Khoảng 3h ngày 15/7/2014, anh Nguyễn Bá Quảng và Nguyễn Phượng (đều trú thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc, Thạch Hà) đi thả lưới đánh cá bằng thuyền nan, cách bờ biển Thạch Trị (Thạch Hà) khoảng 1,5-2 hải lý. Khi 2 ngư dân chuẩn bị thu lưới, tàu cá do Phạm Văn Nghĩa (SN 1993) điều khiển đánh bắt bằng ván dã cào vướng vào lưới anh Phượng và anh Quảng.
Đồn Biên phòng Cửa Sót xử lý tàu giã cào Quảng Ngãi khai thác hải sản trái phép |
Phát hiện lưới bị hư hỏng nặng, anh Quảng cho thuyền áp sát mạn tàu của Nghĩa. Sau khi lên tàu và đánh vào đầu Nghĩa, anh Quảng tiếp tục lấy hộp đựng máy định vị, máy bộ đàm cùng ví da vứt xuống thuyền mình. Bức xúc, Nghĩa điều khiển tàu đuổi theo.
Sau khi yêu cầu Phượng, Quảng trả lại tài sản, nhưng không được chấp thuận, Nghĩa cùng 3 thuyền viên khác là Đinh Văn Hoạt (SN 1995), Lê Văn Anh (SN 1995) và Lê Công Sức (SN 1993) cùng trú xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) dùng chỉ, gạch, gỗ, bát… ném về phía tàu bạn rồi lấy gậy tre đánh Quảng và Phượng.
Cuộc chiến càng lúc càng “hăng máu” dường như đã khiến Phạm Văn Nghĩa cùng các bạn tàu mất hết lý trí. Được sự trợ giúp của Hoạt bằng cách tăng ga sau cabin, Nghĩa lái tàu cá đâm, va vào đuôi thuyền nan. Cú va chạm mạnh đã làm thuyền nghiêng và bẻ lái gấp khiến anh Quảng rơi xuống biển mất tích.
Chiều 16/7/2014, chính quyền phối hợp với người dân địa phương và gia đình đã tìm được thi thể Nguyễn Bá Quảng. Kết quả giám định pháp y cho thấy, anh Quảng tử nạn do chấn thương ở đầu, ngạt nước dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn. Các đối tượng sau đó đã bị cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Lộc Hà ra quyết định khởi tố và bắt giữ.
Phía sau những giọt nước mắt
Sự thật thà, ngô nghê của 4 đối tượng khiến nhiều người không khỏi xót xa bởi suy cho cùng, Nghĩa, Sức, Anh và Hoạt chỉ là “những đứa trẻ mới lớn”. Trong nhóm, Hoạt có trình độ học vấn cao nhất là lớp 6, riêng Anh hoàn toàn không biết chữ. Hoàn cảnh khó khăn nên 4 thanh niên “ăn chưa no, lo chưa tới” trở thành lao động chính của gia đình. Chăm chỉ, chịu khó mưu sinh để giảm bớt gánh nặng cho người thân phần nào chứng tỏ Nghĩa, Sức, Anh và Hoạt vốn dĩ là những người con có trách nhiệm. Cuộc hỗn chiến xảy ra quá bất ngờ đã đẩy 4 con người kém hiểu biết rơi vào vòng lao lý. Chuyến ra khơi mang theo bao niềm hy vọng, hứng khởi, phút chốc đã nặng trĩu những mất mát, đau thương.
Vụ việc xảy ra, những người thân trong gia đình Nghĩa, Sức, Anh, Hoạt và anh Nguyễn Bá Quảng vẫn chưa thể tin. Để phần nào giảm nhẹ trách nhiệm cho những người con tội lỗi, bố mẹ 4 đối tượng phải chạy vạy khắp nơi bồi thường cho gia đình bị hại. Nghĩa, Anh và Hoạt sau khi vay mượn đủ 200 triệu đồng đã nhận thêm trách nhiệm đền bù thay cho Lê Công Sức do hoàn cảnh bạn tàu quá khó khăn và không yêu cầu hoàn lại. Sau sự việc đau lòng, hai phía bị cáo, bị hại đã cùng ngồi lại. Giữa họ có chung mối đồng cảm khi phải hứng chịu những vết thương tinh thần quá lớn. Khoảng cách phần nào đã thu hẹp khi gia đình anh Nguyễn Bá Quảng có đơn đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho Phạm Văn Nghĩa, Đinh Văn Hoạt, Lê Công Sức và Lê Văn Anh.
Cùng trải qua quãng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời, khi bàn tay làm ăn chân chính bỗng chốc “vấy máu” đồng nghiệp khiến cả 4 đối tượng xuống tinh thần suốt một thời gian dài. Dáng vẻ nhỏ thó, đen đúa in đậm dấu ấn bươn chải vì cuộc sống mưu sinh của Nghĩa, Hoạt, Sức, Anh ám ảnh từ tận sâu tâm khảm. Trả giá cho hành vi nông nổi bằng tính mạng của một ngư dân, 4 thanh niên phải sống trong nỗi ân hận dày vò. Nhưng, trong tận cùng nỗi đau, những người con vẫn không quên nhắn gửi, trấn an đấng sinh thành phải giữ gìn, chăm lo sức khỏe.
Sự ra đi của nạn nhân đã để lại nỗi khổ đau và ám ảnh, đeo bám người ở lại đến cuối đời. Cuộc mưu sinh trên biển trở thành giây phút định mệnh khi máu và nước mắt của những ngư dân trộn lẫn với vị mặn chát từ biển khơi, gieo nỗi xót xa trong lòng những người gây tội.
Thùy Dương/ Baohatinh.vn