Giai thoại về lông đuôi voi
Đồng bào M’Nông, Ê Đê ở Tây Nguyên xem voi là con vật linh thiêng trong đời sống văn hóa tâm linh. Có lẽ vì thế lông đuôi voi cũng được coi là cái gì đó rất “thiêng”. Ngoài giá trị về vật chất, sự giàu có, voi còn có giá trị tinh thần như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân cao nguyên.
Theo các bậc cao niên sống tại Bản Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) thì những chiếc nhẫn lông đuôi voi ngoài giá trị làm đẹp còn đem đến sự may mắn về tình duyên và sức khoẻ. Truyền thuyết của người Ê Đê kể rằng: Ngày xưa có một đôi trai gái trong buôn làng yêu thương nhau thắm thiết nhưng bị ngăn cản bởi mối thù truyền kiếp giữa hai gia tộc khiến họ không thể lấy nhau được. Chàng trai đã lặn lội mấy ngày đêm ròng rã đi nhờ vị thần to lớn nhất ở núi rừng Tây Nguyên là thần Nguăch Ngual (Thần Voi) đứng ra giúp đỡ để 2 người nên nghĩa vợ chồng.
Lời cầu xin thống thiết của chàng trai đã được Thần Voi giúp đỡ. Họ được tặng 1 chiếc lông đuôi voi để làm tín vật tình yêu. Hai người đã vượt qua mọi rào cản để khuyên giải hai gia tộc. Cuối cùng họ đã hóa giải được mối thù truyền kiếp bấy lâu nay và thuyết phục được hai bên cho họ sống với nhau cho đến “đầu bạc, răng long”. Từ đó câu chuyện tình yêu của đôi trai gái được lưu truyền khiến nhiều người biết đến. Chiếc lông đuôi voi được xem như là “tín vật tình yêu” mang lại sự may mắn, hạnh phúc cho những đôi trai gái yêu thương nhau thật lòng.
Đặc biệt, mối quan hệ giữa voi với voi cũng được ví như người với người. Những bậc cao niên cho biết, tình cảm giữa những “ông tượng” với “bà tượng” (voi đực và voi cái-PV) cũng thường rất gắn bó, chung thuỷ. Ở Bản Đôn có một con voi cái tên YTép “yêu” một con voi đực cùng buôn từ khi con nhỏ nên suốt đời con voi cái đó chỉ chịu sinh con với một mình con voi đực đó thôi.
Sau khi con voi đực bị bán cho một gia đình ở buôn khác, đến mùa sinh sản, hai con voi vẫn vượt rừng tìm đến nhau để giao phối rồi sinh con. Sau khi con voi đực qua đời, con voi cái sống một mình, nó nhất định không chịu giao cấu, sinh con với bất kỳ con voi nào khác. Có lẽ vì thế mà người dân ở Tây Nguyên quan niệm lông đuôi voi không chỉ đem lại sự may mắn, mà đó còn là tượng trưng cho lòng chung thuỷ, son sắt.
Lông đuôi voi |
Chỉ là truyền thuyết
Chính bởi lời đồn đem lại may mắn về tình duyên, sức khoẻ, bình an đã khiến nhiều người muốn sở hữu “bảo vật” này. Về Bản Đôn, hỏi thứ hàng hóa bán chạy nhất hiện nay là nhẫn lông đuôi voi và lông đuôi voi. Trong vai khách du lịch muốn mua lông đuôi voi làm kỷ niệm, chúng tôi tới khu du lịch Bản Đôn để tìm hiểu. Có chủ quầy hàng lưu niệm còn đưa cả khúc đuôi voi bị cắt đứt còn tua tủa những sợi lông đuôi đen óng cho chúng tôi xem với lời mời chào hối hả.
Dạo quanh những quầy hàng ở khu du lịch không khó để tìm những mặt hàng gắn lông đuôi voi, sợi lông ngắn như cái tăm cũng có giá vài trăm ngàn, sợi càng dài giá càng cao, có khi lên đến cả triệu đồng. Những sợi lông đuôi có màu trắng giá cao gấp đôi so với lông màu đen. Do nhu cầu tiêu thụ lông đuôi voi ngày càng cao, người ta phải sang tận Campuchia, Lào để lùng mua.
Theo giới thiệu của các chủ hàng, lông đuôi voi được trang trí nổi bật trong những chiếc nhẫn vàng, bạc có giá thấp nhất từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng/chiếc. Có loại lớn, nhẫn đôi hoặc vòng đeo tay lên tới hàng triệu đồng/chiếc (tùy theo cỡ tay). Nếu khách không mua nhẫn, vòng vàng, bạc thì có thể mua lông đuôi voi, giá 100.000 – 200.000 đồng/sợi, có sợi dài giá tới 500.000 đồng/sợi về làm quà biếu.
Có khách du lịch tâm sự, đi Bản Đôn mà không mua được lông đuôi voi thì coi như chưa tới xứ sở của voi. Tin đồn về những điều “kỳ diệu” liên quan đến lông đuôi voi đã khiến cho món hàng “độc” này càng ngày càng trở nên đắt đỏ và khan hiếm hơn bao giờ hết. Cũng chính vì vậy mà nhiều con voi bị nhổ hết lông đuôi khiến không thể mọc lại như cũ được nữa.
Bên cạnh đó, một phần lông đuôi voi còn bị nhổ trộm. Bọn “đạo chích” thường canh lúc thả voi vào rừng hoặc khi nghỉ ngơi thì nhổ trộm lông và có khi còn chặt cả đuôi. Mặc dù luật tục của người dân xứ Bản Đôn nếu phát hiện kẻ trộm phải phạt trâu, bò và tiền rất nặng. Sợi lông đuôi voi bị nhổ phải đốt để tạ lỗi “thần voi”, tuy nhiên trong thực tế rất khó để phát hiện kẻ trộm.
Bà H’Nguă Byă (SN 1954, cháu gái đời thứ 4 của Vua voi Y Thu Knul) cho biết, bao đời nay, trong cuộc sống hàng ngày của người dân Bản Đôn, voi luôn gần gũi, gắn bó thân thiết với người dân. Ngoài việc giúp người dân vận chuyển hàng hóa, voi còn được sử dụng phục vụ du lịch và sinh hoạt văn hóa gắn với đời sống tâm linh của người dân Tây Nguyên. Xuất phát theo cách lý giải tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” nên đồng bào cho rằng có sự hiện diện của một vị “Thần voi” khỏe như trái núi phù giúp cho muôn loài, muôn người.
Vì lợi nhuận mà con người sẵn sàng giết voi để lấy ngà, lấy lông đuôi |
Tự Lập – Nguyễn Văn/ Câu chuyện Pháp luật