Những lắc vàng treo trĩu cổ chú rể Quốc Cường và cô dâu Phương Thúy. 

Phố núi nổi tiếng nhờ… đám cưới

Việt Nam đang thực hiện tương đối thành công công tác xoá đói giảm nghèo, hàng năm đều đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một bộ phận người dân Việt Nam vẫn đang sống dưới mức nghèo và Hương Sơn, Hà Tĩnh là một huyện như thế. Thế nhưng, nơi phố núi ấy thời gian qua lại nổi như cồn bởi những “siêu đám cưới” của các “đại gia” và làm tốn không ít giấy mực của báo chí.

Mới đây nhất, ngày 15 – 16.4, tại thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, đám cưới của chú rể Quốc Cường và cô dâu Phương Thuý đã khiến không ít người phải trầm trồ vì độ “chịu chơi” của gia đình hai bên. Hình ảnh đoàn môtô phân khối lớn dàn hàng ngang mở đường cho chiếc xe hoa Porsche Panamera S trị giá lên tới 5 tỉ đồng khiến người dân nơi đây phải lác mắc.

Đoàn xe còn có sự góp mặt của hơn 50 xe ôtô hạng sang như Audi, BMW, Lexus, Camry, Porsche… trị giá hàng tỉ đồng bám theo sau khiến đoàn rước dâu càng thêm hoành tráng. Cùng đó là sự xuất hiện của cô dâu chú rể với hàng kilogram vàng “dát” trên người khiến họ trĩu cả cổ khiến ai nấy đều “mơ ước” được như thế.

Chưa bàn về khía cạnh kinh tế, nói về góc văn hoá thì việc bỏ ra hàng chục tỉ đồng để tổ chức đám cưới thì liệu đây có phải là một sự lãng phí lớn? Nhiều người cho rằng, chỉ cần 1/5 số tiền đó cũng sẽ giúp ích cho rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều số phận không may mắn.

Trong quá khứ, người dân nghèo huyện Hương Sơn cũng từng được chứng kiến một đám cưới “xa xỉ” tương tự. Nữ đại gia Nguyễn Thị Liễu đã trở thành “chủ đề” nóng của dư luận khi tổ chức đám cưới siêu khủng cho cậu con trai Nguyễn Huy Hoàng hồi giữa năm ngoái. Theo thống kê sơ bộ, đám cưới con trai nữ đại gia này đã ngốn hơn 50 tỉ đồng.

Tất nhiên, với những “đại gia” này, số tiền đó cũng là do họ “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” kiếm được nên họ có quyền tiêu xài theo cách của họ. Nhưng nếu tiêu không đúng cách thì không phải ai cũng ủng hộ việc làm đó, giống như kiểu dùng tiền để đánh bạc, chơi lô đề, cá độ… Nhìn sang chuyện tổ chức một đám cưới ngốn hết cả chục tỉ đồng, dù nó không bị cấm như chơi bạc hay cá độ, nhưng nhìn ở góc độ nào thì cũng không phù hợp với đời sống của dân ta. Và tất nhiên, sẽ có người cho rằng làm thế là “ném tiền qua cửa sổ”.

 Trái ngược là hình ảnh lễ thành hôn đơn sơ và ấm áp của chú rể Công và cô dâu Mai.

Đơn sơ nhưng ấm áp

Bên những đám cưới xa xỉ, cao sang đấy, người dân Hà Tĩnh vẫn có thể chứng kiến những lễ thành hôn đơn sơ, mộc mạc nhưng tràn đầy sự ấm áp, yêu thương.

Trong không gian ấm cúng trên khu sân khấu do bộ đội biên phòng Bản Giàng, cắm tại bản Rào Tre, huyện Hương Khê tự “đạo diễn”, chú rể Lê Xuân Công (SN 1992) và cô dâu Hồ Thanh Mai (SN 1996) đã có một lễ thành hôn tràn ngập tiếng cười.

Đám cưới của họ không loa đài ầm ĩ, không siêu xe sang trọng, không vàng treo tay, chỉ có trầu cau, bánh kẹo và lời ca tiếng nhạc của người dân trong bản, nhưng vẫn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Hạnh phúc trăm năm với họ đơn giản chỉ cần như vậy. Nhiều người tham dự đều chung một ý nghĩ rằng, từ nhỏ đến lớn đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến một đám cưới như thế và mong sao sẽ có thêm nhiều gia đình học tập để tổ chức như vậy.

Đơn giản, bởi họ đã phải trải qua nhiều biến cố của cuộc sống. Với chú rể Công, lên 2 tuổi, bố mẹ ly hôn, gia cảnh khó khăn, cậu cùng mẹ bữa rau bữa cháo, vượt mọi khó khăn để khôn lớn, trưởng thành. Học xong cấp ba, Công nhập ngũ, ra quân về quê làm rừng, rồi thành công nhân caosu để nuôi mẹ. Và rồi, họ quen nhau và đến với nhau trong hoàn cảnh khó khăn như thế.