“Lòi” thêm một biên bản họp HĐQT
Sau khi báo Dân trí có bài: “Mập mờ” trong việc ủy quyền dự án 134 ha cho Sacombank thì đại diện ngân hàng này đã có những phản hồi đầu tiên.
Đại diện ngân hàng Sacombank cho biết, hợp đồng ủy quyền số 004042 ngày 18/8/2017 giữa Sacombank và Công ty Cổ phần KCN Phong Phú - PPIP (Công ty Phong Phú) được ký kết dựa trên cơ sở Biên bản họp Hội đồng quản trị số 01/BB.PPIP.HĐQT.2017 ngày 11/8/2017 của Công ty Phong Phú.
Đại diện Sacombank khẳng định việc ủy quyền tại Dự án KCN Phong Phú là đúng quy định |
Theo biên bản họp này thì ngày 11/8/2017, Công ty Phong Phú có 3/4 thành viên HĐQT, đồng thời đây cũng là ba cổ đông đại diện sở hữu 77% vốn điều lệ của công ty. Ba cổ đông này thông qua việc uỷ quyền cho Sacombank toàn quyền định đoạt, quyết định các biện pháp xử lý đối với tài sản là quyền phát sinh từ việc đền bù tại Dự án KCN Phong Phú để nhằm mục đích thanh toán toàn bộ nghĩa vụ nợ của công ty tại Sacombank và hoặc của bên thứ ba do bên công ty đảm bảo.
“Chúng tôi làm hợp đồng ủy quyền dựa vào biên bản họp HĐQT 01/BB.PPIP.HĐQT.2017 chứ không phải dựa vào biên bản họp có chữ ký giả mạo của bà Trần Thị Thủy, thành viên HĐQT. Chúng tôi hoàn toàn làm đúng quy định của pháp luật”, vị đại diện ngân hàng Sacombank nói.
Cũng theo vị đại diện ngân hàng Sacombank, biên bản họp HĐQT 01/BB.PPIP.HĐQT.2017 là biên bản có ba cổ đông đại diện sở hữu 77% vốn điều lệ thông qua việc ủy quyền cho ngân hàng Sacombank định đoạt, quyết định đối với Dự án KCN Phong Phú.
Chính vì vậy, dù không có bà Trần Thị Thủy (sở hữu 23% vốn điều lệ) thì cũng không ảnh hưởng gì đến kết quả thông qua việc ủy quyền, do số vốn sở hữu mà ba cổ đông tán thành là 77%>75%, điều này hoàn toàn phù hợp với quy định.
Dự án Khu công nghiệp Phong Phú có quy mô 134ha, trong đó có 67ha đất khu công nghiệp, 67ha đất dành cho khu dịch vụ công nghiệp |
Chữ ký giả mạo và “mớ” rắc rối
Theo hồ sơ chúng tôi có được, vào tháng ngày 8/8/2017, Công ty Phong Phú cũng có biên bản họp Hội đồng quản trị. Buổi họp có ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch HĐQT, sở hữu 2% vốn điều lệ; bà Trần Thị Thủy, đại diện Công ty Hoa Phát, thành viên HĐQT sở hữu 23% vốn điều lệ; bà Viên Tú Anh, thành viên HĐQT, sở hữu 70% vốn điều lệ và bà Lưu Thị Lợi, thành viên HĐQT, sở hữu 5% vốn điều lệ.
Trong văn bản buổi họp thể hiện, việc họp HĐQT để thông qua việc ủy quyền cho ngân hàng Sacombank toàn bộ quyền định đoạt, quyết định các biện pháp xử lý đối với tài sản là Dự án KCN Phong Phú để nhằm mục đích thanh toán toàn bộ nghĩa vụ nợ của công ty tại Sacombank và hoặc của bên thứ ba do bên công ty đảm bảo.
Phần cuối biên bản họp nêu trên có nội dung ủy quyền cho ông Nguyễn Ngọc Quang làm đại diện Công ty Phong Phú ký kết tất cả các chứng từ liên quan đến việc ủy quyền cho ngân hàng Sacombank. Ba thành viên HĐQT còn lại cũng ủng hộ và ký tên ở cuối biên bản họp.
Ngay sau đó, ngày 11/8, ông Quang đã làm hợp đồng ủy quyền Dự án KCN Phong Phú cho Sacombank tại Văn phòng công chứng Nguyễn Kim Chi.
Tuy nhiên, phía ngân hàng Sacombank ngay lập tức “phản pháo” và cho rằng, biên bản họp nói trên không phải là biên bản họp mà Sacombank dựa vào để ký hợp đồng ủy quyền với Công ty Phong Phú, biên bản họp 01/BB.PPIP.HĐQT.2017 mới là biên bản ngân hàng này dựa vào để ký hợp đồng ủy quyền.
Bà Trần Thị Thủy và Công ty Hoa Phát cũng đã gửi văn bản đến Sở Tư pháp TPHCM, Văn phòng công chứng Nguyễn Kim Chi cho rằng, bà Thủy không hề tham gia cuộc họp HĐQT của Công ty Phong Phú và cũng không hề ký vào văn bản này.
Bà Thủy cũng khẳng định chữ ký trong biên bản họp là giả mạo, vi phạm pháp luật và không có hiệu lực.
Tuy nhiên, như chúng tôi đã thông tin ở phần trên thì đại diện Sacombank cho rằng, dù không có bà Trần Thị Thủy thì cũng không ảnh hưởng đến kết quả thông qua việc ủy quyền Dự án KCN Phong Phú.
Bà Thủy và Công ty Hoa Phát cũng yêu cầu Văn phòng công chứng Nguyễn Kim Chi hủy bỏ hợp đồng ủy quyền giữa Công ty Phong Phú và Sacombank. Các bên cũng yêu cầu văn phòng công chứng thông báo đến Công ty Toàn Cầu và các bên liên quan để hủy việc đấu giá theo thông báo bán đấu giá tài sản ngày 10/10/2018.
Công ty Hoa Phát cũng đã gửi văn bản khiếu nại của mình đến Thanh tra Bộ Tư pháp.
Thanh tra Bộ Tư pháp phản hồi, đơn vị này đã nhận được văn bản của Công ty Hoa Phát về việc tố cáo Công ty Toàn Cầu vi phạm pháp luật trong việc đấu giá tài sản Dự án KCN Phong Phú. UBND huyện Bình Chánh cũng đã có công văn đề nghị dừng việc đấu giá do việc bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa được thực hiện xong.
Các cơ quan chức năng cần làm rõ những khuất tất đang diễn ra trong công tác ủy quyền Dự án KCN Phong Phú 134ha này. |
Ngày 24/10, Thanh tra Bộ Tư pháp cũng có công văn gửi Công ty Toàn Cầu và Sacombank đề nghị hai đơn vị này thận trọng, xem xét và cân nhắc để tạm dừng tổ chức đấu giá tài sản nói trên, không để khiếu nại, khiếu kiện, nguy cơ trở thành điểm nóng tiếp theo về đất đai tại TPHCM phát sinh từ việc đấu giá tài sản.
Thanh tra Bộ Tư pháp đề nghị Công ty Toàn Cầu báo cáo bằng văn bản quá trình thực hiện đấu giá và photo toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc đấu giá tài sản là quyền tài sản phát sinh từ việc đền bù tại Dự án Khu công nghiệp Phong Phú có quy mô 134ha, trong đó có 67ha đất khu công nghiệp, 67ha đất dành cho khu dịch vụ công nghiệp (nhà ở chuyên gia, siêu thị, bệnh viện…) đã thực hiện đền bù quỹ đất diện tích 120,2ha/134ha, phần còn lại là 13,8ha chưa hoàn thành việc thanh toán đền bù.
Tác giả: Đại Việt
Nguồn tin: Báo Dân trí