Bao bì sản phẩm tăng cân Tiến Hạnh (ảnh to). Ảnh: NVCC Hình ảnh Giấy chứng nhận "Cơ sở đủ điều kiện ATVSTP" mà "đại lý" cung cấp cho PV. |
Chữ ký, con dấu giả?
Như Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin tại số báo 40 (ra ngày 5/4/2018), sau hơn 1 tuần sử dụng sản phẩm tăng cân Tiến Hạnh (địa chỉ ghi trên nhãn tại Xóm 5, Liên Minh, Đức Thọ, Hà Tĩnh), chị Nguyễn Thị T (25 tuổi, ở Vân Đồn, Quảng Ninh) luôn thấy thèm ngủ, mắc chứng khó tiêu, táo bón triền miên. Chúng tôi đã tiếp tục tìm hiểu thông tin về sản phẩm này.
Thông tin với PV, đại diện Đội Cảnh sát kinh tế huyện Đức Thọ, Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, Phòng Y tế huyện Đức Thọ cho biết, trên địa bàn không có nhà thuốc hay cơ sở sản xuất sản phẩm Đông y nào mang tên Tiến Hạnh và cũng không có cơ sở Đông y Tiến Hạnh nào được cấp phép là Đông y gia truyền.
Trước thông tin trên, PV Báo Gia đình & Xã hội đã cố gắng liên hệ với phía “Nhà thuốc Đông y gia truyền Tiến Hạnh” (ghi nhiều địa chỉ trên địa bàn TP Hà Nội), trong đó bà Trịnh Thị Hạnh là chủ cơ sở, nhưng không được. Chúng tôi chỉ nhận được một tin nhắn phản hồi, trong đó người nhắn viết rằng: “Bên chúng tôi sẽ nhờ cơ quan công an giải quyết, cử luật sư làm việc...”.
Trong vai người muốn làm đại lý cho sản phẩm Tiến Hạnh, chúng tôi tiếp cận (qua mạng) với một người tự xưng là đại lý của sản phẩm này. Người này khẳng định: “Sản phẩm tăng cân là một dạng Thực phẩm chức năng (TPCN), chứ không phải là thuốc chữa bệnh. Sản phẩm giảm cân cô đặc thành dạng viên nén, 30 viên/hộp sử dụng trong 30 ngày. Các sản phẩm đã được cấp phép lưu hành, có giấy tờ đầy đủ nên không vấn đề gì phải lo”(?).
Đại lý trên còn cung cấp hình ảnh các chứng nhận, chứng thư thẩm định đạt top sản phẩm chất lượng, kết quả thử nghiệm vi sinh hoá lý, kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu hoá lý. Ngoài ra, đại lý này cũng cung cấp thêm Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, do Chi cục ATTP Hà Tĩnh cấp năm 2015 và khẳng định đây là “giấy lưu hành” của sản phẩm.
“Trong thời gian sắp tới, các sản phẩm sẽ có giấy tờ để bán trong các nhà thuốc nên chị yên tâm, Nhà thuốc cũng đang chuyển đăng ký thành công ty, lúc đó các nhà thuốc nhập hàng về bán sẽ có hoá đơn đỏ. Còn hiện giờ, các giấy tờ chứng minh tính an toàn, nguồn gốc xuất xứ và chứng nhận người tiêu dùng... chị có thể bán tốt rồi”, đại lý này nói.
Trước thông tin của "đại lý", PV Báo Gia đình & Xã hội đã liên hệ với Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh. Qua trao đổi, ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Tĩnh cho biết: “Đơn vị chưa hề cấp chứng nhận cho bất kỳ cơ sở Đông y gia truyền nào trên địa bàn, đối với cơ sở Tiến Hạnh thì càng chưa bao giờ cấp. Bởi với nhiệm vụ và chức năng của đơn vị thì chúng tôi chỉ cấp chứng nhận cho lĩnh vực thực phẩm, thời hạn cấp là 3 năm. Từ hình ảnh của PV cung cấp, tôi khẳng định, Giấy chứng nhận này là giả, giả con dấu, giả chữ ký với các lý do sau: Thứ nhất là chữ ký trên hình ảnh này không phải của tôi. Thứ 2, trong khi dấu trên hình ảnh ghi “Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm” thì dấu đóng của Chi cục có dòng chữ đầy đủ là “Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh”. Thứ 3, phông chữ dùng cho chữ ký của tôi, từ trước tới nay là phông chữ thẳng đứng, chứ không in nghiêng như trong hình ảnh này”.
Vi phạm quy định tem nhãn
Để có cái nhìn khách quan hơn, PV đã đưa sản phẩm tăng cân, giảm cân Tiến Hạnh mà bạn đọc cung cấp, đến Sở Y tế Hà Nội. Bằng trực quan, một cán bộ phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) nhận định: “Với những thông tin được ghi trên nhãn như thành phần, liều lượng, hạn sử dụng, chống chỉ định, người tiêu dùng có thể bị hiểu lầm đây là thuốc, hoặc có thể hiểu là một dạng TPCN, hay là một dạng chế phẩm Đông y Y học cổ truyền (YHCT). Tuy nhiên, đây không phải là TPCN, không phải là thuốc hay là chế phẩm YHCT. Bởi các điều kiện tối thiểu cho một sản phẩm y dược phải thể hiện được số lưu hành do cơ quan quản lý nhà nước cấp. Ví dụ, TPCN phải có số xác nhận an toàn thực phẩm và xác nhận công bố hợp quy, nếu là thuốc phải có số đăng ký thuốc, nếu là chế phẩm YHCT thì nhà thuốc phải được cấp xác nhận người có bài thuốc Đông y gia truyền”.
Theo cán bộ này, nhãn sản phẩm trên đã vi phạm các quy định ghi nhãn theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ và Thông tư số 43/2014 của Bộ Y tế về Quản lý Thực phẩm chức năng, như: Thành phần không rõ hàm lượng, địa chỉ sản xuất không rõ ràng, không ghi dạng bào chế, số đăng ký hoặc giấy phép nhập khẩu, lô sản xuất, điều kiện bảo quản... Nhãn sản phẩm này cũng không thể hiện được đơn vị phân phối ra thị trường, có ngày sản xuất nhưng hạn sử dụng rất chung chung”.
Vị cán bộ phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân còn nói: “Chúng ta không thể biết được rằng, trong viên hoàn này có những thành phần gì? Những thành phần được điểm danh trên nhãn có được bao nhiêu gram? Có chứa thuốc tây và Corticoid để gây tăng cân hay không? Khi tham gia bất cứ lĩnh vực gì cũng phải hiểu luật. Cơ sở nào đang kinh doanh sản phẩm tăng, giảm cân loại này sẽ bị xử lý, xử phạt vì kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ".
Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh: “Người làm giả và người sử dụng con dấu tài liệu hoặc giấy tờ giả của cơ quan khác, đều được đưa vào tội làm giả con dấu của cơ quan tổ chức. Cụ thể, tại Điều 341, BLHS năm 2015 quy định Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nêu rõ: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, phạm tội có tổ chức, phạm tội 2 lần trở lên hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện phạm tội thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Tác giả: Bảo Loan
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội