Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Dự án đầu tư mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Sáng 24/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khánh thành đồng loạt 4 dự án giao thông trọng điểm gồm Dự án mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, Cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ, Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu.
Có gần 1.900km cao tốc trên cả nước
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh bốn dự án có tổng số vốn đầu tư gần 18.000 tỷ đồng được tổ chức khánh thành cùng lúc bằng hình thức trực tuyến ngày hôm nay là dấu mốc lịch sử bởi Giao thông Vận tải nói chung và đường cao tốc, bến cảng, sân bay mang lại hiệu quả, giao thông phát triển đến đâu thì kinh tế-xã hội, du lịch phát triển đến đó, giảm chi phí logistics tạo cạnh tranh cho Việt Nam, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại tiết kiệm thời gian công sức
“Bốn công trình này đã nâng tổng số km đường đưa vào khai thác là 730km cao tốc Bắc-Nam phía Đông và tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước gần 1.900km. Hiện các đơn vị đang thi công gần 1.700km cao tốc Bắc-Nam kết nối với Đông-Tây. Mục tiêu đặt ra là sẽ hoàn thành 3.000km cao tốc vào năm 2025 và đến 2030 có trên 5.000km cao tốc Bắc-Nam và Đông-Tây. Đây là việc khó nhưng phải quyết tâm làm,” người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra các dự án khánh thành hôm nay đều có chung đặc điểm là vướng mắc pháp lý, huy động vốn khó khăn; nguyên vật liệu giá cả biến động, khan hiếm vật liệu thông thường; thi công trong điều kiện dịch bệnh, biến động thời tiết; giải phóng mặt bằng khó khăn và bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của chủ đầu tư, công nhân nhà thầu, sự giúp đỡ nhân dân nơi dự án đi qua, sự vào cuộc của địa phương cùng với tinh thần “vượt nắng thắng mưa; ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ý chí kiên cường chiến thắng đại dịch; làm việc xuyêt đêm, xuyên Tết; 3 ca, 4 kíp” tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết đã lan tỏa, truyền cảm hứng và tin chắc những dự án tiếp theo có cơ sở nền tảng hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại lễ khánh thành đồng loạt 4 dự án giao thông trọng điểm Quốc gia. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan địa phương phối hợp làm tốt công tác khai thác có hiệu quả; thanh quyết toán dự án công khai, minh bạch, các trạm dừng nghỉ cần nghiên cứu làm và triển khai; lưu ý đến đời sống của nhân dân nhường đất cho dự án; duy tu, bảo dưỡng kiểm tra, bảo vệ môi trường…
Đòn bẩy bứt tốc kinh tế-xã hội địa phương
Theo ông Lại Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên được khởi công ngày 22/1/2022, với tổng mức đầu tư là hơn 1.470 tỷ đồng, đã hoàn thành vào cuối tháng 11/2023 và chính thức đưa vào khai thác trở lại vào ngày 2/12 vừa qua. Đây là công trình chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Khẳng định dự án là mắt xích quan trọng trên bản đồ thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho tỉnh Điện Biên nói riêng và các tỉnh lân cận vùng Tây Bắc nói chung, ông Thanh nhấn mạnh việc khai thác các chuyến bay thương mại bằng các dòng tàu bay thế hệ mới Aibus A320, A321 tại Cảng Hàng không Điện Biên sẽ phá vỡ thế độc đạo đường bộ, đảm bảo kết nối bằng nhiều phương thức vận tải giữa Điện Biên với Thủ đô Hà Nội và các vùng kinh tế khác trên cả nước, đặc biệt là kết nối Điện Biên-Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối các tỉnh khu vực phía Nam với vùng Tây Bắc của Tổ quốc được thuận lợi.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra quầy làm thủ tục hàng không tại Cảng Hàng không Điện Biên. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang, Dự án đường Cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ giai đoạn 1 kết nối với Cao tốc Nội Bài-Lào Cai thuộc tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Tây được khởi công vào ngày 1/2/2021; có tổng chiều dài tuyến là 40,2km (trong đó địa phận tỉnh Tuyên Quang là 11,3km; địa phận Phú Thọ là 28,9km); tổng mức đầu tư 3.253 tỷ đồng.
“Việc hoàn thành dự án từng bước đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 2; rút ngắn thời gian di chuyển, kết nối giữa tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ với Thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác của đường Cao tốc Nội Bài-Lào Cai,” ông Sơn nói.
Trong tương lai không xa, ông Sơn kỳ vọng Cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ cùng với Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang sẽ tạo bước phát triển đột phá về kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch của các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang nói riêng và khu vực trung du, miền núi phía Bắc nói chung.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ giai đoạn 1 đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, chiều dài 23km, được khởi công vào ngày 1/2/2021 tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng; Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài khoảng 6,61km nằm trên trục Cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, kết nối hai tuyến Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực.
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh Dự án Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ và Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, làm giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như hiện nay, dần hình thành một tuyến hành lang giao thông trục dọc Đồng bằng Sông Cửu Long hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, tỉnh Đồng Tháp và Cần Thơ nói riêng./.
Tác giả: Việt Hùng
Nguồn tin: vietnamplus.vn