Dự án “treo” gần 3 năm, gây lãng phí rất lớn |
Dự án đã có nhưng chỉ nằm trên “giấy” khiến việc dạy và học của giáo viên cũng như học sinh gặp nhiều khó khăn, gây lãng phí hàng ngàn mét vuông đất hai lúa.
Háo hức chờ ngày hội trường
Nhằm đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy học cho giáo viên và học sinh hai xã Cẩm Hà và Cẩm Sơn sau khi sáp nhập, dự án xây dựng trường THCS Sơn Hà được phê duyệt đầu năm 2015. Tổng mức đầu tư hơn 8,6 tỷ đồng với diện tích xây dựng trên 5.000m2 đất, quy mô nhà 2 tầng, 10 phòng học. Dự án do UBND xã Cẩm Hà làm chủ đầu tư, nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần, ngân sách huyện và chủ đầu tư huy động các nguồn khác.
Khi dự án được triển khai, giáo viên và học sinh trường THCS Sơn Hà vui mừng vì sắp được quy về một mối sau 4 năm chạy qua chạy lại giữa hai điểm trường. Một học sinh cho biết: “Em học chính tại trường THCS Cẩm Sơn cũ nhưng mỗi lần đi học bồi dưỡng học sinh giỏi phải qua điểm trường THCS Cẩm Hà cũ nên rất vất vả. Nghe tin trường sắp được nhập về một chỗ em rất vui nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy gì. Học ở trường Cẩm Sơn nhưng khai giảng hay tổng kết phải qua trường Cẩm Hà, bất tiện lắm ạ”.
Bên cạnh đó, để dự án đảm bảo tiến độ, nhiều hộ dân xã Cẩm Hà sẵn sàng nhường đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng trường. Tuy nhiên, 2 năm trôi qua dự án xây dựng trường vẫn nằm trên giấy, đất đai nằm trong khu quy hoạch bỏ hoang hóa, cỏ mọc um tùm. Nhiều người tận dụng đưa trâu bò ra đây chăn thả tự do, ảnh hưởng đến các diện tích đất nông nghiệp liền kề.
Để bảo vệ các diện tích đất hai lúa liền kề cho người dân, UBND xã Cẩm Hà huy động vốn từ nguồn xã hội hóa trong 3 năm của phụ huynh trường THCS Sơn Hà gần 400 triệu đồng xây dựng hàng trăm mét tường rào bao quanh.
Mệt mỏi vì dự án “treo”
Dù hai trường đã sáp nhập gần 7 năm nay, nhưng không đủ điều kiện cơ sở vật chất nên học sinh vẫn phải đi học ở hai điểm trường khác nhau. Việc này gây không ít khó khăn cho cán bộ, giáo viên trong việc dạy học cũng như công tác quản lý.
Thầy Nguyễn Công Hợp, Hiệu trưởng trường THCS Sơn Hà chia sẻ: “Hiện tại, học sinh vẫn phải học tại hai điểm trường cách nhau gần 4km. Vào dịp khai giảng hay tổng kết năm học, mới tập trung về một điểm. Tuy nhiên, do hai trường nằm hai bên quốc lộ 1A nên việc đi lại của học sinh rất nguy hiểm. Chúng tôi phải thông báo phụ huynh đưa học sinh đi, thậm chí phải cử giáo viên ra hướng dẫn để các em đến trường an toàn".
Tuy nhiên, muốn đưa học sinh hai trường về tại trường trung tâm phải có kinh phí đầu tư xây dựng thêm 10 phòng học và một số công trình chức năng như phòng hiệu bộ, phòng hành chính, sân chơi bãi tập…
Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết: “Dự án được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 1/2015. Hiện tại trường học đã xuống cấp rất nhiều nhưng đang chờ dự án nên địa phương không chủ động trong việc đầu tư cơ sở vật chất. Trường hợp, dự án không khả thi thì cần có phương án xử lý để không lãng phí đất nông nghiệp và làm ảnh hưởng đến tiêu chí trường học trong xây dựng NTM của xã".
Chưa nói vùng này là một trong những vùng đất hai lúa năng suất bật nhất của xã. Việc thu hồi đất nhưng không thực hiện được dự án gây lãng phí nguồn tài nguyên rất lớn. Chính ông Phạm Đăng Nhật, UBND huyện Cẩm Xuyên cũng thừa nhận, dự án do tỉnh phê duyệt chủ trương, đến nay đã hết thời hạn triển khai thi công, giờ muốn thực hiện phải làm lại thủ tục.
Khi chúng tôi hỏi, dự án này có ngân sách của tỉnh và huyện thì ông Phạm Đăng Nhật, UBND huyện Cẩm Xuyên cho rằng huyện chỉ một phần thôi còn chủ yếu của tỉnh bố trí, chứ huyện làm gì có tiền. “Thời điểm đó, chưa hạn chế đầu tư công, nhiều địa phương trực tiếp xin chủ trương của tỉnh nhưng giờ phải xác định rõ nguồn vốn mới thực hiện được. Dự án “treo” là do việc thực thi không đồng bộ, không đúng trình tự. Về nguyên tắc, sau khi phê duyệt phải kèm theo quyết định phân bổ vốn mà cái này đã có đâu”, ông Nhật nói.
Tác giả: Tâm Đan
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam