Về Sơn Trung hôm nay, hẳn nhiều người sẽ phải ngạc nhiên trước những nỗ lực vượt khó của Đảng bộ và nhân dân nơi đây. Nhiều công trình dân sinh được xây dựng khang trang, vùng quê nghèo đang khoác lên mình bộ áo mới.
Bước tranh nông thôn mới đang dần hiện rõ ở xã Sơn Trung
Với tổng diện tích tự nhiên trên 936 ha, 1.634 hộ với 6.080 nhân khẩu sinh sống ở 11 thôn, Sơn Trung bắt tay vào xây dựng nông thôn mới trong điều kiện kết cấu hạ tầng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nắm rõ thực trạng, xác định quyết tâm, đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân toàn xã đã chung tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trước hết, là đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, cách làm phong phú như thông qua loa truyền thanh, hội nghị, giao ban, tập huấn, băng rôn, khẩu hiệu, phát động phong trào thi đua, ký cam kết… về xây dựng nông thôn mới. Để đạt hiệu quả cao trong thực hiện, xã đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý. Các thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý trách nhiệm, năng động, bám sát địa bàn được phân công để chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động nên nhận thức về chủ trương xây dựng nông thôn mới của đại bộ phận người dân được nâng lên. Nhiều cuộc họp với tinh thần: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra được triển khai sâu rộng ở từng thôn, nhờ đó ai ai cũng hiểu xây dựng nông thôn mới là để chính mình được hưởng lợi. Vì thế bà con tích cực hưởng ứng, góp công sức, đất đai, tiền của, từng bước thay đổi tư duy, hành động để góp phần vào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Qua 3 năm triển khai, từ việc huy động sức dân và nguồn hỗ trợ từ ngân sách của cấp trên, địa phương và con em xa quê, xã đã nâng cấp và làm mới 4,8 km bê tông đường trục xã, mở rộng và bê tông hóa 7,6 km đường trục thôn, liên thôn, làm mới 01 cầu bê tông đạt tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, hoàn thành việc cắm mốc quy hoạch các trục đường giao thông liên xã, liên thôn, các nghĩa trang theo quy hoạch sử dụng đất, công bố quy chế quản lý quy hoạch đến người dân, không để hiện tượng lấn chiếm, xây dựng trái quy hoạch. Để chủ động nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, xã tranh thủ các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án để làm mới 01 trạm bơm, cứng hóa mới 3 km kênh mương bê tông. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng như xây dựng 6 nhà hội quán; nhà học 2 tầng trường Tiểu học; cải tạo nâng cấp chợ… Vận động nhân dân chỉnh trang lại khuôn viên, nhà cửa, chuồng trại và công trình vệ sinh. Kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 10 tỷ đồng, ngoài nguồn ngân sách, nhân dân tự nguyện đóng góp 700 triệu đồng; hiến cây, hiến đất trị giá 850 triệu đồng; con em xa quê hỗ trợ 350 triệu đồng; các doanh nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ 350 triệu đồng; Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng.
Hoạt động Văn hóa – Văn nghệ, Thể dục – Thể thao
đang trở thành phong trào rộng khắp ở xã Sơn Trung
Thực hiện đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, Sơn Trung đang triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình gia trại, trang trại. Nhờ vậy mà tổng đàn hươu, trâu bò, đàn lợn, gia cầm năm sau đều tăng so với năm trước. Trong đó, chăn nuôi hươu được xác định là sản phẩm chủ lực, đàn hươu toàn xã có 2.750 con, phát triển 18 mô hình chăn nuôi hươu mới, có 10 mô hình chăn nuôi từ 10 – 15 con. Ngoài ra, còn phát triển các mô hình chăn nuôi lợn liên kết quy mô trên 500 con; tận dụng diện tích ao hồ phát triển 4 mô hình chăn nuôi cá quy mô từ 2 – 5ha; liên kết với doanh nghiệp Á Châu xây dựng mô hình trồng rau sạch 2 ha. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mua 02 máy cày, 01 máy tuốt lúa phục vụ sản xuất nông nghiệp…. Từ mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm đã giúp sản xuất nông nghiệp của địa phương ngày càng khởi sắc, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân. Ngoài việc đầu tư phát triển nông nghiệp, xã cũng tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại – dịch vụ. Năm 2013, thương mại – dịch vụ đạt hơn 61 tỷ đồng, chiếm 59,9% tổng thu nhập của xã, tốc độc tăng trưởng kinh tế trên 14%; thu nhập bình quân đầu người trên 17 triệu đồng; tỷ lệ hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa trên 81%, hộ nghèo 14,3%; các tổ chức đoàn thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, UBND xã được tỉnh tặng cờ thi đua, Đảng bộ xã được công nhận tổ chức cơ sở Đảng TSVM tiêu biểu.
Đến nay, Sơn Trung đã đạt được 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong 12 tiêu chí đó, đáng mừng là có rất nhiều tiêu chí mang ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh ở địa phương. Qua quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Sơn Trung đã đúc kết và rút ra 4 bài học kinh nghiệm sau:
Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ và thấy được tầm quan trọng để xây dựng nông thôn mới, đây là một chương trình lớn mang tính tổng hợp về kinh kế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, do đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Từ đó hiểu rõ nội dung, cách làm, nghĩa vụ và trách nghiệm của từng tổ chức và cá nhân trong xây dựng NTM. Để xóa bỏ tư tưởng trông chờ Nhà nước, cần có sự phân công đăng ký nhiệm vụ đối với từng tổ chức, từng ngành, tăng cường kiểm tra đôn đốc, đánh giá phân loại vào thi đua khen thưởng.
Hai là, thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của trên về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo, Ban quản lý. Xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm cho từng bộ phận, từng thành viên, phân cấp, quản lý, cụ thể, rõ ràng, không để tình trạng né tránh, tập trung lãnh đạo với phương châm “dễ làm trước khó làm sau” không nóng vội, càng không để mất cơ hội.
Ba là, thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, con em thành đạt xa quê và các doanh nghiệm có tiềm lực và tâm huyết với nông thôn, khai thác các nguồn thu tại địa phương “Lấy sức dân để lo cho dân” tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng thuộc nhóm không có hỗ trợ của nhà nước.
Bốn là, phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh, uốn nắn những lệch lạc tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân.
Đi trên những con đường mới được bê tông, đến với những mô hình kinh tế mới, những sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân, chúng tôi thấy bức tranh nông thôn mới với những sắc màu tươi mới đang hiện hữu. Đó là tiền đề tạo thế và lực để Sơn Trung hoàn thành mục tiêu cán đích nông thôn mới vào năm 2015.
Anh Tuấn/Hương Sơn