Cảm giác như xem phim “bom tấn” Hollywood khi theo dõi những vụ chuyển nhượng tại V.League vừa qua |
Như đã từng đề cập, sự định giá cầu thủ chịu sự tác động của quy luật cung cầu. Hay có thể nói ngược lại quy luật cung cầu sẽ định giá cho một cầu thủ. Càng đến các phiên chợ cuối, càng hiếm những bản hợp đồng chất lượng. Và thường nhu cầu của các ông chủ, đội bóng… rất lớn nên chuyện giá cầu thủ được đẩy lên cũng rất bình thường. Tất nhiên, mọi thứ trở nên “bất thường” chỉ khi giá trị cầu thủ đội lên nhiều lần. Tức sự định giá ấy không dựa vào định lượng nhiều hơn… định tính. Nghĩa là cầu thủ A được định giá 1 nhưng có thể đội lên gấp 5-6, thậm chí 10 lần.
Ít nhiều có thể khoanh vùng những cầu thủ có khả năng chuyển nhượng, trở thành những bản hợp đồng “bom tấn”. Có nhiều người nghĩ ngay đến cái tên Công Phượng đang trải qua những ngày tháng kém vui tại Nhật. Có người nghĩ đến Patrik Lê Giang, người đang nhận được những sự chào mời hấp dẫn. Đó cũng có thể là những cầu thủ Việt kiều như Jason Quang Vinh… Thời gian qua, theo dõi những vụ chuyển nhượng tại V.League, người ta có cảm giác như xem những bộ phim “bom tấn” của Hollywood. Diễn biến ở đoạn kết ngôi sao sẽ như thế nào? Sẽ đi về đâu? Đang trở nên kịch tính, khó lường. Chẳng hạn như thương vụ Hoàng Đức.
Hoàng Đức vẫn chưa biết bản thân thi đấu cho CLB nào dù anh được xác nhận đã rời Thể Công Viettel |
Mùa giải năm nay, phương thức chuyển nhượng V.League đã có những thay đổi. Ngoài phương thức truyền thống từ đội A chuyển sang đội B thì còn một kịch bản khác, một bên trung gian sẽ “chốt đơn” rồi mới tính đến phương án đưa cầu thủ đó đến đội A hay đội B. Những phiên chợ cuối luôn tạo ra những điểm nhấn và cả những tranh cãi không dứt.
Nói chung quy luật thị trường là thuận mua vừa bán, một siêu sao đương nhiên nhiều tiền hơn các ngôi sao, còn những ngôi sao nhiều tiền hơn cầu thủ thông thường. Nhưng những thương vụ bạc tỉ có thành công hay không sẽ phải chờ thời gian trả lời.
Tác giả: Đam San
Nguồn tin: bongdaplus.vn