Bên hành lang Quốc hội ngày 11/4, ĐBQH Bùi Đức Thụ – Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội nhấn mạnh sự sống còn của hệ thống tín dụng chính là chất lượng tín dụng. Trong đó, lãi suất sẽ là thách thức đầu tiên đối với tân Thống đốc.
ĐBQH Bùi Đức Thụ – Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội. |
– Thưa ông, lãi suất huy động tiền đồng và cho vay đang có dấu hiệu tăng, khi lãi suất huy động bình quân đã tăng lên 6,02% và cho vay tăng lên 9,42%. Ông bình luận như thế nào về xu hướng tăng của lãi suất?
– Thời gian qua trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, lãi suất đã từng bước được tự do hoá. Việc lãi suất tăng hay giảm phụ thuộc vào cung – cầu của thị trường.
Quý I vừa qua, đúng là lãi suất đang theo chiều hướng tăng bởi kinh tế phục hồi, nhu cầu vốn của nền kinh tế (vốn đầu tư, vốn dành cho mua sắm tài sản cố định…) đều tăng. Nhu cầu vốn cho nhà nước cũng rất lớn.
Năm 2016, ngoài bội chi ngân sách, thì phải tính tới pát hành trái phiếu Chính phủ, cộng với số vay đảo nợ…. đẩy quy mô tín dụng Nhà nước lên tới khoảng 450.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, kinh tế thế giới cũng đang gặp khó khăn nên việc tài trợ vốn vay ưu đãi đối với Việt Nam cũng bắt đầu khắt khe. Vay ODA bắt đầu khó hơn… Vì vậy, nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay trong nước.
Khi cầu tín dụng nền kinh tế trong nước tăng lên, cầu tín dụng Nhà nước tăng… tất yếu đẩy lãi suất tăng lên.
Lý do thứ 2, sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế, học phí… đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên. Về nguyên tắc, khi CPI tăng thì lãi suất huy động sẽ tăng theo để đảm bảo mặt bằng lãi suất thực dương cho người gửi tiền.
Lãi suất huy động tăng thì tất yếu lãi suất đầu ra sẽ tăng theo và điều này gây bất lợi cho sản xuất kinh doanh, nhất là với sức khoẻ nền kinh tế.
Bức tranh kinh tế Việt Nam 10 năm qua. |
– Như ông nói, lãi suất đầu vào – đầu ra tăng sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế. Liệu đây có là thách thức đầu tiên với tân Thống đốc trong thời gian tới?
– Rõ ràng nhiệm vụ phải ổn định tiền tệ, ổn định tín dụng, lành mạnh hoá quan hệ tiền tệ tín dụng…. sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của tân Thống đốc khi ngồi vào “ghế nóng”.
Với riêng vấn đề lãi suất, tôi cho rằng phải làm sao duy trì sự ổn định mặt bằng lãi suất sẽ là thách thức đầu tiên cho tân Thống đốc.
Nguy cơ nợ xấu nhãn tiền
– Trong khi nhu cầu vốn của thị trường đang tăng và các yếu tố làm tăng lãi suất đang hiện hữu. Để “kìm” mặt bằng lãi suất, liệu có dễ dàng, thưa ông?
– Giải pháp để ổn định lãi suất, theo tôi, trước tiên phải đảm bảo chất lượng tín dụng, không nặng về gia tăng dư nợ cho vay.
Năm 2015 và những tháng đầu 2016 dư nợ cho vay tăng. Đáng lưu ý, năm 2015 dư nợ cho vay tăng trên 17%, nhưng trong đó tín dụng “hút” vào bất động sản tăng cao gấp đôi so với vốn vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Sang năm 2016, nếu vốn vẫn cứ chảy đều đều vào lĩnh vực này, mà không “rót” vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, tôi e là sẽ không hợp lý, dẫn tới hiệu ứng “bong bóng” trên thị trường bất động sản, tạo bất ổn trong hoạt động kinh tế. Đây là điều mà bất cứ nhà điều hành nào không hề mong muốn
5 năm qua, điều hành chính sách tiền tệ đã có nhiều đột phá, đặc biệt nợ xấu cuối năm 2015 giảm về còn 2,55% thay vì hai con số của năm 2011. Nhưng thời gian tới, trước sức cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, trong điều kiện năng suất lao động, sức cạnh tranh trong nước kém…
Nguy cơ nợ xấu quay trở lại nhãn tiền nếu không có giải pháp tái cơ cấu tín dụng, tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Vì thế, phải cơ cấu lại tín dụng cho vay nền kinh tế, vốn phải đổ vào các lĩnh vực cần thiết, đảm bảo hiệu quả, nếu không rủi ro là rất lớn. Tôi nhắc lại, đảm bảo chất lượng tín dụng phải là nội dung cốt lõi trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới.
