹ cùng lúc là một trong những chiến thuật của ông Erdogan nhằm tận dụng các thỏa thuận mua vũ khí trở thành công cụ thương lượng hiệu quả cho quyền lợi của Ankara.

“Với mục tiêu trở thành nước đứng đầu khu vực Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ đang tận dụng sự mâu thuẫn giữa 2 quốc gia hùng mạnh là Nga và Mỹ để mang lại lợi ích cho họ. Bằng việc “đánh tiếng” muốn mua Patriot, ông Erdogan dường như muốn Moscow sẽ có những nhượng bộ về việc hợp tác quân sự giữa 2 nước”, chuyên gia Danyuk nhận định.

Ngoài ra, ông Danyuk cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua Patriot của Mỹ nhằm loại mình ra nhóm đối tượng chịu trừng phạt do vi phạm “Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận" (CAATSA). Đây là đạo luật được thông qua hồi năm ngoái, cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt ngành công nghiệp quốc phòng Nga, cũng như chống các quốc gia mua vũ khí của Nga.

Hơn nữa, ông Danyuk cho rằng Ankara có thể kỳ vọng rằng thương vụ Patriot cũng có thể xoa dịu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến Washington không gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ kinh tế với Iran.

Trả lời RT, nhà nghiên cứu chính sách quốc tế Konstantin Truyevtsev nói rằng Ankara mong muốn động thái của họ sẽ thay đổi chính sách của Mỹ với người Kurd tại Syria, lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ gán mác khủng bố. Ông Truyevtsev cho rằng Mỹ hiện đứng giữa sự lựa chọn giữa việc tiếp tục ủng hộ người Kurd hoặc “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt lực lượng này. Vì vậy, Mỹ cần một động lực đủ mạnh để đưa ra quyết định và Ankara đã bắt đầu tung ra chiến lược của họ.

Chuyên gia này cũng cho rằng rất khó để điều đó có thể xảy ra, nhưng ông Erdogan dường như sẽ có những động thái khác trong tương lai nhằm khiến động lực này trở nên lớn hơn.

Một điểm yếu lớn trong chiến lược của ông Erdogan đó chính là việc Mỹ khó lòng đồng thuận bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara kiên quyết mua S-400 bằng mọi giá.

Chuyên gia quân sự Aleksey Leonkov chỉ ra rằng Mỹ nhiều khả năng sẽ không thể đồng ý đặt Patriot của họ liên kết với S-400 của Nga trong cùng một hệ thống vũ khí với quan ngại rằng các thông tin kỹ thuật bảo mật cao sẽ rơi vào tay Moscow.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP