Phóng sự - Ký sự

Tín dụng đen vùng biển Hà Tĩnh (Kỳ 3): Cạnh tranh tín dụng chính thống

Hoạt động của các tổ chức tín dụng (gọi tắt là ngân hàng) không còn xa với các vùng nông thôn, đặc biệt đã sôi động ở các địa phương vùng biển. Tuy nhiên, với điều kiện, tập quán đặc thù cùng sự bảo thủ, hạn chế trong nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân, tín dụng đen vẫn tồn tại song song bên cạnh các kênh vốn chính thống.

Sôi động vốn

Nhìn ở kênh vốn chủ lực cho nông nghiệp, nông thôn, có thể thấy sự phát triển mạnh mẽ về mạng lưới với 1 hội sở tỉnh, 16 ngân hàng cấp huyện, thị và 23 phòng giao dịch (PGD) đóng ở những địa bàn trung tâm đã mở ra cơ hội lớn cho người dân có nhu cầu vay vốn.

Tín dụng đen vùng biển (Bài 3): Cạnh tranh tín dụng chính thống
Hơn 6 tháng đi vay của cả ngân hàng và người quen, cha con ông Phạm Văn Hận mới đóng được chiếc tàu công suất 20 CV

Đặc biệt, ở nhiều vùng biển sôi động đều có những ngân hàng cấp 3 hoặc PGD cắm chốt cho vay như: Agribank – Chi nhánh Lộc Hà, trực tiếp cho vay vùng biển Thạch Kim, Thạch Bằng; PGD Thạch Khê (Agribank – Chi nhánh Thạch Hà) phụ trách các xã bãi ngang của huyện; PGD Thiên Cầm (Agribank – Chi nhánh Cẩm Xuyên) chốt ở vùng tâm điểm khai thác, hậu cần, du lịch biển Thiên Cầm, Cẩm Nhượng; PGD Xuân Phổ (Agribank – Chi nhánh Nghi Xuân) cho vay các xã vùng biển huyện Nghi Xuân.

Đối chiếu con số dư nợ bình quân/xã trong toàn tỉnh khoảng 29 tỷ đồng với nợ của các xã vùng biển, có thể thấy, vai trò của nguồn vốn Agribank ở các xã vùng biển: Thạch Kim 89 tỷ đồng, Cẩm Nhượng 37,5 tỷ đồng, Thiên Cầm 18 tỷ đồng, Kỳ Khang 32 tỷ đồng, Kỳ Xuân 44 tỷ đồng. “Ở Lộc Hà, xã vùng biển Thạch Kim là địa bàn có dư nợ chiếm gần 1/3 tổng dư nợ của ngân hàng nông nghiệp trong toàn huyện. Ở đây, chúng tôi bố trí 2 cán bộ tín dụng và ban giám đốc thường xuyên nắm bắt tình hình để có giải pháp đầu tư phù hợp” – Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Lộc Hà – Nguyễn Hữu Sửu khẳng định.

Đồng hành với bà con vùng biển, còn có những “ngân hàng nhà” tin cậy, thân thiết là hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân (TDND) đang phát triển khá mạnh những năm gần đây. Ra đời từ nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế, quỹ TDND tập trung nhiều ở các xã vùng biển sôi động sản xuất, kinh doanh như Thạch Kim, Kỳ Ninh, Kỳ Khang, Cẩm Nhượng…

Và ở đâu có mặt các kênh vốn chính thống chịu sự quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước này, nơi đó tình trạng cho vay nặng lãi hoặc các hình thức tín dụng đen không còn nhiều cơ hội “tự tung tự tác”. Ông Nguyễn Tiến Phụng – Giám đốc Quỹ TDND Kỳ Khang cho biết: Hơn 5 năm trước, khi Quỹ TDND xã chưa ra đời, tình trạng cho vay nặng lãi ở đây khá phổ biến. Ngư dân cần dăm bảy triệu đồng mua ngư cụ, ở xóm nào cũng có chủ tiền cho vay lãi rất cao. Nhiều người có vốn lớn còn cho vay hàng trăm triệu xuất khẩu lao động chỉ với những thủ tục hết sức đơn giản. Quỹ TDND ra đời, từ số vốn nhỏ, nay đã có hơn 30 tỷ đồng nguồn huy động tại chỗ, dư nợ cho vay đến 32 tỷ đồng với các món vay từ nhỏ tới lớn, thủ tục linh hoạt đã trở thành địa chỉ thân thiết của bà con. Cũng từ đó, các điểm cho vay tự phát giảm dần.

Những nút thắt chưa dễ gỡ

Trong câu chuyện về muôn ngàn nỗi gian truân để nuôi ước mơ đóng con tàu lớn ra khơi xa, ông Phạm Văn Hận (xã Kỳ Xuân – Kỳ Anh) cho rằng, nỗi gian khổ, hiểm nguy trên biển cả là vô cùng, nhưng chuyện huy động cho đủ nguồn vốn để đóng tàu mới là gian nan nhất.

