Thạch Hà

Thạch Hà phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Là một vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển hơn 1.000 năm, trên khắp các làng mạc, xóm thôn của huyện Thạch Hà, đâu đâu cũng ẩn chứa những giá trị văn hóa, lịch sử.

Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các cán bộ văn hóa, nhiều di sản văn hóa đã được đầu tư khôi phục, tôn tạo, tu bổ… phát huy được giá trị văn hóa trong đời sống hiện đại…


Theo thống kê, hiện nay, toàn huyện Thạch Hà có 144 di tích và nhiều di sản văn hóa phi vật thể như ca trù, dân ca ví giặm, hò Thạch Khê… Giữa cái nôi văn hóa chung Hà Tĩnh, những di sản văn hóa tinh thần và công trình văn hóa cổ trên quê hương Thạch Hà đã khẳng định được nét riêng của vùng đất này.


Ông Trần Hậu Sơn – Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện cho biết: “Trước đây, toàn huyện có 13 di tích được tôn tạo, trong 5 năm qua, Thạch Hà đã đầu tư trùng tu, tôn tạo thêm được 46 di tích đền, chùa, miếu. Hiện nay, toàn huyện có 53 di tích đã được xếp hạng di tích văn hóa lịch sử các cấp, năm 2013 này, chúng tôi đang trình hồ sơ lên hội đồng khoa học tỉnh tiếp tục xếp hạng cho 11 di tích”.


Là vùng đất có truyền thống lâu đời nên ở Thạch Hà có rất nhiều di tích gắn với danh nhân và dòng họ. Chính vì thế, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, công tác trùng tu, tôn tạo của Thạch Hà trong những năm qua đã nhận được sự quan tâm lớn của các tập thể, các nhà hảo tâm, nhất là con cháu các dòng họ danh giá.


Năm 2012, huyện đã được đầu tư 31,7 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo khu lăng mộ và đền thờ tướng công Lê Khôi. Đồng thời tiếp nhận 17 tỷ đồng từ nguồn đóng góp xã hội hóa. Trong đó, con cháu nhiều dòng họ đã đóng góp xây dựng các di tích gắn với danh nhân, dòng họ của mình như các nhà thờ: Nguyễn Hữu – Thạch Lạc (con cháu đóng góp được 2,7 tỷ đồng), Đại học sỹ Trương Quốc Dụng (Thạch Khê), Nguyễn Hiền (Thạch Kênh), Phạm Chất (Thạch Đỉnh), đền thờ Hồ Phi Chấn (Thạch Văn), nhà thờ họ Trần Danh (thị trấn), Nguyễn Sỹ (Thạch Liên) v.v…


Thời gian qua, Thạch Hà cũng đặc biệt quan tâm việc phục hồi, bảo tồn các di sản văn hóa, duy trì các giá trị truyền thống lịch sử cha ông để lại. Cùng vời việc huy động nhân dân đóng góp tôn tạo một số di tích như đền Miệu Trửa (Thạch Đỉnh), chùa Giai (Thạch Tân), đền Nen (Thạch Tiến)… Phòng Văn hóa huyện còn nỗ lực phối hợp với Sở VH–TT&DL sưu tầm, khôi phục các lễ hội gắn với di tích như: lễ hội đền Nen, lễ tế bà chúa Thượng Ngàn (Truông Bát), lễ hội Lê Khôi (Thạch Hải),… được tổ chức với đầy đủ nghi thức đã thu hút hàng nghìn lượt người trong và ngoài tỉnh về dự. Thông qua đó, những giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ và phát huy giá trị trong đời sống hiện đại.


Thạch Hà còn là quê hương của những câu hò, điệu ví đằm thắm mà sâu nặng nghĩa tình quê hương. Nổi bật nhất là điệu hò Thạch Khê. Trong những năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, điệu hò đặc trưng này đã được nhân dân Thạch Khê phát huy giá trị. Nhiều bài vè, trong đó nổi tiếng nhất là bài “Thần sấm ngã” đã động viên tinh thần lạc quan vừa sản xuất, vừa chiến đấu của nhân dân ta.


Ngoài ra, ở Thạch Hà, làn điệu dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh cũng được nhân dân lưu giữ. Hiện 100% xã, thị trấn có CLB dân ca ví giặm, trong đó nhiều CLB hoạt động thường xuyên, say mê như Thạch Thanh, Ngọc Sơn, Tượng Sơn, Việt Xuyên… CLB dân ca ví giặm Thạch Thanh đã đạt giải nhất tại Liên hoan dân ca ví giặm toàn tỉnh và giải nhì tại Liên hoan dân ca ví giặm khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh… Các CLB này đã sưu tầm được nhiều làn điệu dân ca cổ và đầu tư viết lời mới phục vụ các sinh hoạt chính trị ở địa phương.


Anh Hoài – Thúy Ngọc

Báo Hà Tĩnh

  Từ khóa: phát huy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP