Ngày 17-10, TAND TP HCM đã xét xử vụ kiện "Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng", do Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab (Grab). Trước đó, TAND TP đã phải hoãn xử 3 lần để các bên có thời gian bổ sung hồ sơ, chứng cứ cũng như nghiên cứu vụ án. Phiên tòa này dự kiến kéo dài nhiều ngày.
Grab yêu cầu bảo mật
Luật sư bảo vệ cho Grab yêu cầu HĐXX hoãn xử để triệu tập giám định viên vì nếu không có giám định viên sẽ gây khó khăn trong tranh tụng. Ngoài ra, trong quá trình TAND TP thụ lý vụ kiện, Grab nhiều lần đề nghị không cho nguyên đơn là Vinasun tiếp cận danh sách hợp tác xã (HTX) vận tải cũng như hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa tài xế và HTX vì có thể làm lộ bí mật kinh doanh.
Luật sư của Grab nói hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Grab và đối tác cần được bảo mật vì đó là bí mật kinh doanh, không được cung cấp cho bên thứ ba mà cụ thể là Vinasun.
Sau khi hội ý, HĐXX đã bác yêu cầu hoãn xử của Grab vì cho rằng kết quả giám định đã có trong hồ sơ, nếu kết quả giám định không có căn cứ thì xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, việc cho Vinasun sao chụp hồ sơ là không vi phạm pháp luật và đã được chấp thuận bằng văn bản của lãnh đạo TAND TP.
Đại diện Grab tại tòa |
Theo đơn khởi kiện, Vinasun yêu cầu được bồi thường 41,2 tỉ đồng với cáo buộc Grab hoạt động tại Việt Nam khiến doanh nghiệp này giảm doanh số, làm cho 8.000 lao động mất việc làm.
Ngoài ra, Vinasun còn khẳng định rằng Grab đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam về Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử; vi phạm nghĩa vụ thuế đối với nhà nước…
Tại tòa, luật sư của Vinasun nói rằng Grab chỉ đăng ký cung ứng phần mềm nhưng trong quá trình hoạt động Grab đã kinh doanh taxi - lĩnh vực mà Grab không được phép hoạt động. Vinasun kiện hành vi kinh doanh trái pháp luật của Grab và nói rõ hơn là từ trước giờ Grab cố tình hiểu sai về bản chất vụ kiện. Vinasun chỉ khởi kiện về bồi thường ngoài hợp đồng chứ không kiện về cạnh tranh.
Trả lời luật sư của Vinasun, CEO Grab Việt Nam, ông Jerry Lim (quốc tịch Singapore) nói rằng Grab quản lý nền tảng công nghệ, bảo mật thông tin và dữ liệu cá nhân của người dùng. Trong một số trường hợp, Grab sẽ cung cấp cho công an nếu có tai nạn xảy ra. Bên cạnh đó, nếu Chính phủ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng để giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp luật thì Grab sẽ cung cấp.
Trong trường hợp khách hàng khiếu nại tài xế thì Grab sẽ cung cấp thông tin của tài xế cho đơn vị vận tải. Ngoài ra, không có trường hợp nào khác Grab cung cấp thông tin khách hàng và đối tác cho bên thứ ba.
Luật sư của Vinasun đặt vấn đề ngược lại: Có phải trong điều khoản sử dụng thì Grab có thể cung cấp dữ liệu khách hàng cho bên thứ ba là các công ty, tổ chức bên ngoài lãnh thổ Việt Nam hay không ? Đại diện Grab Việt Nam trả lời là đúng.
Luật sư của Vinasun lập luận rằng từ tháng 6-2016 đến tháng 6-2017, Grab đã thực hiện hơn 15 triệu cuốc xe, vậy Grab có xuất hết 15 triệu hóa đơn điện tử hay không? Về vấn đề này, đại diện pháp luật của Grab từ chối trả lời vì không biết Vinasun lấy nguồn từ đâu ra.
Trả lời việc phạt tiền tài xế, Grab không bình luận vấn đề này mà chỉ nói rằng nếu tài xế làm tốt công việc thì được thưởng tiền còn sai phạm thì không được hưởng khoản này. Riêng thông tin cho rằng tài xế bị phạt đến 3 triệu đồng thì CEO Grab Việt Nam khẳng định không hay biết.
Lỗ vẫn tăng lượng xe
Vinasun lý luận năm 2018, Grab bị Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính đưa vào diện giám sát tài chính nhưng Grab khẳng định rằng không biết thông tin này. Trước tòa, Vinasun cũng truy vấn giai đoạn 2014-2016 Grab báo lỗ 936 tỉ đồng, đến năm 2017 báo lỗ 700 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ tháng 10-2017 đến tháng 3-2018, Grab đã tăng từ 17.000 xe lên hơn 34.800 xe. Tại sao Grab báo lỗ lớn như vậy nhưng vẫn tăng lượng xe gấp đôi? Grab từ chối bình luận vấn đề này.
Theo Grab, đây là một vụ kiện hy hữu bởi vì Vinasun khởi kiện nhưng lại không đưa ra các bằng chứng, tài liệu nào chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Grab đề nghị trưng cầu lại giám định hoặc giám định bổ sung vì các kết luận giám định của Công ty Cửu Long hoàn toàn sai từ cách xác định thiệt hại đến phương pháp tính toán và cuối cùng là đến kết luận.
Grab biện minh ngay cả dựa vào báo cáo giám định của Công ty Cửu Long thì nguyên nhân chính mà khách hàng rời bỏ Vinasun để chuyển sang sử dụng dịch vụ của Grab là do cước phí của các xe sử dụng công nghệ rẻ hơn cước phí của Vinasun. Đồng thời, cũng theo kết quả giám định này thì nguyên nhân Vinasun mất khách do dịch vụ của Grab tốt hơn. Grab nói rằng 2 nguyên nhân này cũng không phải là hành vi vi phạm pháp luật cũng như đề án thí điểm.
Grab có tiện lợi gì?
Tại tòa, đại diện Grab nói Grab có trụ sở ở Singapore. Hiện tại, Grab đã phát triển ở 168 thành phố tại các nước Đông Nam Á gồm: Singapore, Malaysia, Myanmar, Campuchia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Thu nhập của tài xế gấp đôi thu nhập trung bình của người Việt Nam.
Grab cũng đã hỗ trợ 20% dân số Việt Nam trong ngành nghề kinh doanh của mình. Với ứng dụng công nghệ, mọi người nhanh chóng đặt được xe chỉ trong 2,5 phút. Từ khi có công nghệ, tài xế có thể tận dụng 70% thời lượng chạy trên đường và khoảng thời gian này đều có khách.
Cuối buổi chiều 17-10, chủ tọa nói rằng muốn lắng nghe tất cả ý kiến của Vinasun lẫn Grab. Vinasun cần cung cấp những bất cập, những vấn đề chưa minh bạch của Grab. Ngược lại, Grab cần cung cấp cho tòa những tiện lợi dịch vụ của mình cũng như việc Grab phát triển tại Việt Nam đã mang lại lợi ích gì cho khách hàng...
Tác giả: PHẠM DŨNG
Nguồn tin: Báo Người lao động