Biển là không gian, là nguồn sống của hàng triệu ngư dân miền Trung. Nhưng thảm nạn cá chết xảy ra hơn 1 tháng qua khiến cả ngư dân đi biển lẫn người kinh doanh trên bờ điêu đứng theo. Để thấu hiểu, chia sẻ nỗi thống khổ của người dân miệt biển miền Trung trong những ngày khốn khó này, phóng viên Báo Lao Động ra khơi cùng ngư dân trong những ngày “biển không lành”…
“Lão ngư” ở tuổi 46
Chiều 6.5, chúng tôi liên hệ với người quen, ngư dân Mai Văn Đợi (36 tuổi, trú thôn Ba Đồng, Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chủ tàu công suất 420 CV, một trong những tàu lớn nhất ở bến thuyền Kỳ Phương để xin cùng ra khơi, nhưng anh nói: “Chiều nay anh em nghỉ”. Chúng tôi nhờ giới thiệu cho một tàu khác, nhưng cả thôn không có tàu nào ra khơi vì giá hải sản quá thấp. Chúng tôi đến bến thuyền Ba Đồng (ngay cạnh Nhà máy Formosa) – nơi tập trung gần 200 tàu thuyền, nhưng cũng không có ai ra khơi cả. Nhờ một “đại ca” giới thiệu, chúng tôi được anh Chu Văn Hộ – chủ bè mực nháy Lý Hộ (cảng Vũng Áng) gửi lên tàu cá của ông Nguyễn Văn Thiến, trú tổ dân phố Xuân Lộc, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình. Anh Hộ nhiệt tình dong thuyền nhỏ chở chúng tôi ra cập tàu ông Thiến. Từ xa, đã thấy ông Thiến đứng chờ, tay vẫy rối rít: “Mấy anh lên mau cho kịp”. Ngạc nhiên khi được biết tuổi ông. Sinh năm 1970, mới 46 tuổi mà trông ông Thiến như ông lão 70, cánh tay gầy, bàn tay to bè, chai sạn, cười luôn nhưng cái miệng méo xệch thành ra trông như mếu. Hỏi, sao bác già thế, ông cười, giọng Quảng Bình lơ lớ: “Do mềnh (mình) khổ quá”. Sinh ra ở vùng ven biển, từ tuổi 15, ông Thiến đã lênh đênh trên các tàu cá, làm nghề đi bạn. Sau gom góp mua thuyền nhỏ, rồi “lên đời” chiếc tàu hiện nay. Tàu vỏ gỗ mang số hiệu QB98162TS này cũng đã cũ, chủ trước đã chạy biển được 10 năm, dài chừng 13m, rộng gần 5m, 135 ngựa (CV). Giá tàu 600 triệu, ông Thiến phải vay ngân hàng gần chừng đó, tiền lãi mỗi tháng gần 5 triệu, ngoài ra còn chi phí bảo dưỡng chừng 50 triệu. “Nghề ni khổ lắm, khi không có cá thì nằm dài, khi gặp luồng cá thì làm suốt ngày đêm, chỉ ngủ được vài tiếng; trời mưa gió cũng phải ra bong làm, về nhà người xơ xác”, ông Thiến kể chuyện nghề.
Biển không nghèo, chỉ ngư dân không giàu nổi
Hỏi, nghề đánh cá có giàu không, ông Thiến cười: “Giàu chứ, nhưng… với điều kiện đã trả hết nợ”. “Rứa sao bác ở Quảng Bình mà ra Hà Tĩnh câu mực?”, chúng tôi hỏi. Ông Thiến nói to để át tiếng máy tàu: “Trước đây tui đi đánh cá, kiếm được cũng khá, mỗi trăng (tháng) kiếm được vài chục triệu, những người đi bạn cũng được hơn chục triệu/tháng. Nhưng từ dạo cá chết, sản lượng giảm, mà có đánh được cũng không ai mua, nên tui vô đây câu mực, kiếm ít tiền công cầm cự trong thời điểm khó khăn”. “Rứa đêm nay bác câu ở đâu?”, “Thì cũng ở biển Vũng Áng ni thôi, cách bờ chừng 5 – 6 lý (hải lý)”. Ông Thiến cho biết, không thấy cơ quan chức năng khuyến cáo hạn chế khai thác gần bờ, và thời gian gần đây, trên biển Vũng Áng, lượng cá giảm hẳn, nhưng mực thì không thay đổi so với trước đây.
