Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh |
“Nếu 1 đất nước, 1 cơ chế, bộ máy nhà nước không phục vụ dân, không phục vụ DN thì phục vụ ai, đấy là cái quan trọng. Tại sao người ta nói một nhà nước kiến tạo thay vì nhà nước quản lý, quản lý hiểu tôi phải quản lý anh, tôi là cấp trên tôi quản lý anh, ngược lại anh phải phục vụ cho DN, phục vụ người dân, anh phải thay đổi tư duy, một công chức không phải là đứng ra để hành dân, yêu cầu người dân, anh phải đến xin tôi giấy phép này… Quay lại tư tưởng chúng ta sinh ra để phục vụ cho DN, người dân để người ta làm tốt nhất thì đất nước được hưởng, chúng ta được hưởng” – ông tiếp lời.
Khó nhất vượt qua chính mình
Như Bộ trưởng nhấn mạnh, phải đổi mới con người, phải trân trọng DN nhưng rõ ràng không đổi mới được cán bộ thì không đổi mới được nền kinh tế.
Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. Nếu thể chế trì trệ, chúng ta phải hứng chịu chính những điều chúng ta đặt ra. Nên để đổi mới cũng phải vượt qua chính mình. Chỉ có những người có bản lĩnh nhìn nhận được yếu tố đang cản trở, có quyết tâm chính trị và lòng khát khao với dân tộc, đất nước thì mới vượt qua được. Còn nếu vẫn nghĩ đến bản thân, gia đình nhiều hơn, thì tôi nghĩ rất khó làm. Đây chính là một thách thức.
VN có thế mạnh là con người thông minh. Người VN không chỉ học giỏi mà làm cũng giỏi, tài nguyên nhiều nhưng tại sao năng suất lao động đang rất thấp? Chúng ta có tận dụng được những tố chất đó để trở thành một Israel thứ hai không? Tôi so sánh hơi hình tượng vậy vì khi nói đến quốc gia này, người ta có thể hình dung ra một đất nước chỉ có cát, bụi, sỏi mà nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là trong nông nghiệp đã tạo những phát triển thần kỳ.
Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là những ví dụ cho thấy không có nhiều tài nguyên nhưng tài nguyên lớn nhất là con người.Tại sao VN không làm được điều này, vì vấn đề tổ chức xã hội, hệ thống bộ máy, phân cấp phân quyền, lựa chọn và đào tạo, đánh giá, quản lý, sử dụng con người, trân trọng mỗi con người, con người ở các DN sao không được trân trọng như con người trong bộ máy nhà nước?
Chúng ta có một thời kỳ vào nhà nước mới là vẻ vang, vào DN tư nhân coi như tương lai mờ mịt. Nó đang chuyển dần nhưng chuyển chậm quá. Nên tôi muốn nói về hành chính bộ máy nhưng nói rộng hơn là con người.
Bộ trưởng đặt những câu hỏi tại sao, ông có ý tự tìm ra câu trả lời không?
Tư duy bộ máy phải khác. Quản lý là quản trị, chúng ta phải chuyển sang một nhà nước kiến tạo – tạo ra những điều kiện môi trường để cho nền kinh tế phát triển, mình đừng can dự nhiều quá, mình đừng nghĩ là mình ngồi trên, cao hơn nên quản lý mà chúng ta phải phục vụ họ vì họ đóng thuế cho chúng ta tồn tại, bộ máy lấy đâu ra tiền, thuế của người dân, thuế của DN để nuôi bộ máy. Bộ máy đúng là có quyền lãnh đạo, quản chế những việc này nhưng bộ máy ấy phải tạo ra môi trường tốt hơn, thuận lợi hơn cho những người đóng thuế cho mình.
Bây giờ phải là phục vụ, tôi nghĩ nhiều nước đã làm được điều này. Như Nhật Bản có hội đồng, ủy ban về kinh tế, chính quyền kinh tế hay gọi là hiệp hội những nhà đầu tư lớn nhất Nhật Bản tập trung lại để tham mưu, tư vấn cho chính phủ những chính sách về kinh tế. Không ai hiểu nhu cầu DN bằng DN, không ai nhìn thấy khuyết điểm trong bộ máy phục vụ bằng những người bị quản lý.
Hàn Quốc cũng vậy, những tập đoàn kinh tế được trọng dụng, tên tuổi rất ghê gớm, họ đóng góp vào chính sách kinh tế. Chúng ta chưa làm được điều này, thậm chí các DN với liên quan chính trị lại làm méo cả đi, méo chính sách. Một trong những yếu kém nhất của VN là không có được lực lượng DN trong nước VN mạnh mẽ, bây giờ đang nói nhiều là sự lấn át của DN FDI nước ngoài vào VN.
Trong bối cảnh hòa nhập thế này, chúng ta không thể chờ đợi. Không thể không cho DN nước ngoài vào để chờ đợi DN VN phát triển, phải song hành thôi. Phải song hành vì FDI vào cũng đem lại nhiều lợi ích cho đất nước về nguồn nhân lực, tiền bạc, sản xuất ra sản phẩm, tạo công ăn việc làm, đóng góp thu nhập. Ta không thể có tăng trưởng VN mà lại không có lực lượng này. Tuy nhiên không để mất cân đối, phải coi trọng lấy lực lượng trong nước làm chính.
Các DN cũng rất mong muốn VN có một nền tảng DN mạnh để tiếp tục hỗ trợ cho họ. Họ muốn nhập toàn bộ nguyên liệu, sản phẩm sản xuất đầu vào, linh kiện từ các DN VN cung cấp cđể tạo ra. Như vậy giá trị gia tăng VN, công ăn việc làm tạo ra nhiều hơn, lan tỏa nhiều hơn đồng thời giá thành sản phẩm của họ rẻ hơn, cạnh tranh hơn.
Tăng tốc lên
Cơ hội nào có thể nhìn thấy rõ trong 2015 cho nền kinh tế của đất nước cũng như DN, thưa Bộ trưởng?
Đất nước phải dành nhiều nguồn lực, ổn định để tiếp tục đổi mới. Nếu như ta phải chịu sự biến động từ bên ngoài thì công cuộc đổi mới sẽ bị chậm lại. Có xu hướng thuận lợi đó là đất nước ổn định dần về vĩ mô, ngày càng ổn định tốt hơn, bền vững hơn. Chúng ta đang tăng trưởng trở lại với nhiệt độ cao hơn. Khi nền kinh tế tăng trở lại, vĩ mô tốt thì DN nước ngoài cũng yên tâm, người trong nước cũng yên tâm làm ăn.
Năm 2015 chúng ta hội nhập sau rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, trước mắt là 3 hiệp định. Cuối 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập thì sẽ luân chuyển nhân lực và hàng hóa trong khu vực 10 nước ASEAN, thuận lợi hơn, ta có thị trường rộng lớn hơn.
Hiệp định thương mại tự do VN-EU cũng tạo ra một thị trường rất lớn giữa VN và 27 nước thành viên của EU, VN – Hàn Quốc, VN với Liên minh thuế quan cũng rất thuận lợi, nhất là trong điều kiện Mỹ cấm vận Nga thì việc hàng hóa của VN, nhất là nông sản sang Nga rất thuận lợi, đó là cơ hội. Chưa kể hiệp định TPP đang ở giai đoạn cuối cùng của đàm phán.
Trong các hiệp định này đều tạo ra cơ hội và tạo ra thách thức chứ không phải chỉ tạo ra cơ hội, nếu ta không biết chộp thời cơ, cơ hội mà chúng ta để tuột mất nó thì phải chịu thách thức và thiệt. Nên phải đổi mới thể chế, thể chế phải mạnh và nhanh chóng để tạo lực lượng thúc đẩy trong nước ta phát triển mạnh lên, các DN mạnh lên và lực lượng tham gia cạnh tranh chính là DN. DN phải biết cạnh tranh, phải có đủ thông tin để làm việc này, đó là thách thức lớn.
Vừa qua chúng ta mới làm tốt việc tham gia vào các FTA nhưng lại chưa làm tốt việc chuẩn bị cho các DN nước ta đủ sức đương đầu cạnh tranh. 2015 sẽ là năm cơ hội và thách thức đan xen và gay gắt.
Như QH đề xuất 2015 phải là năm của DN, tôi nghĩ rất chính xác. Nếu chúng ta lo đổi mới thể chế, lo cho việc thúc đẩy DN phát triển, thúc đẩy kinh tế đất nước thì ta sẽ có một đại hội Đảng thành công, có kết thúc 5 năm nhiệm có thành công để bước vào nhiệm kỳ mới với khí thế mới.
Thu Lý – Ảnh: Lê Anh Dũng