Tín dụng đen vùng biển (Bài 3): Cạnh tranh tín dụng chính thống
Cán bộ Quỹ tín dụng nhân dân Kỳ Ninh giải ngân vốn vay cho ngư dân

“4 cha con có 2 miếng đất. Đất và nhà của ngư dân không có giá trị tiền tỷ, vì vậy, tài sản thế chấp không đảm bảo. Gia đình tôi đã phải nhờ đến anh em nội ngoại có đủ điều kiện gom bìa đất cho vay. Số tiền 2 ngân hàng cho vay được 400 triệu đồng, trong khi tổng tiền đầu tư đóng tàu hơn 900 triệu đồng. 6 tháng trời chạy vạy đủ đường vẫn không đủ, cuối cùng phải nhờ người vay vốn ngoài 60 triệu đồng với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi ngân hàng. Dẫu biết tỉnh có chính sách hỗ trợ lãi suất cho ngư dân đóng thuyền công suất lớn nhưng cha con tôi cũng không thực hiện được các quy định nghiêm ngặt để tiếp cận chính sách một cách có lợi nhất. Trong số hơn 500 triệu đồng cả vay ngân hàng và vay nóng bên ngoài, chúng tôi chỉ được hỗ trợ lãi suất khoản vay 200 triệu đồng” – ông Hận kể.

“Chuyến đi biển đầu tiên của 4 cha con sau khi đóng con thuyền 250 sức ngựa gặp những cơn bão đến sớm nên về không. Số tiền gần 150 triệu đồng chuẩn bị dầu đèn, thức ăn, trả lương nhân công cũng mất trắng. Một mình tôi chạy vạy đủ đường mới lo đủ tiền trả lãi ngân hàng, lãi vay ngoài mỗi tháng xấp xỉ cả chục triệu. Lo lắng, căng thẳng chẳng khác nào nỗi lo cha con ông ấy lênh đênh trên biển cả” – vợ ông Hận tiếp lời.

Giám đốc Ngân hàng No&PTNT Voi – đơn vị trực tiếp cho vay một số xã vùng biển huyện Kỳ Anh – Thân Văn Viết cho biết, những năm gần đây, vốn của Agribank đã tiếp sức cho nhiều ngư dân đầu tư đánh bắt xa bờ, tuy nhiên, một số trường hợp do tài sản thế chấp không đủ đảm bảo để vay số vốn lớn nên không chỉ ngư dân mà cả ngân hàng đều gặp khó. Như ông Hận (xã Kỳ Xuân), chỉ có 2 miếng đất giá trị thực chỉ hơn 100 triệu đồng, dù ngân hàng đã linh hoạt cho vay 200 triệu nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của gia đình. Trong nỗ lực chung của 2 bên, giải pháp mua bảo hiểm cho tàu làm cơ sở cho vay đã được tính đến nhưng chi phí này quá lớn với sức đầu tư của ngư dân. Ngân hàng cũng không thể mở rào quá lớn vì quá trình đầu tư tín dụng phải tuân thủ Luật các tổ chức tín dụng và các quy định của Ngân hàng No&PTNT Việt Nam.

Vốn ngân hàng vẫn xa còn là bởi chính nhận thức của một bộ phận người dân vùng biển gắn với truyền thống vay trả trao tay từ tập quán nhiều đời truyền lại. Dẫu các kênh vốn chính thống đã lan tỏa về tận ngõ xóm thì thói quen chờ chủ hụi đến tận nhà thu tiết kiệm mỗi ngày hoặc là vay trao tiền liền tay chỉ với một tờ giấy nợ đơn giản vẫn là sự lựa chọn của một bộ phận bà con vùng biển. Như câu chuyện về việc góp hụi ở xã Cẩm Nhượng, dù Ngân hàng Nông nghiệp Thiên Cầm chỉ cách xã vài cây số và Quỹ TDND Cẩm Nhượng nằm ngay trong trụ sở UBND xã, thu hút tổng nguồn vốn nhàn rỗi hàng chục tỷ đồng của hàng trăm khách hàng trên địa bàn, thì nhiều người dân khác vẫn tham gia góp tiền cho các chủ hụi.

Bà Trần Thị Hà – người đã hàng chục năm làm nghề gom tiền cho vay và đã trở thành nạn nhân của một “đầu nậu biển” khác ngay trên địa bàn là bà Trần Thị Nguyệt. Thế nhưng, trong những ngày tháng căng thẳng đòi lại số tiền hơn 500 triệu đồng là tiền của các thành viên góp hụi mà bà Hà đã gom cho bà Nguyệt vay, thì “chị em vẫn động viên, tạo điều kiện để tôi tiếp tục gom tiền, vừa có thêm thu nhập để giảm bớt khó khăn, vừa lấy lại tinh thần để kiên trì đòi nợ” – bà Hà cho biết.

Vũ Dũng – Thành chung/baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP