Kinh tế

Thu thuế bán hàng qua mạng: Phải ‘nắm kẻ có tóc’!

Từ tháng 4-2017, cơ quan thuế TP.HCM nói đã có phương án để thu thuế đối với hoạt động bán hàng qua mạng. Thế nhưng đến nay mọi sự không hề dễ dàng chút nào. Vì sao vậy?

Trước tiên là quy định pháp luật chưa rõ ràng. Để điều chỉnh một hoạt động to lớn này cần phải có một hành lang pháp lý hoàn chỉnh. Nhìn lại các quy định pháp luật của chúng ta đã có hay chưa, có đầy đủ không? Tôi xác định là quy định cũng đã có kha khá. Có Luật Quản lý thuế 2006, ở đó nêu khi thực hiện việc kinh doanh, phát sinh lợi nhuận thì phải đóng thuế. Các bạn kinh doanh qua mạng Facebook, Zalo, Youtube, website khác… đã thỏa mãn nội dung này.

Nộp thuế bằng cách nào? Phải tự kê khai, tối thiểu là hình thức hộ kinh doanh cá thể để nộp. Đây là yêu cầu tự giác. Tất nhiên sẽ khó có ai tự giác. Vậy thì có Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử lý hành vi trốn thuế ở mức dưới 100 triệu đồng. Còn trốn thuế trên 100 triệu đồng hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi trốn thuế thì có hẳn chế tài tù tội mà BLHS đã quy định từ khá lâu.

Cơ sở nào để xác định phải đăng ký khi thực hiện kinh doanh qua mạng, nhất là việc mua bán được thực hiện qua Facebook, Zalo? Đây là vấn đề được… lăn tăn khá nhiều, từ cơ quan quản lý thuế đến người kinh doanh.

Hãy nhìn Thông tư 47/2014 của Bộ Công Thương, ở đó có một quy định rất sát sườn. Website mà trong đó “cho phép người tham gia lập website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ” thì phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) theo Nghị định 52/2013 về TMĐT. Nhưng mọi vướng mắc cũng bắt nguồn từ đây.

Thử phản biện rằng Facebook không phải là sàn giao dịch TMĐT. Quá đúng! Sàn giao dịch TMĐT được định nghĩa là ở đó thực hiện việc giới thiệu hàng hóa, giao dịch giữa người mua và người bán một cách hoàn chỉnh (xem, chọn hàng, đặt hàng, thanh toán, giao hàng, nhận hàng). Vậy rao và bán hàng trên Facebook không phải sàn giao dịch TMĐT. Mà đã không phải là sàn giao dịch TMĐT thì không phải đóng thuế!

Lập luận nói trên quá đúng cho... người bán hàng qua mạng nhưng lại làm khó cho nhà quản lý, vì nhà quản lý không bẻ gãy được lập luận ấy khi căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành. Quả là nan giải!

Mỗi giờ một người có thể mở được 15-20 tài khoản Facebook (là tôi suy từ thao tác chậm chạp của bản thân tôi); số lượng fanpage cũng tương tự. Vậy cơ quan quản lý căn cứ vào đâu để đánh thuế khi facebooker nói tôi chả bán được gì mà phải nộp thuế. Việc to và đau đầu lắm lắm với cả ngành thuế chứ chẳng phải chơi.

Vậy giải quyết ra sao, căn cứ pháp lý nào để buộc người kinh doanh trên Facebook phải đăng ký? Trường hợp họ không đăng ký thì xử lý bằng cách nào để thu cho được thuế?

Theo tôi, có thể xem những người bán hàng qua mạng như một hộ kinh doanh cá thể. Mà đã kinh doanh thì phải đăng ký. Anh không đăng ký, nếu Nhà nước phát hiện thì sẽ phạt nặng. Hẳn việc phát hiện ra người kinh doanh không đăng ký đối với những người bán hàng qua mạng (nhất là những “con cá lớn”) dễ hơn chuyện sàn giao dịch TMĐT nói trên. Và khi người bán đã đăng ký kinh doanh rồi thì chuyện thu thuế trở thành chuyện “nắm kẻ có tóc”, rất dễ dàng cho cơ quan thuế.

Tác giả: Ls Nguyễn Thành Công

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP