Tin Hà Tĩnh

Thạch Hà, Hà Tĩnh: Vì sao nguyện vọng chính đáng của một Cựu chiến binh chưa được đáp ứng?

Năm 1951, ông Trần Minh Tân (tên khai sinh Trần Y Độ, SN 1930, nguyên quán: thôn Gia Ngại 1, xã Long Đan (nay là Thạch Long), Thạch Hà, Hà Tĩnh) nhập ngũ và trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Cựu chiến binh Trần Minh Tân


Trên chiến trường, ông Tân lập công xuất sắc và được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ năm 1953. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông cùng đồng đội tiếp tục hành quân, tấn công tiêu diệt các đơn vị Pháp tại Bắc Giang, Phả Lại và tham gia giải phóng, tiếp quản Thủ đô.

Sau đó, cuộc đời binh nghiệp của ông kéo dài cho đến ngày đất nước thống nhất. Đến cuối năm 1975, ông Tân được nghỉ hưu. Tuy nhiên, khi về quê thì ông lại trở thành người “vô gia cư”.

Trao đổi với phóng viên, ông Tân cho hay, “Cha mẹ tôi sinh được 2 chị em. Khi mất, ông bà có để lại cho 2 chị em nhà cửa, đất đai tại xóm Hàng, thôn Gia Ngại 1, xã Long Đan (nay là Thạch Long). Sau khi chị tôi đi lấy chồng (nay đã mất), còn tôi nhập ngũ thì ngôi nhà 3 gian ở quê không ai trông coi nên đổ nát. Sau đó, chính quyền đã san lấp thửa đất và coi đây là đất công”.

Xin lại đất nhưng không được xã giải quyết, ông Tân phải về sinh sống nhờ tại nhà vợ tại thôn Trung Tiến, xã Thạch Việt, huyện Thạch Hà. Thời gian này (khoảng năm 1979-1980), chính quyền lại giao đất cũ của gia đình ông cho một số người khác làm nhà ở. Chính vì vậy, đến năm 1999, vợ chồng ông lại phải chuyển vào thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk ở với vợ chồng con trai.

Suốt cả chục năm nay, ông Tân đã nhiều lần gửi đơn, gặp chính quyền xã Thạch Long xin cấp lại đất hương hỏa của tổ tiên để lại làm nơi thờ tự và làm chốn đi về khi tuổi cao, sức yếu nhưng chưa có kết quả.

Được biết, năm 2012, UBND xã Thạch Long cũng đã xem xét nguyện vọng xin cấp lại đất ở vùng Cồn Trang, xóm Gia Ngãi I của vợ chồng ông Tân. Tuy nhiên, trong văn bản gửi UBND huyện Thạch Hà, UBND xã Thạch Long cho rằng “Vùng này nằm trong quy hoạch cụm thương mại dịch vụ của tỉnh. Xã không đủ thẩm quyền giải quyết”.

Theo báo cáo số 12/UBND ngày 15/10/2012 của UBND xã Thạch Long thì “Sau khi làm việc, ông Trần Minh Tân đã thống nhất đi kiểm tra thực địa vùng đất và đồng ý được cấp đất vùng Hạ Lầm. Xã đã hướng dẫn ông làm thủ tục, nhưng sau đó ông không có ý kiến gì và cũng không nộp đơn mà lại có đơn gửi trực tiếp UBND tỉnh”.

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Nam (con trai ông Trần Minh Tân) cho biết, UBND xã Thạch Long đồng ý cấp đất cho bố tôi ở Hạ Lầm nhưng yêu cầu phải nộp phí. Các loại phí mà đại điện chính quyền cộng dồn lên đến 200 triệu đồng. Như vậy thì không khác gì buộc bố tôi phải mua đất theo giá thị trường”.

UBND xã Thạch Long và cả UBND huyện Thạch Hà luôn dẫn quy định tại khoản 2, Điều 10 Luật Đất đai 2003, Điều 4 Nghị định 181/2004 (“Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất và không xem xét giải quyết khiếu nại về việc đòi lại đất mà nhà nước đã giao cho người sử dụng theo các chính sách ruộng đất trước ngày 15/10/1993” để trả lời ông Tân.

Tuy nhiên, theo một số luật sư thì giả sử ông Tân thuộc trường hợp bị “thực hiện chính sách ruộng đất” như trả lời nêu trên thì tại Khoản 3, Điều 4 Nghị định 181/2004 cũng quy định rõ, “việc giải quyết đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp có công trình xây dựng trên đất do Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991 được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội và văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Nghị quyết này”

Trong khi đó, Điều 3 Nghị quyết số 23/2003/QH11 quy định, “những trường hợp chủ sở hữu có nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất, nay thực sự có khó khăn về nhà ở thì Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để họ cải thiện chỗ ở”.

Đối chiếu với quy định trên thì nguyện vọng của ông Trần Minh Tân về việc có mảnh đất để thờ tự tổ tiên, có chỗ ở và sau này được “nằm xuống” trên quê hương là hoàn toàn chính đáng. Việc địa phương sớm đáp ứng nguyện vọng của người Cựu chiến binh 90 tuổi này không chỉ phù hợp với quy định của pháp luật mà còn góp phần thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với đất nước.

Tác giả: Ngô Đức Hành

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP