Pháp luật

Tin chồng bị oan, người vợ vay nợ gần 100 triệu đi tìm công lý

4 năm ròng, chị Oanh (Long An) đi gõ cửa khắp các cơ quan, mong giúp chồng được tại ngoại và minh oan, nhưng niềm vui chưa trọn.

Xã Đông Thạnh, huyện Cần Guộc, tỉnh Long An, năm 2014 trở nên náo động vì câu chuyện của anh Bùi Minh Lý (lúc đó 25 tuổi), một đảng viên - bí thư đoàn - trưởng ban chỉ huy quân sự của xã bị truy tố tội cướp giật tài sản. Cho đến nay, mỗi khi có dịp ngồi với nhau, người dân nơi đây vẫn không khỏi bàn tán xôn xao. Còn chị Oanh (hiện 34 tuổi), suốt gần hai năm qua lúc nào cũng sống trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Vui vì mỗi ngày được nhìn chồng tíu tít bên con gái nhỏ bi bô tập nói. Buồn vì bản án của tòa dành cho anh Lý cứ treo lơ lửng lâu nay, dù suốt mấy năm qua, người vợ ấy đã đưa đơn khắp nơi.

Chị kể, sau đám cưới được vài tháng chị lên Sài Gòn học nghề trang điểm - làm tóc. Anh Lý ở nhà vừa chăm sóc bố mẹ già, em trai đau bệnh, vừa làm công tác xã hội ở xã. Cuối tuần, hai vợ chồng mới được gặp nhau. Họ dự tính, khi kinh tế khá giả một chút sẽ làm nhà ra ở riêng rồi sinh con. Nào ngờ, ý định đó phải dừng lại.

Theo hồ sơ vụ án, thứ sáu tuần nào Lý cũng đội chiếc nón bảo hiểm của huyện đoàn trao tặng cho những cá nhân có thành tích suất sắc, chạy xe từ xã Đông Thạnh lên phường 25, quận Bình Thạnh (TP HCM) đón vợ về. Vì không rành đường thành phố nên lúc nào anh cũng đúng một lộ trình tới chỗ chị Oanh đang học việc ở Thanh Đa.

Để chồng được tại ngoại, chị Oanh đã phải chi 85 triệu phí thuê luật sư và hiện nay, họ đang tích cực làm việc để trả hết khoản nợ này và tiếp tục đưa đơn đi kêu oan cho anh Lý. Ảnh: Phan Thân.

9 giờ tối 19/1/2014, Lý cũng đi đoạn đường đó. Lúc này, gia đình chị Tâm đang đãi tiệc tất niên tại con hẻm khác cũng ở phường 25. Trong lúc chị Tâm bưng thức ăn ra thì bị một nam thanh niên chạy xe máy áp sát giật sợi dây chuyền đang đeo trên cổ. Chị Tâm chụp lại được sợi dây chuyền rồi tri hô cướp. Chồng chị Tâm và một người bạn lấy xe đuổi theo. Lúc hai người chạy đến một ngôi chùa thì thấy Lý đang chạy từ từ phía trước nên ép xe rồi xông vào đánh và khống chế, giao cho công an phường xử lý.

Ở chỗ làm, chờ mãi chẳng thấy chồng đến đón, chị Oanh vô cùng lo lắng. “Thường khoảng hơn 9 giờ một chút là anh ấy đến nơi rồi. Hôm đó, tôi chờ đến một giờ sáng mà chẳng thấy đâu”, chị Oanh nhớ lại. Đúng lúc đó, chị nhận được cuộc gọi từ số lạ báo Lý bị bắt vì cướp giật tài sản, mà như sét đánh bên tai.

“Anh ấy chỉ đi đón tôi”, chị Oanh khẳng định. Đến Công an phường 25, quận Bình Thạnh nhìn anh Lý mặt bơ phờ, đầy máu, tay chân bị còng, ánh mắt nhìn vợ như cầu cứu, chị không cầm được nước mắt. "Tôi tin rằng vợ chồng chị Tâm đã bắt nhầm người", chị Oanh nói. Thế nhưng, công an không tin những lời chị nói. Phía bị hại luôn khẳng định tên cướp là Lý, vì chị Tâm đã "nhìn mặt đối mặt" trong đêm tối dưới ánh đèn điện đường.

Trở về nhà sau một đêm thức trắng mặt bơ phờ, chị Oanh chỉ muốn thiếp đi. Thế nhưng, nhìn mẹ chồng ngơ ngẩn mất hồn khi nghe con trai bị bắt, cha chồng nằm một chỗ vì bị chấn thương sọ não do tai nạn, chị không cho phép mình yếu đuối. “Nếu tôi không mạnh mẽ thì chẳng ai giúp được anh ấy cả”, chị Oanh nói.

Chị Oanh cho biết sẽ luôn đồng hành cùng chồng, vì chị tin anh Lý không cướp tài sản. Ảnh: Phan Thân.

Nghe chuyện của con rể, bố mẹ chị Oanh vừa động viên, vừa răn con gái “nếu con bỏ nó thì suốt đời phải hối hận”. Nhờ thế, chị lại thêm quyết tâm. Một mặt chị động viên chồng gắng bình tĩnh, ăn uống, nghỉ ngơi cho khỏe và đừng lo nghĩ gì chuyện ở nhà. Mặt khác chị xin nghỉ việc 1,5 tháng, gom hết tiền tiết kiệm, vàng cưới, vay bạn bè người thân gần 100 triệu để thực hiện hành trình đi kêu oan cho chồng. “Tôi không biết viết đơn, không biết đi đâu gửi đơn nên phải thuê luật sư làm và hướng dẫn”, chị Oanh nói.

