– Hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3, Trung Quốc điều các tàu hải giám tới bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo ông, âm mưu thực chất của hành động này là gì?
– Trong những tháng gần đây, tàu thuyền đánh cá Trung Quốc với sự hỗ trợ của các tàu hải giám đã thâm nhập sâu vào các vùng đánh cá truyền thống của các nước ven Biển Đông. Ngày 2/3, ít nhất 4-5 tàu tuần dương và cảnh sát biển Trung Quốc tới bãi san hô Hải Sâm do Philippines kiểm soát.
Hành động này nằm trong chủ trương của Trung Quốc, tạo ra các khu vực đánh cá mới thông qua hành động lấn biển và mở rộng quyền kiểm soát trên thực tế tại Biển Đông. Chính phủ Trung Quốc chủ trương mở rộng việc đánh cá, xử lý cá tại các ngư trường ở Trường Sa.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, cựu đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan. Hiện ông là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế. Ảnh: Duy Hiếu |
Bên cạnh đó, tàu Trung Quốc cũng được phát hiện đang di chuyển xung quanh bãi Cỏ Mây do Philippines kiểm soát. Đầu tháng 2 vừa qua, tàu hải quân Trung Quốc quấy rối tàu BRP Laguna của Philippines gần bãi Trăng Khuyết thuộc quần đảo Trường Sa.
– Ông có thể nói rõ hơn mức độ nguy hiểm từ chủ trương này của Trung Quốc?
– Theo một số ngư dân Philippines, kể từ khi Trung Quốc hoàn thành việc san lấp tôn tạo 7 điểm đảo nhân tạo ở Trường Sa, họ chỉ có thể đánh cá gần bờ và thu hoạch các loại cá nhỏ. Các tàu cá Trung Quốc cũng nhiều lần xâm phạm sâu vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam thuộc Đà Nẵng, Quảng Ngãi…
Các hành động của Trung Quốc tại Trường Sa và Hoàng Sa phụ thuộc rất ít vào động thái của các nước khác, kể cả Mỹ, ở Biển Đông. Chúng xuất phát từ những phác thảo chiến lược dài hạn, mỗi bước tiến được triển khai khi thời cơ chín muồi.
Bên cạnh chủ trương mở rộng vùng đánh cá và khai thác hải sản sâu trong các vùng đặc quyền kinh tế của các nước tại Biển Đông, Trung Quốc đang thiết lập hệ thống căn cứ trực thăng và điểm tiếp nhiên liệu rải khắp khu vực này, khiến cho các loại trực thăng như loại Z-18F có thể tiếp cận được bất cứ vị trí nào trên biển trong vòng hai giờ.
Nhiều ngư dân Philippines cho biết, từ khi Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo ở Trường Sa, họ chỉ có thể đánh cá trong vòng 20 km gần bờ, nơi chỉ có cá nhỏ. Tàu cá Trung Quốc đã áp sát đảo Lý Sơn của Việt Nam.
Trong tương lai, khi các bãi đỗ trực thăng được Trung Quốc xây dựng rải rác trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đi vào hoạt động, máy bay trực thăng của Trung Quốc chỉ trong 2 tiếng đồng hồ có thể tiếp cận bất cứ địa điểm nào ở các vùng biển này để hỗ trợ cho các tàu thuyền của Trung Quốc đánh bắt cá và khai thác hải sản phi pháp, phục vụ cho cơn khát hải sản của người Trung Quốc.
Việt Nam hay Philippines cần đặc biệt cảnh giác trước thủ đoạn mới này của Trung Quốc.
– Lý do nào khiến Trung Quốc rút tàu khỏi bãi Hải Sâm sau một thời gian hiện diện ở khu vực này. Nó có liên quan tới việc Mỹ đưa đội tàu sân bay tới Biển Đông hay không?
