Hà Tĩnh ngày nay

Thu phí cầu Hộ Độ: Hiệu quả thấp, nhiều bất cập!

Tổ chức hoạt động và kết quả thu, quản lý sử dụng phí qua cầu Hộ Độ trong 15 năm qua đã bộc lộ nhiều bất cập, thiếu sót và hiện không còn phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương cũng như nguyện vọng của đông đảo người dân trên địa bàn. Ngừng thu phí cầu Hộ Độ ngay lúc này là cần thiết…


Thu cả khi thiếu cơ sở pháp lý


Việc thu phí cầu Hộ Độ được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 886 QĐ/UB-XD ngày 8/6/1996. Theo đó, Sở GTVT được giao tổ chức thu phí qua cầu Hộ Độ trên tỉnh lộ 9 (tại KM 6+200) để tăng thu ngân sách và bổ sung kinh phí quản lý, duy tu, sửa chữa cầu.


Trên cơ sở các quy định, Giám đốc Sở GTVT ban hành Quyết định số 243 QĐ/QLGT ngày 28/6/1996 về việc giao nhiệm vụ thu phí cầu Hộ Độ; thực hiện tinh thần Pháp lệnh phí và lệ phí của ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành Trung ương, nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 409/2003/QĐ-UB-TM ngày 28/2/2003 và Quyết định số 171/QĐ-UB-TM1 ngày 5/2/2004 về việc quy định mức thu một số loại phí, trong đó có mức thu phí cầu Hộ Độ.


Tuy nhiên, theo khẳng định của một cán bộ HĐND tỉnh, thì HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về thu phí, lệ phí nhưng không có nghị quyết về thu phí cầu Hộ Độ. Năm 2006, theo ý kiến của HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 8 khóa XV, đã thực hiện bỏ thu phí cầu Hộ Độ với các loại phương tiện xe mô-tô, xe gắn máy mà không ban hành Nghị quyết và UBND tỉnh cũng không ban hành quyết định.


Mặt khác, trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp, ngành có liên quan trong tỉnh đã không kịp thời ban hành các văn bản điều chỉnh, bổ sung theo đúng các qui định của pháp luật về quản lý phí và lệ phí. HĐND tỉnh cần kịp thời ban hành nghị quyết về thu phí cầu Hộ Độ trên cơ sở đề án xây dựng mức thu, thời gian thu phí qua cầu, đảm bảo nguyên tắc thu hồi vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, phù hợp với khả năng đóng nộp của người dân và tình hình phát triển KT-XH của địa phương. UBND tỉnh phải có quyết định giao nhiệm vụ tổ chức thu phí, mức thu, tỷ lệ điều tiết… thay thế Quyết định 886 QĐ/UB-XD ngày 8-6-1996 và hủy bỏ Quyết định số 243 QĐ/QLGT ngày 28-6-1996 của Sở GTVT về việc giao nhiệm vụ thu phí cầu Hộ Độ”.


Việc không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thu phí, lệ phí trên đã làm cho hoạt động thu phí, lệ phí cầu Hộ Độ trong suốt một thời gian dài nằm trong tình trạng không đủ cơ sở pháp lý và ở một khía cạnh nào đó có thể được coi là thu “chui”!. Từ đó, dư luận bức xúc, nảy sinh nhiều câu hỏi: Liệu việc thu phí cầu Hộ Độ kéo dài đến bao giờ? Ai cho thu, ai chịu trách nhiệm?…


Hiệu quả thấp, nhiều bất cập vẫn muốn thu!


Trạm thu phí cầu Hộ Độ, trước thuộc Đoạn Quản lý giao thông thủy bộ Hà Tĩnh (nay là Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh). Từ khi thành lập (6-1996) đến năm 2006, Trạm có 13 người, thực hiện theo cơ chế ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí dự toán thực hiện nhiệm vụ tổ chức hoạt động thu phí (1996-2002). Từ năm 2006 đến nay, Trạm có 9 người, thực hiện cơ chế khoán thu và tỷ lệ điều tiết để lại chi thường xuyên cho hoạt động thu phí theo quyết định của UBND tỉnh (2003-2011).

Thu phí cầu Hộ Độ: Hiệu quả thấp, nhiều bất cập!

Thu không đủ chi nên chốt gác của nhân viên thu phí khá tạm bợ

Với chức năng nhiệm vụ của mình, Trạm đã đạt được những kết quả nhất định trong việc tổ chức thu, đóng nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước; tổ chức trực gác cầu, ngăn xe quá tải hoạt động, bảo vệ tải trọng của cầu đồng thời giải quyết việc làm cho một số lao động.


Theo số liệu có được, tổng thu phí cầu Hộ Độ từ năm 1996 đến 6-2011, đạt 7.650.347.000 đồng, trong đó: số thực nộp vào ngân sách nhà nước là 5.641.643.520 đồng; số ngân sách thực hưởng là 4.841.643.520 đồng… Bình quân mỗi năm chi cho hoạt động thường xuyên là 108.580.232 đồng; (2.707.703.480 đồng/15 năm). Về nguồn thu để lại chi cho hoạt động theo cơ chế khoán chi (năm 2003 – 6-2011) là 2.007.703.480 đồng, chiếm tỷ lệ 31,58% trên tổng số thu (theo quy định số thu để lại này không được phép vượt quá 30% tổng số thu); bình quân mỗi năm: 236.318.000 đồng (2.007.703.480/8,5 năm).


Với nguồn thu được để lại này không đủ để chi tiền lương, phụ cấp lương cho cán bộ và nhân viên thu phí, chưa nói đến hàng chục khoản chi khác. Không chỉ vậy, nhiều năm qua, người dân đóng phí không khỏi bức xúc mỗi lần lưu thông qua cầu. Bởi đã 15 năm trôi qua, phí vẫn thu mà Trạm vẫn chỉ mấy ki-ốt bán vé thấp lè tè, qua thời gian đã trở nên “thảm hại” và hai cây sào chắn ngang lem nhem sơn đỏ trắng. Không những không đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ nhằm tăng cường công tác quản lý và phục vụ tốt hơn cho người dân đóng phí, việc sử dụng nguồn thu để duy tu bảo dưỡng cầu Hộ Độ còn là vấn đề đáng bàn. Bởi trước đến nay, hàng năm, kinh phí duy tu sửa chữa cầu này vẫn được bố trí chung nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng đường bộ thuộc ngân sách địa phương.


15 năm với số thu cho Ngân sách ít ỏi, nguồn thu để lại không đủ để trả lương cho người lao động và nhiều bất cập như đã nêu, nhưng lạ thay vẫn có một vài ý kiến muốn tiếp tục duy trì việc thu phí cầu Hộ Độ với những đề xuất mà nội dung không thuộc phạm vi nhiệm vụ về tổ chức thu phí cầu Hộ Độ. Nhiều người đang băn khoăn: Phải chăng, hàng năm vẫn có một lượng nguồn thu nằm ngoài ngân sách?


Lời kết


Từ những bất cập kể trên, theo chúng tôi, việc bỏ thu phí cầu Hộ Độ vào thời điểm này là hết sức cần thiết. Việc làm này không chỉ tạo thuận tiện trong giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân mà trên thực tế cũng không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Đây cũng là tinh thần Thông báo số 29/TB-KTNS về kết quả làm việc của Ban Kinh tế & Ngân sách HĐND tỉnh với Sở GTVT và Sở Tài chính về việc thu phí cầu Hộ Độ, ngày 15-8-2011.


Trọng Tuệ

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP