Như luật bất thành văn, năm nào cũng vậy cứ đến dịp Rằm tháng Giêng con cháu của dòng họ Nguyễn Văn ở xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà lại quần tụ về nhà thờ dòng tộc. Mỗi chi làm một mâm cỗ cúng để tế ông bà tổ tiên nhằm thể hiện lòng thành kính, cái tâm hướng về tổ tiên, dòng họ…
Theo tục lệ, cứ 10 năm một lần, nhằm vào dịp Rằm tháng Giêng các dòng họ lớn nhỏ ở đây lại tổ chức sao lại Gia phả (Khảo giấy). Với người dân Hà Tĩnh nhà có Gia phả cũng như nước có sử. Sử ghi chép những việc thật, Gia phả ghi chép cho con cháu biết cội nguồn nơi mình được sinh ra. Theo ông Nguyễn Văn Thanh – một người dân ở xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà thì: Khảo giấy là một hình thức sao lại Gia phả ( Gia phổ). Cứ 10 năm một lần, những người cao tuổi trong dòng họ lại Khảo giấy một lần để con cháu được biết những biến động của dòng họ trong thời gian qua. Đồng thời, giúp cho việc ghi chép gia phổ của dòng họ được chính xác.
Ông Nguyễn Văn Thanh – con cháu dòng họ Nguyễn Văn ( Bình Lộc – Lộc Hà) |
Rằm tháng Giêng là dịp con cháu tưởng nhớ về tổ tiên, họ hàng. Ngày này cũng được xem là dịp để con cháu tụ họp lại với nhau, để anh em họ hàng xa xôi lâu ngày không gặp, cùng nhau ôn lại những kỉ niệm xưa cũ.
Rằm tháng Giêng – thêm một lần con cháu trong dòng họ được đoàn viên |
Người xưa vẫn có câu “Cả năm được Rằm tháng Bảy, cả thảy được Rằm tháng Giêng”, đối với những người dân Hà Tĩnh, ngày Rằm tháng Giêng luôn có vị trí đặc biệt trong tâm thức. Sau Tết Nguyên đán thì ngày Tết Nguyên tiêu lại thêm một lần đoàn viên tụ họp, để cùng động viên nhau đoàn kết phấn đấu, cùng hướng đến một năm mới tốt lành.
Trần Vũ