Tín dụng chảy đúng địa chỉ
– Nghĩa là không nên “đuổi” theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% hay 20% như kế hoạch đặt ra từ đầu năm, mà cần sự điều chỉnh linh hoạt, hợp lý hơn, thưa ông?
– Tăng trưởng vốn bao nhiêu phụ thuộc vào sự hấp thụ nền kinh tế. Chuyện tín dụng tăng trưởng 17 – 18%, thậm chí 25 – 27% không quan trọng bằng chất lượng của những đồng vốn đó được sử dụng vào lĩnh vực nào, hiệu quả ra sao.
Muốn vậy, phải cơ cấu tín dụng “chảy” đúng địa chỉ, vào lĩnh vực, ngành nghề mà DN đang cần, chứ không phải đổ vốn vào những nơi đang dư thừa, dẫn tới nơi cần vốn thì không có và phải đi vay với mức lãi cao.
Đơn cử, nếu vốn cứ chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản như cuối năm 2015, tôi e không ổn. Ngay chuyện vốn đổ vào thị trường bất động sản, cũng phải phân loại từng dự án, công trình.
Dự án nào hiệu quả thì đầu tư, còn dự án chây ỳ, kéo dài thì kiên quyết không cho vay… tránh tạo sự mất cân đối cung – cầu vốn.
– Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, bối cảnh thị trường và nền kinh tế hiện giờ khác với thời điểm trước đây. Vốn đổ vào bất động sản cũng “gác cao gối ngủ yên” vì sẽ khó tái diễn cảnh bong bóng bất động sản. Ông có đồng tình với quan điểm này?
– Thực tế theo dõi thị trường bất động sản vừa qua cho thấy, đang có hiện tượng cung bất động sản “vượt” cầu, dẫn tới thị trường sốt lạnh và giá rớt thảm trong thời gian dài.
Cơ cấu thị trường này bất hợp lý, trong khi phân khúc nhà ở cao cấp ế ẩm, tung khuyến mãi tặng kèm nhưng vẫn tồn đọng lớn, thì phân khúc nhà ở giá rẻ lại đắt như tôm tươi….
Do đó, về thị trường bất động sản, tín dụng vào bất động sản cũng cần sự “ngồi lại” của các cơ quan quản lý để có cái nhìn khách quan và đánh giá đúng mức.
Với điều hành tiền tệ, tôi nhắc lại, sự sống còn của hệ thống tín dụng chính là chất lượng tín dụng. Chất lượng tín dụng kém, nợ xấu tăng, đe doạ sự tồn tại từng tổ chức tín dụng và người gửi tiền. Bài học đổ vỡ quỹ tín dụng những năm 90 là bài học lớn.
Vì thế, nhiệm vụ của tân Thống đốc thời gian tới, tôi cho là khá nặng nề. Không ổn định được tiền tệ, lạm phát, nâng cao chất lượng tín dụng thì quản lý điều hành chính sách tiền tệ coi như không thành công.
Ngoài vấn đề lãi suất có thể là thách thức đầu tiên mà tân Thống đốc sẽ phải “gỡ” thì ổn định thị trường ngoại hối, chống đô la hoá, vàng hoá, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt…. cũng là những nhiệm vụ và là thách thức với nhà điều hành tiền tệ.
Sinh năm 1970, ông Lê Minh Hưng là vị thống đốc trẻ nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Trước đó, ông là Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng.
Thống đốc Lê Minh Hưng quê quán tại Sơn Tân, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Năm 1993, ông bắt đầu công tác trong ngành tài chính, ngân hàng. Trong những năm đầu tiên, ông làm việc tại vị trí chuyên viên vụ Quan hệ quốc tế của Ngân hàng Nhà nước.