Bắt đầu chạy từ 5 giờ chiều, đến nơi câu mực, cách bờ chừng 6 hải lý. Từ đây nhìn vào vẫn thấy bờ biển, cột ống khói của Formosa và Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng vươn cao lên bầu trời đen thẫm. Theo ông Thiến, đánh cá thì cần máy định vị, nhưng câu mực thì ông chỉ cần dựa vào kinh nghiệm cá nhân, nhận biết luồng mực để buông neo. Nghỉ ngơi đến 19 giờ, trời đã tối, điện trên biển lấp lánh như sao, ông Thiến cho nổ máy, hàng chục bóng điện cao áp 1.000W bật sáng chói lòa để dụ mực đến, công việc “vớt lộc trời” bắt đầu.
Cùng câu với ông Thiến có con trai ông, cậu Nguyễn Ngọc Thành (SN 1994), bỏ học dở dang theo cha đi biển. Thành người gầy gò, nhỏ thó, ít nói, thoăn thoắt buông câu. Một thanh niên nữa cùng đi bạn là Nguyễn Văn Tuyên (SN 1991), gọi ông Thiến bằng chú ruột. Tuyên chưa vợ, người thấp đậm, đi biển nhiều năm, sống trên biển nhiều hơn trên đất liền. Tuyên kể, sinh ra ở làng biển, khi mới học đến lớp 2, Tuyên đã bỏ học đi biển với cha và các anh trai trong nhà. “Ở làng em, người ta không học cao đâu, trước đây hầu hết học chưa xong cấp 1 đã bỏ học đi biển” – Tuyên tâm sự. Nằm ngả lưng bên sân tàu, theo con sóng dập dềnh, Tuyên đôi mắt xa xăm: “Ngày đó em cứ nghĩ cần gì học nhiều, bỏ về đi biển với cha là có tiền. Nhưng sau nhiều năm theo nghề, giờ mới thấm thía…”.
Gió cấp 4 – 5, tàu lắc lư dữ dội. Chúng tôi đã đứng không nổi, phải bò trên sàn tàu, ông Thiến vẫn ung dung ngồi vắt vẻo trên thành tàu, tay thoăn thoắt buông lưỡi câu, miệng thao thao kể chuyện. “Mềnh đi biển nhiều nơi lắm, từ Quảng Bình cho đến Thanh Hóa, ra tận đảo Hải Nam, sát biển Trung Quốc. Khi có gió thì chạy vô trú trong đảo Hải Nam”. Hỏi có bị xua đuổi không, ông Thiến cười: “Họ chỉ cho trú khi có gió to thôi, hết gió thì lo chạy cho mau”.
“Đồ nghề” câu mực khá đơn giản, gồm một lưỡi câu nhiều nhánh tua tủa, gắn một cục nhựa phát sáng lấp lánh. Khi buông câu, mực thấy ánh sáng tưởng thức ăn, nhào vô liền bị lưỡi câu móc vào râu, ngư ông chỉ việc giật lên, bỏ vào khoang đựng sẵn nước biển làm cho mực vẫn sống. Một lúc, ông Thiến liên tiếp giật lên những con mực to bằng ống nứa, sáng lấp lánh được đưa lên tàu, khi bỏ vào khoang nước thì bật tanh tách, bơi lội tung tăng. Đến khoảng 22 giờ đêm, chúng tôi say sóng mệt lử, đầu đau như búa bổ, người nôn nao, nằm nhoài ra sàn tàu, 3 ngư dân vẫn ngồi vắt vẻo trên mạn tàu, miệt mài câu mực. Tiếng mực búng tanh tách. Đến gần 2 giờ sáng, việc câu mực kết thúc, vì vào giờ đó, mực không còn hứng ăn mồi. Ông Thiến nổ máy, quay thuyền vô bờ, tắt máy buông neo nghỉ đến 5 – 6 giờ sáng.
