Tin Hà Tĩnh

Thủy điện Hương Sơn của "đại gia phố Núi" hoạt động kinh doanh ra sao?

Sau khi Tổng công ty Sông Đà bán ra toàn bộ 15.384.400 cổ phần tại Thuỷ điện Hương Sơn thì bất ngờ, toàn bộ số cổ phần đó đã được CTCP Dịch vụ - Khách sạn Kim Thành “thâu tóm”. Vậy, sau 4 năm tiếp quản, Công ty CP Thủy điện Hương Sơn của "đại gia phố Núi" hoạt động kinh doanh ra sao?.

Ngày 14/9/2017 tại trụ sở CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã diễn ra buổi đấu giá cổ phần thuộc sở hữu của Tổng công ty Sông Đà tại CTCP Thuỷ điện Hương Sơn (mã chứng khoán GSM), địa chỉ Km70, Quốc lộ 8A, xã Kim Sơn 1, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Tại buổi đấu giá có mặt các nhà đầu tư bao gồm: Nhóm nhà đầu tư đại diện bởi ông Lê Thái Hưng, CTCP Sông Đà 11 và CTCP Dịch vụ - Khách sạn Kim Thành.

Cả ba nhà đầu tư trên đều đăng ký mua toàn bộ 15.384.400 cổ phần, tương đương 53,9% vốn điều lệ của Thuỷ điện Hương Sơn mà Tổng công ty Sông Đà chào bán.

Tuy nhiên buổi đấu giá nhanh chóng ngã ngũ khi CTCP Dịch vụ - Khách sạn Kim Thành (Công ty Kim Thành) bỏ giá tới 15.300 cho mỗi cổ phần GSM, vượt xa hai nhà đầu tư còn lại (CTCP Sông Đà 11 bỏ giá 13.819 đồng; nhóm ông Lê Thái Hưng bỏ 13.500 đồng).

Sau khi chuyển nhượng số cổ phần chi phối cho Công ty Kim Thành (53,9%), tỷ lệ sở hữu của Tổng công ty Sông Đà trong Thuỷ điện Hương Sơn giảm còn 3,5%.

Đơn vị sở hữu nhà máy thuỷ điện cùng tên tại Hà Tĩnh còn có một cổ đông lớn khác là Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco), hiện sở hữu 5,64 triệu cổ phần, tương đương 19,75% vốn điều lệ.

Công ty Kim Thành, có địa chỉ tại khối 4, thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh do ông Nguyễn Thanh Hải làm Giám đốc và là người Đại diện pháp luật. Nhắc đến ông Nguyễn Thanh Hải, đối với người Hương Sơn nói riêng và Hà Tĩnh nói chung, không ai là không biết đến ông. Ông được mệnh danh là “đại gia phố Núi” nhưng lại là người rất giản dị, thân thiện.

Vượt qua các “ông lớn” chuyên về kinh doanh đầu tư lúc bấy giờ để thâu tóm Thủy điện Hương Sơn - một lĩnh vực kinh doanh mới lại khiến nhiều người bất ngờ hơn về “đại gia phố Núi” này.

Vậy, từ khi tiếp quản, Công ty CP Thủy điện Hương Sơn của "ông trùm" ngành vận tải đường bộ này hoạt động kinh doanh ra sao?.

Ông Nguyễn Thanh Hải cùng các thành viên HĐQT Công ty CP Thủy điện Hương Sơn.

Theo tìm hiểu, sau 4 năm về tay ông chủ mới, Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ Công ty CP Thủy điện Hương Sơn có sự biến động nhất định. Cụ thể, năm 2017, công ty đạt 154,033 tỷ đồng nhưng đến năm 2018 và 2019 đã có sự sụt giảm rõ rệt khi chỉ đạt 116,853 và 107,127 tỷ đồng. Phải đến năm 2020, Công ty này mới có sự tăng trưởng nhất định khi đạt 124,976 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ sau khi trừ giá vốn chỉ đạt hơn 90 tỷ đồng (năm 2017) và giảm còn hơn 63 tỷ đồng vào năm 2020.

Mặc dù doanh thu như vậy nhưng Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước thuế của công ty này đạt khoảng 49,566 tỷ đồng vào năm 2017 và đạt 33,155 tỷ đồng năm 2020. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty này tương tự các năm trên còn 46,541 tỷ đồng và 31,847 tỷ đồng.

Xét riêng Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty này từ năm 2018 - 2020 thì có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2018 chỉ vỏn vẹn hơn 5,3 tỷ đồng (đạt hơn 9,3 tỷ đồng năm 2019) thì đến năm 2020, Lợi nhuận sau thuế của Công ty này đã mang lại gấp gần 6 lần so với năm 2018.

Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 13 vào ngày 6/5/2021 thì Công ty Thủy điện Hương Sơn có vốn điều lệ là 285,62 tỷ đồng.

Mới đây, tại công ty do ông Nguyễn Thanh Hải làm Chủ tịch HĐQT cũng đã có sự thay đổi nhân sự. Theo đó, ông Phạm Tiến Dũng (SN 1981), trú tại TP Vinh, Nghệ An là cử nhân Tin học, trung cấp kế toán đã giữ chức Tổng Giám đốc CTCP Thuỷ điện Hương Sơn thay thế ông Đặng Văn Thế đã miễn nhiệm trước đó và có thời hạn 5 năm kể từ ngày 6/5/2021. Ông Phạm Tiến Dũng cũng chính là người Đại diện pháp luật mới của Công ty này .

Được biết, CTCP Thủy điện Hương Sơn tiền thân là dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Hương Sơn I. Ngày 19/11/2014: Công ty được UBCK Nhà nước chấp thuận trở thành công ty đại chúng. Ngày 08/04/2015: Cổ phiếu của công ty chính thức được giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán: GSM.

Tính đến ngày 31/12/2020, CTCP Thủy điện Hương Sơn có các cổ đông lớn bao gồm: CTCP Dịch vụ khách sạn Kim Thành nắm giữ: 7,620,380 cổ phần, chiếm tỷ lệ 24%; Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh - CTCP là 5,640,000 chiếm 19.75%; bà Nguyễn Thị Nhân Ái nắm giữ: 2,917,300 cổ phần, chiếm 10.21%; bà Trần Thị Kim Thoa nắm giữ: 2,856,200 chiếm 10%; Công ty TNHH Đại Hiệp nắm giữ : 2,856,220 cổ phần, chiếm 10% và bà Nguyễn Thị Minh nắm giữ: 1,729,900 cổ phần, chiếm 6.06%.

Theo tìm hiểu, từ năm 2017 đến năm 2020, Tổng tài sản của Công ty CP Thủy điện Hương Sơn ngày càng giảm dần, từ 625, 711 tỷ đồng năm 2017 xuống còn 588,799 tỷ đồng vào năm 2020. Do đó, nợ phải trả của Công ty này cũng giảm dần từ 288,421 tỷ đồng xuống còn 206,353 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Vốn chủ sở hữu của công ty này lại tăng dần qua các năm. Cụ thể, từ 337,290 tỷ đồng vào năm 2017 đã tăng lên 382,446 tỷ đồng năm 2020.

Tác giả: Ngọc Tuấn

Nguồn tin: taichinhdoanhnghiep.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP