Bộ trưởng chỉ ra những con số đáng báo động: Năm 1820, Việt Nam đã có vị thế đáng nể trong khu vực về dân số và cả quy mô kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần Thái Lan, thu nhập bình quân đầu người khi đó xấp xỉ bình quân đầu người thế giới. Còn hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của ta chỉ bằng chưa đến 1/5 mức trung bình của thế giới, bằng 1/3 Thái Lan.
Một trong những nguyên nhân khiến nước ta bị tụt hậu là do phải trải qua chiến tranh, giành độc lập, thống nhất. Nhưng nước ta cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình, độc lập, 30 năm đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương để các quốc gia lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đưa nước mình từ nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc gia phát triển.
Một mối lo ngại nữa mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lưu ý là: “Việt Nam đang ở trong giai đoạn ngắn ngủi còn lại của cơ hội dân số vàng. Bắt đầu từ 1970, thường kéo dài 50 năm mà khoảng 2020-2025 là hết cơ hội. Như vậy chỉ còn tối đa 10 năm thời kỳ mà dân số ở độ tuổi lao động cao nhất, sau đó giảm dần.
Những thuận lợi từ công cuộc đổi mới trước đây đem lại đang dần hết tác dụng. Bên cạnh đó, tăng trưởng dựa trên tăng đầu tư, sử dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên khoáng sản không còn nhiều lợi thế.
Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới. Ta chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Nâng cao năng lực cạnh tranh là đòi hỏi sống còn.
Vì những lý do trên, Việt Nam cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, nếu không muốn tụt lại phía sau, hay kinh tế trì trệ kéo dài, để rồi đất nước rơi vào nhóm thu nhập trung bình thấp”.
Nhìn lại thực tế 30 năm qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh chỉ rõ, thành tựu lớn nhất, bao trùm nhất của công cuộc đổi mới là đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Chính nó làm căn bản cuộc sống, đưa đất nước phát triển.
Tuy vậy, 70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp gần như không thay đổi. Nền chính trị phù hợp với nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho phát triển. Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách.
Đảng là người lãnh đạo cao nhất của đất nước cần chủ động, nghiêm khắc đánh giá lại chính mình, và thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Đại hội toàn quốc. Kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị để hoạt động hiệu quả hơn, thực chất hơn.
Đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho đổi mới tiếp theo. Làm được điều này, Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân, bằng tấm gương tự đổi mới, bằng sự lãnh đạo hiệu quả của mình với đất nước, dân tộc”.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh |
Những trọng tâm về đổi mới thể chế kinh tế
Theo tham luận do Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trình bày, có 3 trụ cột trong việc đổi mới thể chế kinh tế:
Trụ cột 1: Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường.
Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao, ổn định và liên tục trong 20 năm tới, với mức tăng thu nhập bình quân đầu người 7%/năm – tương đương tăng trưởng GDP 8%/năm, để đến 2035 đạt thu nhập bình quân đầu người 15-18.000 USD. Để đạt mục tiêu này, con đường duy nhất là phải tăng năng suất.
Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục tụt giảm từ cuối những năm 90 đến nay khiến giờ ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, năng suất lao động ngay trong khu vực tư nhân cũng liên tục tụt giảm, ở mức rất thấp.
Có ba nguyên nhân chính: Thứ nhất, cơ cấu lao động rất lạc hậu. Lao động trong khu vực phi chính thức cao hơn rất nhiều khu vực chính thức. Hơn 44% lao động làm việc trong nông nghiệp – khu vực tạo giá trị gia tăng rất thấp.
Thứ hai, nền tảng kinh tế thị trường chậm hoàn thiện gây phương hại quyền sở hữu tài sản, giảm tính cạnh tranh trên thị trường hàng hóa.
Thứ ba, thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản được phân bổ chưa theo cơ chế thị trường, chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính.
Giải pháp: Cần tập trung cao độ thúc đẩy phát triển DN trong nước, mà chủ yếu là DN tư nhân Việt Nam, về cả số lượng và chất lượng, coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp. Sức khỏe của DN trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế.
Trước mắt phải nâng cao cho được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các DN trong nước thông qua hoàn thiện, củng cố nền tảng của KTTT, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin.
Phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước phải tạo môi trường thuận lợi. Xây dựng các trung tâm hướng dẫn, đào tạo cho các DN mới khởi nghiệp. Cung cấp kiến thức, nguồn vốn thông qua hình thức quỹ – ngân hàng đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho các DN này, nhằm tạo ra làn sóng khởi nghiệp cùng tinh thần DN mạnh mẽ trong XH. Phải coi vị thế của DN là vị thế của quốc gia.
Trụ cột 2: Công bằng trong hội nhập xã hội, hay bình đẳng cho mọi người.
Bên cạnh sự phát triển nhanh, vận động theo cơ chế thị trường, sự cạnh tranh gay gắt làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và cơ hội tiếp cận các phúc lợi xã hội cơ bản. Do đó phải xây dựng được những chính sách đảm bảo công bằng trong phát triển cũng như cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, nhất là đối tượng yếu thế, thiệt thòi – như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người nghèo.
Đây cũng chính là tính ưu việt của CNXH, là trách nhiệm của Nhà nước trong thực thi nền KTTT định hướng XHCN và cũng là hành động thiết thực để thực hiện tốt các kế hoạch hành động của Liên Hợp quốc về mục tiêu thiên niên kỷ sau 2015.
Trụ cột 3: Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước
Năng suất trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém cho phát triển khu vực tư nhân là do Nhà nước còn thiếu hiệu quả. Do điều kiện lịch sử Việt Nam mà những thiết chế công đã bị thương mại hóa, manh mún, thiếu sự giám sát của người dân.
Kết thúc báo cáo, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hy vọng báo cáo này sẽ giúp ích cho các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhất là các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 được trúng cử lần này nghiên cứu trong quá trình xây dựng, hoạch định chính sách của Việt Nam.
“Nước ta đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển, thời cơ thuận lợi lớn, những thách thức, khó khăn cũng không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là cải cách ở các vấn đề nêu trên.
Không thực hiện những cải cách đó, chúng ta không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức, và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình là khó tránh khỏi.
Tôi tin tưởng rằng những thế hệ người Việt Nam hiện nay và tương lai có đủ bản lĩnh, ý chí và năng lực để thực hiện thành công công cuộc đổi mới”- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kết luận bản báo cáo của mình.
Trong tham luận của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh có nhắc tới Báo cáo Việt Nam 2035 hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, do Bộ KH&ĐT đã chủ trì với Ngân hàng Thế giới xây dựng, tập hợp các chuyên gia kinh tế hàng đầu của thế giới và trong nước cùng tham gia.
Báo cáo này xác định nền kinh tế Việt Nam đang ở đâu trong khu vực và trên thế giới? Mục tiêu, khát vọng của Việt Nam đến 2035 là gì? Những cản trở nào cho sự phát triển của Việt Nam hiện nay? Bằng cách nào Việt Nam đạt mục tiêu của mình?
Báo cáo nghiên cứu sâu về ba trụ cột phát triển và sáu chuyển đổi lớn, phác thảo chiến lược phát triển thích hợp với xuất phát điểm của một nước có thu nhập trung bình thấp trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, nhằm đưa Việt Nam thành nước có thu nhập cao hoặc cận trên của nước công nghiệp trung bình cao đến năm 2035.
Sáu mũi chuyển đổi lớn bao gồm:
(1) Xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại với nền KTTT đầy đủ và XH dân chủ phát triển ở trình độ cao.
(2) Thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế song hành với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân.
(3) Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm.
(4) Bảo đảm công bằng XH cho các nhóm yếu thế và thúc đẩy xã hội trung lưu phát triển.
(5) Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu.
(6) Gia tăng mật độ kinh tế trong quá trình đô thị hóa và tăng cường tính kết nối giữa các thành phố và vùng lân cận.