Xung quanh đề xuất thu phí ô tô vào nội đô giờ cao điểm ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận, PV báo điện tử Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với PGS. TS Từ Sỹ Sùa, bộ môn Vận tải đường bộ và thành phố – ĐH Giao thông Vận tải (Hà Nội).
PGS. TS Từ Sỹ Sùa. |
Sở GTVT TP.HCM và TP.Hà Nội vừa đưa ra đề xuất thu phí ô tô vào nội đô nhằm giảm ùn tắc vào giờ cao điểm. Liệu đề xuất này có nhận được sự đồng thuận của người dân không, thưa ông?
Đề xuất thu phí ô tô vào nội thành được TP.HCM triển khai từ nhiều năm trước, nhưng chưa thực hiện, nay khởi động lại. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thu phí xe ô tô vào trung tâm hiệu quả như: Anh, Ý, Singapore… Nhưng không phải cứ kinh nghiệm nước ngoài là đem áp dụng vào Việt Nam. Bởi không ít đề xuất chúng ta cũng bê từ nước ngoài về nhưng không khả thi, gây lãng phí.
Vì thế, việc thu phí ô tô vào nội đô cần phải hết sức cẩn thận, chọn lọc, nếu không sẽ gây lãng phí và bức xúc dư luận.
Tôi cho rằng, đề xuất này khó nhận được sự đồng thuận của người dân. Thực tế người mua xe đã phải đóng rất nhiều loại phí. Trong đó có phí bảo trì đường bộ, giờ đi ra đường lại còn bị thu phí nữa, liệu có công bằng với họ không?
Ví dụ, như tôi ở trung tâm thành phố, mà ngày nào cũng đi lại thì tiền đóng phí có khi gần bằng thu nhập cả tháng của tôi. Trong khi đó, ở nước ngoài những chi phí như vậy chỉ bằng một phần nhỏ của thu nhập.
Có thể nói chúng ta mới chỉ đưa ra được những đề xuất, giải pháp mang tính hành chính đơn thuần chứ chưa tạo ra được sự thay đổi đồng bộ. Cái chưa đồng bộ tôi muốn nói ở đây là về văn hóa, cơ sở hạ tầng, quan điểm phát triển.
Hơn nữa, để giảm bớt ùn tắc, điều cốt lõi là giao thông công cộng vẫn chưa phát triển để người dân có quyền lựa chọn phương tiện thay thế.
Những giải pháp đưa ra vẫn chỉ mang tính hành chính đơn thuần thì không bao giờ hiệu quả.
Ùn tắc giao thông là bài toán khó tại các thành phố lớn. |
Thưa ông, đề xuất thu phí ô tô vào nội thành là việc cần làm và phải làm nếu muốn giảm tắc ùn tắc mà nhiều nước đã áp dụng thành công, vậy thời điểm này chúng ta triển khai có phù hợp?
Tất nhiên, áp dụng thu phí đối với ô tô có thể sẽ giảm được ùn tắc, đường phố sẽ thông thoáng hơn.
Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là hiệu quả của đề án.
Chúng ta kỳ vọng đường sá thông thoáng hơn. Tuy nhiên, mật độ giao thông như hai thành phố lớn hiện nay thì chưa nói trước được điều gì. Thực tế, các giải pháp chúng ta đưa ra nhằm giảm ùn tắc chỉ là phải pháp tình thế, chứ không phải lâu dài.
Nhiều nước đã áp dụng việc thu phí vào nội đô thành công, nhưng tốc độ tăng trưởng phát triển của họ hơn hẳn chúng ta?
Tôi không phủ nhận điều này, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta phải đợi đến khi nào phát triển như họ thì mới áp dụng. Đề xuất này là cần thiết, có điều cần phải theo lộ trình để triển khai thực hiện chứ không thể áp dụng ngay.
Theo quy luật thì khi kinh tế phát triển, nhu cầu mua ô tô chắc chắn sẽ tăng lên. Do vậy, bây giờ đưa ra những đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân, hay thu phí ô tô vào nội đô nhằm hạn chế ùn tắc không phải là sớm nữa.
Như tôi đến Luân Đôn (Anh Quốc), trước khi vào đường thu phí thì họ có mũi tên chỉ dẫn “khoảng 100m nữa sẽ vào đường thu phí”. Nếu tôi không muốn bị mất phí thì có thể đi đường vòng, xa hơn hoặc gửi xe, đi phương tiện công cộng.
Nhưng ở ta thì các cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, muốn gửi xe, hay đi vào trung tâm bằng phương tiện công cộng cũng chưa đáp ứng được.
Có thể nói, chúng ta chưa hội tụ đầy đủ cơ sở để tính đến chuyện hạn chế phương tiện. Vấn đề là với mọi giải pháp đưa ra đều phải có lộ trình cụ thể để thực hiện.
Vũ Phương