– Ngày 1/3, Mỹ đưa tàu sân bay USS John C. Stennis, các tàu khu trục, tuần dương hạm và soái hạm của Hạm đội 7 tới làm nhiệm vụ ở Biển Đông. Ngày 3/3, Trung Quốc rút các tàu ở bãi Hải Sâm. Theo tôi, không hẳn là Mỹ điều hàng không mẫu hạm vào Biển Đông để cứu Philippines trong vụ bãi Hải Sâm.
Sự việc diễn ra vào lúc Trung Quốc đã chiếm giữ bãi Hải Sâm hơn một tháng. Khi đó, Philippines cũng đang băn khoăn không biết liệu Trung Quốc đang thực hiện ý đồ chiếm giữ lâu dài hay tạm thời.
Việc Washington đưa đội tàu sân bay tới vùng biển này cho thấy Mỹ muốn biểu dương thực lực, thể hiện quyết tâm vì an toàn hàng hải, bảo vệ đồng minh là Philippines bằng hành động. Rõ ràng, Mỹ đang dứt khoát ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát Biển Đông trên thực tế.
Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy |
– Từ những diễn biến tại Biển Đông thời gian qua, có thể thấy Mỹ và Trung Quốc đang “ăn miếng, trả miếng” nhau. Ông bình luận như thế nào về nhận xét này?
– Có những hành động chiến thuật trả đũa trong thời gian qua ở Biển Đông. Trung Quốc kéo tên lửa, đáp máy bay tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Mỹ đưa hàng không mẫu hạm rất mạnh tới khu vực.
Mỹ đang đưa ra những phản ứng mang tầm chiến lược, thể hiện rằng họ đang khởi động giai đoạn hai của chiến lược xoay trục sang châu Á. Giai đoạn một bắt đầu từ năm 2010 – khi Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố đưa Biển Đông vào “lợi ích cốt lõi” và hoàn chỉnh triển khai chính sách xoay trục từ cuối năm 2011-2012.
Năm 2016 sẽ chứng kiến những nỗ lực của Mỹ chống lại việc Trung Quốc kiểm soát Biển Đông trên thực tế. Phản ứng của Mỹ trước các hành động của Trung Quốc vừa trên phương diện chiến thuật (tuần tra Biển Đông, hỗ trợ vụ kiện của Philippines, tập hợp lực lượng như Mỹ-ASEAN tại Sunnylands…) vừa trên phương diện chiến lược – triển khai, mở rộng “xoay trục”.
– Tuần trước, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry B. Harris, nói họ có kế hoạch tập trận 3 bên cùng Nhật Bản và Ấn Độ, đồng thời đề xuất liên minh hàng hải 4 nước (Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ). Liệu có phải Mỹ đang hình thành liên minh đáp trả Trung Quốc ở Biển Đông hay không?
– Mỹ luôn muốn làm điều đó. Họ không muốn một mình đứng ra cản Trung Quốc. Do vậy, Mỹ kéo Nhật Bản, Australia tham gia tuần tra Biển Đông.
Về chiến thuật, Hải quân Mỹ, có sự tham gia ở thời điểm nào đó của Nhật Bản và Australia, sẽ thực hiện các hoạt động tuần tra tại các khu vực Biển Đông, cả trên không và trên biển. Các hoạt động này nhằm bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải, quyền qua lại tự do trên biển và trên không, kể cả tàu chiến và máy bay quân sự, mà không bị ngăn chặn hoặc quấy nhiễu, đồng thời, cũng thách thức những tuyên bố chủ quyền của các thực thể nhân tạo.
Đề xuất lập liên minh hàng hải là một ý tưởng độc đáo. Có thể nó không diễn ra ngay, nhưng nếu một khi Trung Quốc leo thang ở Biển Đông, ép buộc các nước khác tuân theo luật lệ đơn phương của mình, ví dụ như các tàu, máy bay di chuyển qua Biển Đông phải xin phép Trung Quốc, liên minh hàng hải sẽ hoạt động. Điều này có lợi cho các nước nhỏ ở Biển Đông.
Nếu có liên minh như vậy hoặc cuộc tập trận đa bên, nó hoàn toàn phù hợp với quốc tế hóa Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tiếp tục gia cố các quan hệ đồng minh và đối tác ở châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.