Lao Động - Việc Làm

Thêm “cửa” cho người xa quê về Tết

Khi các bến xe, doanh nghiệp vận tải vào cuộc chuẩn bị phục vụ Tết thì cũng là lúc các hãng xe du lịch, xe tư nhân kết hợp với hội đồng hương các tỉnh, thành phố quảng bá rầm rộ. Đây cũng là giải pháp để người dân có thêm cơ hội sum họp gia đình những ngày đầu năm.

Thêm “cửa” cho người xa quê về Tết 1

Xe đồng hương giúp hành khách tránh tình trạng bon chen cả ngày nhưng vẫn không mua được vé xe về Tết. Ảnh: TL

Khách có chỗ, giá ưu đãi

Từ đầu tháng 12/2013, Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Học viện Tài chính Hà Nội (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) đã có những thông tin chính thức về xe Tết cho học sinh, sinh viên, công chức, lao động… là những người Hà Tĩnh đang làm việc tại Hà Nội hoặc các tỉnh, thành phía Bắc. Quản trị diễn đàn Hội đồng hương Hà Tĩnh cho biết: “Đến dịp Tết, sinh viên rất vất vả trong việc bắt xe về quê. Khi có được chỗ rồi thì bị nhồi nhét, bắt khách dọc đường. Tuy giá vé cao nhưng khách hàng vẫn không được đảm bảo quyền lợi, một giường bị nhồi nhét từ 2-3 khách. Để tránh bị “ép”, “nhét”, chúng tôi đã phối hợp với các nhà xe triển khai chương trình “Xe về Tết 2014″ với mức giá tối thiểu, đồng thời giảm giá chiết khấu cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Dự kiến, giá vé tuyến Hà Nội – Thanh Hóa là 140.000 đồng/vé; Nghệ An: 150.000 đồng/vé; Hà Tĩnh: 170.000 đồng/vé”.

Ở phía Nam, chương trình xe đồng hương Tết 2014 cũng đã được sinh viên trường ĐH Kinh tế TP HCM tổ chức. Các đối tượng được phục vụ không chỉ là sinh viên mà lao động từ các khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Giá vé cũng chia “hạng” cho người đi làm và sinh viên. Cụ thể, với sinh viên (không tính sinh viên liên thông và văn bằng 2) sẽ được bán giá ưu đãi là 890.000 đồng/vé, người đi làm sẽ có mức giá cao hơn là 1.050.000 đồng/vé. Hành khách có thể thanh toán 100% giá vé khi đặt vé chiều đi ra và 30%, tương đương 270.000 đồng khi đặt vé chiều đi vào.

Ngoài hội đồng hương Nghệ An và Hà Tĩnh, các hội đồng hương tỉnh, thành khác hay các tổ chức, đơn vị có đông lao động quê Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế… đều kết hợp với nhà xe để sớm có thông tin quảng bá nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Họ khai thác triệt để trên các ứng dụng điện thoại di động thông minh hay phát tờ rơi để “hút” khách.

Chủ động để có hành trình thuận lợi

Để “né” các sự cố nêu trên, chị Nguyễn Thị Minh, một hành khách thường xuyên về xe Tết (đồng hương) tuyến Hà Nội – Hà Tĩnh “bật mí”: “Trước khi đặt vé thì phải hỏi rõ các điều kiện như điểm đến, có cho gửi hành lý hay không. Nên chọn những nhà xe có uy tín để tránh tình trạng nhỡ xe, nhỡ đường ngày cuối năm”.

Với sự tham gia của hãng xe tư nhân, xe hợp đồng kết hợp với hội đồng hương các tỉnh, thành phố, ít năm trở lại đây, rất nhiều hành khách tại các thành phố lớn đã có thêm cơ hội để về quê ăn Tết. Tuy nhiên, với hình thức vận tải mang tính giao kết thông qua người đại diện là các hội đồng hương thì quyền lợi của khách hàng là những người trực tiếp cầm vé đi xe sẽ bị hạn chế phần nào.

Trên diễn đàn và các kênh thông tin của nhiều hội đồng hương niêm yết rõ nội dung “cảnh báo” nhằm hướng dẫn cho hành khách. Theo đó, vì đối tượng phục vụ thuộc diện rộng, xe hợp đồng không thể trả khách tận nhà nên phần lớn nhà xe đều áp dụng phương thức “đổ” khách trên quốc lộ 1A. Như vậy, để thuận lợi cho hành trình của mình thì hành khách tại các huyện xa quốc lộ nên chủ động các phương án cho chặng xe thứ hai này bởi thực tế, việc bắt xe ngày lễ về các tuyến huyện cũng không mấy dễ dàng vì xe khách xuất bến mùa Tết đã đầy ự khách. “Xe chạy từ Hà Nội, đổ khách tại quốc lộ 1A nên tôi đã chủ động báo cho người nhà để đón luôn ở đó, tránh tình trạng không bắt được xe, về quê trễ trong dịp Tết” – anh Liên (quê Vũ Quang, Hà Tĩnh) nói.

Ngoài ra, anh Nguyễn Như Lành (quê Anh Sơn, Nghệ An) cho biết, phần lớn xe chạy hợp đồng từ các hội đồng hương đều không nhận chuyển xe máy và đồ đạc cồng kềnh. Theo anh Lành, để vẫn có vé về quê và vẫn gửi được xe thì hành khách nên chủ động liên hệ với nhà ga hay các nhà xe khác chuyên nhận chở hàng để gửi xe. “Ngày Tết dịch vụ chở xe máy của hai đầu ga Hà Nội, TP HCM đều được triển khai. Gửi xe qua tàu hỏa vừa an toàn cho xe vừa rẻ hơn nhiều so với gửi bằng ô tô” – anh Lành nói. Anh Tuấn (quê Như Thanh, Thanh Hóa) nói: “Về quê cũng cần xe máy để đi thăm họ hàng. Cả năm mới về một lần nên đồ đạc là quà tặng, thực phẩm, quà biếu đi kèm hành khách rất nhiều. Vì vậy, nếu đi xe hợp đồng thì các bạn nên xử lý trước vấn đề xe cộ và hàng hóa cồng kềnh. Việc tìm những đồng hương về quê trước Tết dài ngày rồi gửi đồ đạc cũng là “kênh” giúp các bạn giải quyết vấn đề này một cách ổn thỏa”.

Chất lượng xe cộ của các hãng xe cung ứng cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Để khai thác triệt để xe nhằm tăng doanh thu nên nhiều nhà xe không thể có xe dự phòng để thay thế khi gặp sự cố. Vì lý do này nên nhiều chuyến xe Tết của các hội đồng hương đã gặp sự cố, hành khách chỉ còn nước xuống xe ngồi chờ tới lúc xe sửa xong mới tiếp tục lên đường. “Đã về ngày 29, 30 âm lịch mà xe hỏng thì đúng là thảm kịch. Vì vậy, nếu chọn xe hợp đồng thì chọn các hãng lớn, có nhiều xe, làm ăn uy tín”, chị Hương (quê Quảng Trị đang làm việc tại TP HCM) nói.
Minh Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP