Các tuyến phố Nguyễn Lương Bằng, Chùa Bộc, Cầu Giấy, Nguyễn Trãi… nổi tiếng là “thiên đường mua sắm” quần áo bình dân, đặc biệt là đồ bò. Bên cạnh đó, các chợ lớn tại Hà Nội như: Ngã Tư Sở, Nghĩa Tân, Phùng Khoang cũng có nhiều gian hàng san sát chuyên doanh đồ bò. Với mức giá bình dân 280.000-350.000 đồng/sản phẩm, quần áo bò là trang phục yêu thích của rất nhiều người. Chị Nguyễn Thu Hiền (quê Hưng Yên, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo bò trên phố Nguyễn Lương Bằng) cho biết: “Trung bình tôi bán được 15 chiếc quần bò/ngày. Có đầu mối lớn giao hàng tận nơi nên hầu hết các cửa hàng trên phố này đều có cùng mẫu”. Theo tìm hiểu của PV ANTĐ, các mẫu quần bò bình dân bán tại cửa hàng đều được gắn mác của các hãng nổi tiếng như Amani, Bebe hay Mango với nhiều màu sắc và kiểu dáng. Trong đó, có rất nhiều kiểu quần mài thời trang, cá tính.Mới đây, báo chí đã đăng tải thông tin một số loại quần bò mài của Trung Quốc dễ mang bệnh cho người mặc. Theo nguồn tin này, tại Trung Quốc, nhiều nhà máy vẫn sử dụng công nghệ phun cát để mài mòn quần áo bò. Đây là công nghệ đã bị cấm sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới do người sử dụng quá nhiều đồ bò loại này dễ mắc căn bệnh phổi nan y mang tên silicosis. Do độ độc hại với người sử dụng cũng như người sản xuất nên nhiều nhà máy đã cam kết không sử dụng công nghệ này. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia công nghệ phun cát vẫn được ngấm ngầm sử dụng do chi phí thấp. Anh Nguyễn Trường Sơn – kỹ sư công nghệ thông tin, một tín đồ của quần bò bụi cho biết: “Tôi cũng vừa đọc trên mạng thấy thông tin về quần bò Trung Quốc có thể lây nhiễm bệnh. Nguồn tin cho biết các cơ sở còn sử dụng công nghệ phun cát hiện vẫn cung ứng sản phẩm cho các thương hiệu thời trang phương Tây nổi tiếng. Trong khi đó, nhiều hàng hóa tại Việt Nam bị than phiền là chưa được kiểm định nguồn gốc, chất lượng thường xuyên”.Cùng chung nỗi nghi ngại này, chị Phạm Hồng Anh (sinh viên Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp (Hà Nội) bày tỏ: “Quần bò là trang phục được nhiều sinh viên sử dụng vì sự tiện dụng, trẻ trung và năng động. Chúng tôi toàn mua hàng chợ, hàng bình dân về dùng. Giờ nghe thông tin trên, tôi thực sự lo lắng. Quần bò bụi, bò mài thường có màu sáng ít phai màu, giờ lại được cảnh báo dễ lây bệnh phổi. Trong khi nhiều mẫu quần jean bình dân tối màu lại bị phai màu rất nhiều và từng được cảnh báo về hóa chất nhuộm vải có thể ảnh hưởng tới sức khỏe”!Khẳng định phần lớn quần bò bán trên thị trường đều là hàng Trung Quốc, chị Hiền cho rằng, người bán kiêm cắt gấu, thay khóa, sửa chữa quần áo bò ngay như chị mới đáng ngại vì bụi trong quá trình làm việc rất nhiều và người làm dễ hít phải. Trước thực trạng này, những “tín đồ” của hàng Made in Việt Nam cũng tỏ ra không an tâm khi hàng Trung Quốc cũng trà trộn vào các cửa hàng hàng Việt. Các chuyên gia thương mại cho biết, hàng hóa Trung Quốc không đảm bảo chất lượng tràn lan không chỉ ở thị trường Việt Nam mà ở rất nhiều nước khác trên thế giới đã dẫn đến làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc kém chất lượng diễn ra tại nhiều nước. Với các doanh nghiệp Việt Nam, nếu biết tận dụng cơ hội này để sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng về cả tính thẩm mỹ, sự tiện dụng và tính an toàn thì sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
ANTĐ