Nhìn người vợ trẻ, cứ hai ngày một lần lại chạy xe hơn 50km từ chỗ ở đến TP HCM dù trời mưa hay nắng đi đưa đơn, làm các thủ tục pháp lý và thăm chồng, ai cũng khuyên hãy bỏ anh cho khỏe, vì sẽ chẳng có kết quả tốt đẹp. “Mình làm vậy đâu phải là con người. Bố mẹ đã như vậy, tôi bỏ đi nữa thì anh ấy chẳng còn ai để nương tựa”, chị Oanh quả quyết.

Ở trại giam, từ đầu đến cuối Lý nhất mực khẳng định mình bị oan và không ký tên vào biên bản hỏi cung hay kết luận điều tra... “Lúc đầu, tôi khủng hoảng lắm. Sau đó, tôi nghĩ mình không làm thì phải tỉnh táo, mạnh mẽ và đấu tranh đến cùng”, anh nói.

Sau ba lần đưa ra xét xử, TAND quận Bình Thạnh (TP HCM) tuyên Lý 3 năm tù, và việc anh bị bắt là "do lần đầu đi cướp, không rành đường ở thành phố nên khi gặp các khúc cua không thể tăng ga". Không đồng tình, Lý kháng cáo kêu oan.

Tháng 9/2015, TAND TP HCM đã ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra, xét xử lại, bởi vì, tòa sơ thẩm chỉ căn cứ vào các chứng cứ gián tiếp, chưa khách quan, mang tính quy chụp. Hơn nữa, lời khai của người bị hại và người làm chứng có rất nhiều mâu thuẫn nên chưa đủ cơ sở chứng minh Lý phạm tội.

Một lần nữa chị Oanh lại tiếp tục rong ruổi khắp nơi kêu oan cho chồng. Gần một năm liền, các cơ quan chức năng cho biết sự việc đang tiếp tục điều tra, vì thế chưa thể trả lời được. Công việc trì trệ, thu nhập chẳng có, tiền cũng hết, chị Oanh vô cùng mệt mỏi, chán nản, nhưng vẫn gắng gượng mong ngày đoàn tụ.

Ngày 1/6/2016, ở chỗ làm, nghe nhiều người khoe tối đến sẽ cùng chồng đưa con đi chơi Quốc tế thiếu nhi, chị Oanh tủi thân vô cùng. Và chị bất ngờ bởi cuộc gọi của Viện kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh (TP HCM) báo, đã có quyết định cho Lý tại ngoại, chuẩn bị giấy tờ đến bảo lãnh anh về.

“Đang gội đầu cho khách, tôi reo lên đến mức họ phải giật mình”, chị Oanh kể. Ngay lập tức chị xin nghỉ việc, gọi báo tin vui cho người thân rồi đến trại giam đón chồng. Được gặp vợ, Lý chỉ biết ôm chị vào lòng rối rít cảm ơn. “Cô ấy đã hi sinh cho tôi rất nhiều”, anh nói. Còn chị Oanh tự hứa sẽ tiếp tục đồng hành cùng chồng trên con đường tìm công lý.

Hiện nay, vợ chồng chị đã có con gái hơn một tuổi. Anh Lý hằng ngày cùng bố vợ đi làm nghề xây dựng và được UBND xã Đông Thạnh nhận xét là người biết tu chí làm ăn, thương yêu vợ con, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Chị Oanh cho biết, suốt gần hai năm qua, hai vợ chồng vẫn gửi đơn kêu oan khắp nơi nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. “Sống mà suốt ngày nghĩ đến cái bản án lơ lửng của tòa, chúng tôi vô cùng mệt mỏi”, chị Oanh nói.

Ông Trần Minh Ngọc, Phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh cho biết, hiện nay vụ việc của Lý đang tiếp tục điều tra để làm rõ các chứng cứ, và sự việc kéo dài cho đến nay là do thay điều tra viên và viện kiểm sát trực tiếp giải quyết vụ việc. “Người trực tiếp giải quyết vụ việc đã chuyển công tác nên chúng tôi đang trực tiếp thụ lý. Chúng tôi sẽ sớm có kết luận cuối cùng để chuyển hồ sơ sang tòa”, ông Ngọc nói.

Luật sư Nguyễn Minh Cảnh, Đoàn luật sư TP HCM - Nguyên thẩm phán TAND TP HCM - đã nhận bào chữa miễn phí cho Lý. Theo ông, vụ án này có dấu hiệu oan sai rất rõ, vì không có chứng cứ nào xác định Lý cướp giật tài sản của chị Tâm. "Nếu chỉ căn cứ vào lời khai của bị hại và người làm chứng thì không đủ để kết tội Lý", ông Cảnh nói.

Cũng theo ông Cảnh, việc cho anh Lý tại ngoại rồi kéo dài vụ việc cho đến nay mà chưa đưa ra một kết luận gì là gây hoang mang, mất niềm tin và ảnh hưởng đến cuộc sống, nhân phẩm, danh dự của Lý.

Tác giả: Phan Thân

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: tìm công lý , chồng bị oan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP