Trong nước

Tập đoàn Dầu khí bị phê trì trệ, Bộ Công thương họp khẩn

Phương án xử lý 5 dự án thua lỗ, đắp chiếu với tổng vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn còn chưa rõ ràng. Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam than rằng thiếu tiền thì không thể giải quyết được vấn đề tại những dự án này.

12 dự án đắp chiếu: PVN “vô địch”

Chiều 7/7, Bộ Công Thương đã làm việc với PVN liên quan đến 5 dự án 'đắp chiếu', kém hiệu quả của PVN. Cuộc làm việc được ngay sau Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phê bình PVN trong việc xử lý dự án kém hiệu quả, đắp chiếu trong 1 cuộc họp về xử lý 12 dự án ngàn tỷ thua lỗ trên cả nước vào 6/7.

“Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trì trệ nhất trong việc xử lý 12 dự án, hầu như không làm gì, kể cả đóng tàu Dung Quất, tôi trực tiếp vào nói mãi mà không làm”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Nhắc lại lời phê bình của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói: Phó Thủ tướng phê bình PVN trong thời gian qua chưa nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn tồn tại. 3 dự án ethanol, dự án đóng tàu dung Quất, dự án PVTex. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương phải quyết liệt xử lý vấn đề này.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, cả 5 dự án thua lỗ, đắp chiếu của PVN đều có số vốn rất lớn. "Nhà máy ít cũng từ 70-80 triệu USD, còn nhiều thì lên tới 300-400 triệu USD."

Trong số 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, đầu tư dở dang, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “đóng góp” tới 5 dự án. Đó là dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng, dự án nhiên liệu sinh học - ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), dự án Ethanol Phú Thọ, Ethanol Bình Phước, đóng tàu Dung Quất.

Dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng (PVTex) có vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, nhưng lỗ 1.700 tỷ đồng, lâm cảnh “đắp chiếu”. Còn 3 dự án ethanol ở Dung Quất, Phú Thọ, Bình Phước - mỗi dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, cái thì dở dang, cái thì đang “chết lâm sàng”.

Trong số 5 dự án, thì dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất có “lịch sử” đặc biệt hơn. Đây là nhà máy từ Vinashin chuyển về cho Tập đoàn Dầu khí quản lý từ năm 2010 khi Vinashin bên bờ vực phá sản. Cho nên có thể nói, PVN bất đắc dĩ phải “gánh” nhà máy này khi dự án được Vinashin thành lập từ 2006.

Theo báo cáo tài chính tại thời điểm 30/6/2016, vốn điều lệ của nhà máy này là 1.990 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.108 tỷ đồng. Công ty còn khoản lỗ luỹ kế hơn 3.674 tỷ đồng, trong đó lỗ phát sinh giai đoạn từ tháng 1/7/2010 đến ngày 30/6/2016 là 2.439 tỷ đồng.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã đề cập rõ hơn số phận của 5 nhà máy này. Cụ thể với 2 dự án Ethanol Dung Quất, Bình Phước, quan điểm của Bộ Công Thương là khởi động lại dự án sau đó mới thoái vốn, chuyển nhượng vốn.

"Việc khởi động dự án không chỉ liên quan đến nguồn vốn mà còn liên quan đến lộ trình thay thế và sử dụng xăng sinh học E5 từ đầu năm 2018," Ông Vượng cho hay.

Với dự án PVTex, phương án đưa ra là khởi động lại dự án, cũng như hợp tác với đối tác nước ngoài sau đó thực hiện việc chuyển nhượng vốn. 2 dự án “chốt” phương án phá sản là Nhà máy đóng tàu Dung Quất và dự án Ethanol Phú Thọ.

“Phó Thủ tướng chỉ đạo triển khai quyết liệt, năm 2017 hoàn thành phương án xử lý để 2018 cơ bản khó khăn giải quyết và 2020 hoàn thành xong”, ông Vượng nói.

Nhắc đến chạy lại dự án PVTex, phía đối tác muốn Tập đoàn Dệt may có phương án mua, bao tiêu sản phẩm. Bởi giờ cơ hội thị trường qua đi hết rồi, chạy lại thì vẫn lỗ, lỗ lần này còn cao hơn lần trước vì chi phí cao.

Còn ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOil nói rằng việc khởi động lại dự án ethanol Bình Phước cần được sự đồng ý của cổ đông Thái Lan do họ nắm quyền quyết định.

Ông Dương cho hay đã liên hệ với cổ đông Thái Lan và cuối tuần sau họp. Nếu lên phương án chạy lại cần trên dưới 20 tỷ đồng.

Sếp PVN than khó vì thiếu tiền

Tại buổi làm việc, các lãnh đạo PVN đều lo ngại việc không bỏ thêm tiền vào các dự án này thì không thể giải quyết được vấn đề.

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT PVN cho biết: Hiện các dự án trong tình trạng khó khăn, dòng tiền và chi phí đều không còn nên để triển khai đều cần tiền. Vướng mắc lớn nhất là không được rót thêm vốn Nhà nước để phục vụ cho các dự án nên giờ chưa được triển khai. Hiện mọi dự án đều có phương án triển khai nhưng đều cần sự phê duyệt tài chính Chính phủ và Bộ Công Thương về phương án tài chính, , xin cổ đông, Bộ Công Thương và Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn.

Ông Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc PVN cũng than rằng: Chính phủ yêu cầu không cấp thêm vốn vào những dự án thua lỗ, PVN cũng đã đưa ra thảo luận nhiều. Những người trực tiếp xử lý thì muốn có tiền nhưng ngay trong nội bộ cũng lo ngại rằng sẽ vi phạm pháp luật khi sử dụng nguồn vốn của PVN, bởi đây là DNNN.

“Không phải chúng tôi không làm mà đã chuẩn bị tất cả phương án như vậy, đều có khó khăn là không được bỏ tiền vốn nhà nước vào dự án này, nên nếu thực hiện nghiêm khắc thì không thể làm gì được”, đại diện PVN lo ngại.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhắc nguyên tắc Nhà nước không cấp thêm vốn cho những dự án này nhưng “cần phải làm rõ thế nào là Nhà nước không cấp thêm vốn?”.

“Cách hiểu của ta cứng nên các dự án không triển khai được. Nếu các dự án không chi thêm đồng nào thì đương nhiên các phương án không triển khai được, duy trì cũng đã mất tiền rồi, nên cần phải có phương án”, ông Vượng nói.

Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sáng 8/7 cho biết, Tập đoàn đã bàn thảo giải pháp, hướng tháo gỡ, xử lý các dự án chưa hiệu quả. Theo lãnh đạo PVN, thời gian qua, tập đoàn đã đề ra nhiều phương án, giải pháp nhằm tìm hướng xử lý các dự án yếu kém. Tuy nhiên, sự thiếu hiệu quả trong việc xử lý các dự án yếu kém còn có nguyên nhân khách quan là những vướng mắc về cơ chế, đặc biệt là những vướng mắc về cơ chế tài chính.

Đến nay, PVN đã quyết định thành lập các Tổ công tác trực tiếp xử lý các dự án yếu kém, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị tham gia Tổ công tác. Các Tổ công tác sẽ có nhiệm vụ rà soát, đánh giá lại toàn bộ các phương án, giải pháp cũng như các đề xuất đã và đang được triển khai trong quá trình xử lý các dự án yếu kém. Sau khi có đánh giá, các Tổ công tác sẽ xây dựng, đề xuất phương án, giải pháp cụ thể đối với từng dự án. Những phương án, giải pháp này phải đề rõ thời gian, lộ trình thực hiện và để thực hiện thì cần phải có những cơ chế, chính sách như thế nào…

Trên cơ sở đó, Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ quyết định các vấn đề nào thuộc phạm vi xử lý của Tập đoàn, còn nội dung nào vượt quá thẩm quyền, Tập đoàn sẽ làm báo cáo cấp có thẩm quyền xin ý kiến.

Lãnh đạo PVN xác định, dự án nào có thể tiếp tục triển khai, đi vào sản xuất thì theo nguyên tắc thị trường, các đơn vị, các cổ đông phải vào cuộc tháo gỡ, hỗ trợ để đi vào sản xuất. Dự án nào không khả thi thì nghiên cứu bán cổ phần, thậm chí là cho phá sản.

Tác giả: Lương Bằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP