Kinh tế

Tập đoàn Cao su "xin" không xử lý hình sự dự án trồng cao su tại Campuchia

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã đề nghị xem xét không chuyển hồ sơ xử lý trách nhiệm hình sự đối với vụ việc Công ty cổ phần Phú Riềng - Kratie. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng xem xét kiến nghị của VRG.

Theo Thanh tra Chính phủ, thực tế Công ty cổ phần Cao su Phú Riềng - Kratie trồng cây cao su tại Campuchia bị chết phần lớn là do yếu tố khách quan.

Như tin đã đưa về những sai phạm của Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), việc thực hiện dự án trồng cao su tại Campuchia của Công ty cổ phần Cao su Phú Riềng - Kratie đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước thu thập tài liệu liên quan trước khi Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an.

Hồi tháng 10/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có văn bản yêu cầu Giám đốc Công an và Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước chỉ đạo khẩn trương tiến hành thu thập tài liệu làm rõ và báo cáo lãnh đạo Bộ Công an.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của Dân trí, một báo cáo của Thanh tra Chính phủ gửi lên Chính phủ mới đây cho biết, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã đề nghị xem xét không chuyển hồ sơ xử lý trách nhiệm hình sự đối với vụ việc Công ty cổ phần Phú Riềng - Kratie. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng xem xét kiến nghị của VRG.

Trong báo cáo lần này, Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, VRG đề nghị xem xét, hướng dẫn VRG giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư tại Campuchia. Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năm xem xét, giải quyết.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Hội đồng thành viên VRG tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, xử lý theo quy định đối với khoản tiền hơn 57 tỷ đồng do VRG trả nợ thanh gốc và lãi vay cho Cao su Phú Riềng - Kratie.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, dự án đầu tư trồng cao su của Công ty cổ phần Cao su Phú Riềng - Kratie tại Campuchia có gặp vướng mắc về thổ nhưỡng và đất đai. Do đó, Công ty đã chuyển nhượng dự án cho Grand Lion Group Ltd với diện tích 6.800 ha, giá trị chuyển nhượng là 7 triệu USD, số tiền thu về 6,3 triệu USD do Grand Lion giữ lại 700 nghìn USD để làm nghĩa vụ thuế và phí chuyển nhượng.

Với số tiền thu về 6,3 triệu USD đã được sử dụng hơn 4,65 triệu USD trả nợ cho Công ty Tài chính cao su và hơn 829 nghìn USD trả nợ cho các nhà thầu tại Campuchia.

Hiện VRG đã yêu cầu Phú Riềng - Kratie tiến hành lập thủ tục phá sản theo quy định. VRG dự kiến xây dựng phương án xử lý tài chính và trách nhiệm về số nợ và lãi vay mà VRG đã trả thay cho Công ty cổ phần Cao su Phú Riềng - Kratie theo cam kết mà Tập đoàn đã bảo lãnh theo yêu cầu của người đại diện vốn của VRG tại công ty này.

Hồi năm 2006, Tổng công ty Cao su Việt Nam (nay là VRG) đã phối hợp với lãnh đạo tỉnh Bình Phước tìm hiểu về việc đầu tư tại Campuchia, kết quả là hình thành biên bản làm việc giữa chính quyền tỉnh Bình Phước, VRG và chính 3 tỉnh Kratie, KompongThom, Mondolkiri về xúc tiến đầu tư tại các tỉnh Đông Bắc Campuchia.

Dự án Phú Riềng - Kratie là dự án đầu tiên của VRG triển khai chương trình vị trí đất được giao nằm giáp biên giới tỉnh Bình Phước. Theo báo cáo của VRG, chương trình phát triển cao su tại Campuchia đặt mục tiêu 100.000 ha trồng mới, mức độ thiệt hại chiếm khoảng 5%.

Dự kiến, đến năm 2020, toàn bộ diện tích vườn cây trồng ở Campuchia của VRG đến kỳ khai thác, sản lượng sẽ đạt 100.000 tấn, chiếm khoảng 25% sản lượng Tập đoàn.

Dự án Phú Riềng - Kratie chưa hiệu quả được đánh giá là “rủi ro trong việc phát triển cao su tại Campuchia”. Tuy nhiên, báo cáo của Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, xét về quy mô tổng thể chương trình dự án VRG chỉ đạo triển khai thì có hiệu quả khá rõ về kinh tế và chính trị.

“Do vậy, VRG đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, chủ động rà soát, đánh giá kết quả Chương trình Dự án trồng cao su tại Campuchia”, Thanh tra Chính phủ cho biết.

Theo Thanh tra Chính phủ, thực tế Công ty cổ phần Cao su Phú Riềng - Kratie trồng cây cao su tại Campuchia bị chết phần lớn là do yếu tố khách quan, triển khai dự án đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm đầu tư nước ngoài, yêu cầu nhiệm vụ phải thực hiện khẩn trương nên gặp rất nhiều khó khăn, liên quan đến tình hình chính trị - xã hội tại Campuchia. Mặc khác, ông Phan Hữu Nam khi đó là giám đốc liên quan trách nhiệm chủ yếu đã bị ốm chết năm 2015.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP