Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), hết tháng 6, cả nước nhập khẩu khoảng 19.581 tấn thịt lợn, tổng trị giá kim ngạch gần 22,23 triệu USD. Tính bình quân trị giá mỗi kg thịt lợn nhập khẩu là hơn 1,13 USD (chưa thuế), tương đương khoảng 26 nghìn đồng/kg.
Đơn vị này cũng cho biết, hai thị trường chính cung cấp thịt lợn cho Việt Nam là Ba Lan với khối lượng lên tới hơn 7.000 tấn và Tây Ban Nha là gần 4.500 tấn.
Đáng chú ý, mặt hàng thịt lợn Việt Nam nhập khẩu từ các nước đang tăng mạnh khi kim ngạch nhập khẩu trong tháng 6 tăng trên 50%.
Thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam có giá trung bình chỉ khoảng 26.000 đồng/kg |
Cụ thể, trong tháng 6, Việt Nam đã nhập khẩu thịt lợn đã qua giết mổ đạt 678 tấn, trị giá 1,03 triệu USD, tăng 50,4% về lượng và tăng 50,7% về trị giá so với tháng 5.
Năm 2017, nước ta nhập khẩu khoảng 33.115 tấn thịt lớn các loại với tổng trị giá kim ngạch gần 40,2 triệu USD. Có thời điểm giá nhập khẩu thịt lợn trung bình cũng chỉ ở mức 27.000 đồng/kg.
Với mức giá như trên, thịt lợn nhập khẩu rẻ bằng một nửa giá thịt lợn hơi xuất chuồng Việt Nam, bằng 1/4 giá thịt lợn bán tại chợ, thậm chí còn rẻ như giá rau ngoài chợ. Theo ghi nhận của PV, giá thịt lợn hơi xuất chuồng hiện dao động từ 52.000-57.000 đồng/kg tùy địa phương, còn thịt lợn bán ngoài chợ có giá lên tới 90.000-110.000 đồng/kg tùy loại.
Còn thịt lợn nhập khẩu từ Tây Ban Nha hay Ba Lan được chào bán trên thị trường với giá khá rẻ. Cụ thể, thịt ba chỉ lợn đông lạnh giá 46.000 đồng/kg, tim lợn đông lạnh 36.000 đồng/kg, sườn 66.000 đồng/kg, thịt giò nạc 45.000 đồng/kg, chân giò 55.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) từng thừa nhận, giá thịt lợn ở Việt Nam đang ở mức cao, một vài nơi còn tăng lên 55.000 đồng/kg. Ông nhận xét giá thịt lợn ở Việt Nam vào loại cao nhất thế giới, khiến thịt lợn giá rẻ từ các nước có nguy cơ tràn vào Việt Nam, chẳng hạn như thịt lợn Trung Quốc hay các nước Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Ba Lan.
Tác giả: Bảo Phương
Nguồn tin: Báo VietNamNet