Mong trời lặng, biển lành
6 giờ sáng, anh Chu Văn Hộ giong thuyền đến. Ông Thiến đếm từng con mực, không cần sổ sách mà tự ghi vào “bộ nhớ”, chính xác như máy tính; anh Hộ cũng không cần đếm lại mà đổ luôn vào khoang. Tổng cộng 3 người câu trong đêm được 450 con mực lớn bé, giá chung 6.000 đồng/con, thu về 2,7 triệu đồng. Chi phí tiền dầu khoảng hơn 600.000, còn lại chia đều. “Đêm ni khá hơn trước. Đêm qua, bọn mềnh chỉ được có triệu tám (1,8 triệu)” ông Thiến cười.
Cầm con mực lớn trên tay vẫn còn phồng mang thở, sáng lấp lánh, anh Hộ phân trần: “Năm trước, một con mực ra ri giá 20.000 – 22.000, năm nay chỉ còn chừng ni, vì giá bán cho khách giảm nên bọn tui phải hạ giá mua”. Với giá đó, năm trước, mỗi đêm câu mực, ngư dân thu chục triệu là bình thường. Năm nay giá thấp, người đánh bắt cũng thưa thớt. Chỉ có bè anh Hộ và một số bè khác là còn có khách, bán được, chứ nhiều bè vắng tanh. Nên lượng tàu ra câu mực không nhiều, vì nếu câu được, cũng không biết bán cho ai.
Xong việc, ông Thiến chọn những con mực trứng ngon nhất luộc ăn, tự thưởng cho “chiến công” đêm qua. “Mực to quá không ngon đâu”, anh Hộ nói. Mực tươi rói, thơm phức, gói lá lốt, chấm mù tạt, muối chanh, vị ngọt đậm đà, ăn no chứ không ngán. Có thuyền của ông Nguyễn Văn Liệu, phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) tạt vô. Ông Liệu mặt buồn so, vì hai anh em (cùng với ngư dân Nguyễn Văn Hải, xã Thanh Trạch, Bố Trạch) vật lộn cả đêm với sóng cả trên con thuyền nhỏ, cũ đến bơ phờ, chỉ câu được 1 triệu tiền mực, mà dầu đã hết 500 trăm, còn lại 500 trăm chia nhau. Lúc đó, có hai vợ chồng ngư dân ở Hà Tĩnh nổ thuyền chạy qua, hỏi anh Hộ có mua mực không, chỉ nhận được cái lắc đầu. Hai vợ chồng mặt buồn thiu dong thuyền đi, quanh quẩn mấy vòng cũng chưa bán được. “Giá rẻ quá, chừng này mực năm ngoái bèo lắm cũng được 3 triệu, nay chỉ được chừng này, anh em gắng cầm cự qua ngày. Rồi mai đây không biết ra răng?”, ông Liệu ngậm ngùi.
Nói qua chuyện “nguyện vọng của ngư dân”, ông Thiến thủng thẳng: “Gần (trước mắt) thì muốn được tạo điều kiện vay vốn; bọn mềnh nghèo tiếp cận vốn vay rất khó. Ngân hàng đến, thấy nhà nghèo họ cho vay ít; mềnh phải vay ngoài, cầm trăm triệu tháng trả lãi 2 triệu, xót lắm. Có vốn thì ngư dân mới mua sắm máy mới, đóng tàu to ra khơi được. Nếu máy cũ, công suất nhỏ, bí lắm, lại hay hỏng hóc. Mà thủ tục nhận tiền hỗ trợ dầu cũng nhiêu khê, có những cái “tế nhị” không nói ra với mấy anh được. Mềnh đến nay có mấy chuyến chưa được nhận tiền”. Hỏi, vậy “xa” thì sao, ông Liệu nối lời: “Bầy tui mấy miệng cũng nói như chắc (giống nhau), muốn trời lặng, biển lành, nhiều tôm cá như trước, mọi người yên tâm ăn cá ăn tôm, ngư dân mới có đường sống”.
Phía cảng Vũng Áng, bình minh lên rực rỡ trên biển bao la, những con tàu buông neo dập dềnh trên nước biếc. Thiên nhiên yên bình, nên thơ. Còn tâm khảm những ngư dân khắc khổ bao đời bám biển sinh nhai quặn thắt những nỗi lo…
QUANG ĐẠI – TRẦN TUẤN