Khám phá

Tiếp viên trưởng Vietnam Airlines mở quán bún đậu mắm tôm

Hơn 10 năm trước, Hoàng Hương Giang bỏ cơ hội du học Úc và tấm vé vào đại học uy tín ở Hà Nội để làm tiếp viên hàng không…

Tiếp viên trưởng trẻ nhất

Năm 2002, chị Hương Giang đồng thời được nhận suất học bổng du học tại Úc ngành quản lí du lịch – nhà hàng – khách sạn, thi đỗ vào đại học khọa học xã hội và nhân văn Hà Nội, vượt qua cuộc tuyển chọn khắt khe của Vietnam Airlines. Trước ba ngã rẽ đó, chị chọn trở thành tiếp viên hàng không. Cô gái Hà Nội chính gốc ấy vào Sài Gòn tự lập và bắt đầu những chuyến thiên di ở tuổi 18.


Sau 6 tháng huấn luyện, chị bắt đầu có chuyến bay đầu tiên. Đó là một chuyến bay quốc nội: TP.HCM – Hải Phòng. Dù đã được huấn luyện rất kĩ nhưng những cảm xúc “mang tên lần đầu” thì không thể tránh khỏi. Chị bâng khuâng nhớ lại: “Hôm ấy thời tiết bất ngờ chuyển xấu, mưa rả rích, trời cứ âm u suốt… Tôi bưng khay, đẩy xe phục vụ, trò chuyện cùng hành khách vẫn với vẻ mặt luôn tươi cười. Nhưng nếu không gian tĩnh lặng hơn, có lẽ mọi người đã nghe được nhịp tim thình thịch của tôi”.


Không có cơ hội để chọn lựa là bất hạnh, nhưng có nhiều chọn lựa dễ khiến người ta lung lay, hoặc có tâm lí hối tiếc trước khó khăn hiện tại. Nhưng với chị Giang: Mọi lựa chọn đều xứng đáng.

Chị Hương Giang trước giờ bay.

Và trong một hoạt động phong trào của hãng.

Công việc của một tiếp viên hàng không đã cho chị nhiều cái được mà thậm chí trước đây chị cũng không ngờ đến. Việc được đi khắp nơi, trải nghiệm học hỏi của một tiếp viên hàng không là cơ hội mà những người khác dù có nhiều tiền cũng chưa chắc thực hiện được. Chị từng có ý định du học ngành quản lí du lịch – nhà hàng – khách sạn, thì giờ với cơ hội đi lại này, chị tự học điều đó, từ mô hình kinh doanh, cách quản lí, đến cách bày biện gian bếp, khử mùi trong phòng ăn… để lập nhà hàng của riêng mình tại TP.HCM. Công việc của tiếp viên mang tính kỉ luật và đồng đội rất cao. Chị thấy mình may mắn khi được rèn luyện thông qua môi trường nghiêm khắc này. Chị chia sẻ thêm: “Khi công tác trong các ngành dịch vụ như ngành hàng không, bạn phải biết giữ gìn hình ảnh sao cho chỉn chu, tươi tắn. Về khoản này tôi lại cảm ơn công việc đã giúp tôi có một hình ảnh đẹp”. Nhờ những lạc quan và nghiêm túc ấy trong công việc, đến năm 2010, chị tiếp nhận vị trí tiếp viên trưởng, lập “kỉ lục” tiếp viên trưởng trẻ nhất của Vietnam Airline.

Chị Giang chụp ảnh lưu niệm ở một số nơi chị đã đi qua.
Mở quán bún đậu vì quá yêu Việt Nam

12 năm qua, càng đi, chị càng yêu Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Ý tưởng mở một quán ăn nhằm đưa văn hóa ẩm thực của Hà Nội vào Sài Gòn và quảng bá cho bạn bè quốc tế biết đã được chị ấp ủ hơn 10 năm. Đến tháng 10/2012, chị chính thức hiện thực hóa ước mơ ấy. Cô tiếp viên cá tính này tự mình lên ý tưởng trang trí, định hướng mô hình kinh doanh, thiết kế đồng phục,… Hai tháng sau, một quán bún đậu mắm tôm chính thức chào sân cùng giới ẩm thực tại một con đường nhỏ gần sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. “Vì tôi yêu Việt Nam” – đó là lí do để chị Giang, dù bộn bề với những chuyến bay quốc tế lẫn nội địa nhiều áp lực, vẫn bỏ tâm huyết gây dựng và điều hành tốt quán bún đậu phong cách này.

Chị Giang với vai trò là bà chủ quán – chụp ảnh cùng ca sĩ Lệ Quyên.

Nếu đẹp thôi chưa đủ, phải là một người cá tính, chị Giang mới có thể nghĩ ra một nội qui hài hước thế này.

Thời điểm ấy (tháng 12/2012), quán của chị là một trong hai quán đầu tiên đưa món bún đậu mắm tôm của Hà Nội vào Sài Gòn. Nhưng xét về tính đậm đà Hà Nội và tính chuyên nghiệp thì đây là quán đầu tiên. Chị chọn cách bố trí quán theo lối hoài cổ và mang đậm phong cách thủ đô. Chị tâm sự: “Nếu bạn đã từng ‘quen mặt’ Hà Nội, kỉ niệm về thủ đô sẽ tràn về ngay khi bạn bước chân vào quán. Những ai chưa một lần ra thủ đô, quán sẽ cho bạn cơ hội biết ‘mùi’ Hà Nội với những tranh vẽ phác họa sinh động về Hồ Gươm, Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, phố cổ, Ô Quan Chưởng, Nhà Hát Lớn…”.

Một góc quán.

Việc xếp hàng chờ được ăn có lẽ vẫn còn xa lạ với người Việt Nam nói chung và người Sài Gòn “nhanh – gọn” nói riêng. Thế nhưng hơn 1 năm nay, người qua đường vẫn luôn bắt gặp hình ảnh dòng người đứng xếp hàng trước quán bún này, nhất là vào các ngày nghỉ, ngày lễ. Chị Giang đơn cử: “Như ngày 2/9 năm nay, nhân viên quán chúng tôi phải chạy đi mua thêm 40 chiếc ghế nhựa, để khách được ngồi tạm trước quán, vì thời gian chờ quá lâu”. Chờ lâu là thế, nhưng họ vẫn không bỏ cuộc và nhiều lần quay lại.

Nhiều khách nước ngoài cũng thường xuyên ghé đến quán.

Hiện tại giờ bay của chị cũng dày đặc, chưa kể phải tham gia bay đột xuất trong tình huống dự phòng, nhưng việc điều hành từ xa quán bún đậu của chị vẫn diễn ra suôn sẻ. Như chị chia sẻ: “Quan trọng bạn phải có kế hoạch tổ chức ngay từ đầu”. Và chị vẫn nhắc lại điều mình tâm huyết nhất: “Mọi lựa chọn, chỉ cần bạn làm hết mình, đều xứng đáng”.



Theo Trí Thức Trẻ


  Từ khóa: Vietnam Airlines

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP