Quản lý nợ thuế là một phần quan trọng trong hệ thống quản lý thuế theo cơ chế tự kê khai - tự nộp thuế. Nguồn: internet |
Nhận diện sự cần thiết quản lý nợ thuế, bài viết nghiên cứu công tác quản lý rủi ro trong quản lý nợ thuế tại Chi cục Thuế huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), từ đó đưa ra một số nhận định chung về hệ thống tiêu thức đánh giá rủi ro trong quản lý nợ thuế mà Chi cục Thuế huyện Đức Thọ, xây dựng và triển khai áp dụng hiện nay.
Công tác quản lý nợ thuế tại Chi cục Thuế huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh
Trong bối cảnh đó, kinh tế trong nước mặc dù đã có sự chuyển biến tích cực song vẫn còn nhiều biến động khó lường. Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều cá nhân, DN trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng gặp nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, không thu hồi được công nợ dẫn đến không có khả năng nộp thuế đúng hạn.
Nhận thức được sự cần thiết của việc quản lý nợ thuế, thời gian qua, công tác quản lý nợ thuế đã được lãnh đạo Chi cục Thuế huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) quan tâm đẩy mạnh triển khai đồng bộ, từ công tác chỉ đạo, đảm bảo phương tiện làm việc cho đến việc bố trí sắp xếp nhân sự. Nhờ đó, kết quả đạt được tương đối khả quan, tỷ lệ nợ có chiều hướng giảm, việc thực hiện quy trình đã từng bước đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác quản lý nợ tại Chi cục Thuế huyện Đức Thọ mới chỉ dừng lại ở việc thống kê, phân loại nợ, theo dõi tuổi nợ, chưa có sự phân tích, đánh giá… cho nên hiệu quả quản lý nợ thuế của đơn vị chưa cao, số thuế nợ đọng lớn, tỷ lệ nợ cao, số liệu chưa chính xác... Tình trạng này biểu hiện cụ thể ở nhiều mặt như sau:
- Mặc dù tỷ lệ nợ thuế so với tổng thu ngân sách do Chi cục Thuế quản lý có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ nợ của thuế, phí vẫn còn rất cao (chỉ riêng tháng 12/2017 đã là 11%).
- Các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ gắn liền với công tác cưỡng chế nợ thuế còn chưa thực sự quyết liệt, chủ yếu là theo thủ tục hành chính; cán bộ thuế chưa thực sự nắm rõ các khoản tiền thanh toán công nợ của người nộp thuế, vì vậy công tác đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế thiếu hiệu quả.
- Vẫn còn tình trạng chênh lệch số tiền thuế nợ thực tế và số liệu trên hệ thống quản lý thuế TMS, đặc biệt là sự chênh lệch ở nợ thuế của cá nhân kinh doanh…
Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý nợ thuế tại Chi cục Thuế huyện Đức Thọ
Để hạn chế tình trạng nêu trên, Chi cục Thuế huyện Đức Thọ đã xây dựng và triển khai hệ thống tiêu thức đánh giá rủi ro, đánh giá rủi ro, xử lý rủi ro và rà soát quản lý rủi ro trong quản lý nợ thuế; Đồng thời, ban hành quy trình quản lý nợ thuế, phân tích nợ thuế để tìm ra nguyên nhân nợ đọng và đánh giá quản lý nợ thuế. Cụ thể:
Thiết kế hệ thống tiêu thức đánh giá rủi ro
Nội dung quan trọng trong phần này là: Thu thập dữ liệu về người người nộp thuế, phân loại NNT và thiết kế hệ thống tiêu thức đánh giá rủi ro.
Bộ phận quản lý nợ và Cán bộ tham gia thực hiện quy trình có trách nhiệm thu thập tất cả thông tin về NNT, đặc biệt chú trọng đến ngành nghề, tình hình sản xuất, kinh doanh của NNT. Các dữ liệu trên được thu thập bằng cách khai thác trên ứng dụng quản lý thuế tập trung TMS hoặc làm việc trực tiếp với NNT, hoặc qua bên thứ ba bằng cách yêu cầu cung cấp thông tin. Thông qua việc phân tích báo cáo tài chính của DN để đánh giá khả năng thu nợ của DN và chủ động yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin cần thiết để áp dụng cưỡng chế nợ thuế. Cán bộ quản lý DN đã phân tích, đánh giá dòng tiền lưu chuyển của DN, báo cáo kết quả kinh doanh, số dư trên tài khoản tiền mặt (tài khoản 111), tài khoản tiền gửi ngân hàng (112), tài khoản phải thu của khách hàng (tài khoản 131), tài khoản tài sản cố định (211).
Thiết kế hệ thống tiêu thức đánh giá rủi ro phục vụ công tác thu nợ và cưỡng chế nợ thuế dựa trên mức độ áp dụng cho từng kỳ. Đối với DN lập bảng theo dõi, so sánh kê khai - thu nộp giữa các kỳ của người nộp thuế. Đối với cá nhân kinh doanh cán bộ theo dõi theo sổ bộ thuế. Tất cả các nội dung trên được tập hợp thành cơ sở dữ liệu về NNT nhằm giúp cho việc phân tích, đánh giá rủi ro về công tác thu nợ và cưỡng chế thuế một cách chính xác và khoa học.
Ngoài việc phân loại theo các tiêu thức thông thường như ngành nghề, địa bàn, loại hình, mỗi cán bộ quản lý còn được yêu cầu phân loại người nộp thuế theo khả năng thu nợ. Khả năng thu nợ được đánh giá trên 3 mức cơ bản đó là: Tốt, trung bình, kém, theo đó, đánh giá được ý thức chấp hành của NNT để có các hình thức đôn đốc thu nộp phù hợp.
Đánh giá rủi ro
Trong quản lý nợ thuế có những khoản nợ thuế có thể là sai hay nói cách khác là nợ ảo. Để hạn chế số nợ thuế tăng cao sau mỗi kỳ khóa sổ, bộ phận quản lý nợ đã thực hiện rà soát toàn bộ số nợ Chi cục quản lý trước khi khóa sổ. Thời điểm khóa sổ thông thường là ngày 10 đến ngày 15 của tháng tiếp theo, vì vậy trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến ngày 8 của tháng tiếp theo bộ phận quản lý nợ kết xuất mẫu sổ theo theo dõi thu nộp Mẫu S1/KTT trên hệ thống TMS.
Theo tiểu mục thì khoản nợ thuế thường xảy ra sai sót là ở các tiểu mục 1401, 3605, phí, còn theo đối tượng nợ thuế thì nợ thuế thường ở lĩnh vực cá nhân kinh doanh.
Nợ thuế của DN thường ít xảy ra sai sót, trường hợp ngoại lệ xảy ra nợ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường bị sai khi DN đã nộp tờ khai hàng tháng nhưng cuối năm nộp tờ khai quyết toán sai số thuế đã kê khai làm cho số nợ thuế tăng đột biến.
Trước ngày khóa sổ tháng 5 năm 2018, khi rà soát sổ thuế, bộ phận quản lý nợ Chi cục Thuế huyện Đức Thọ đã phát hiện có sự tăng bất thường ở khoản nợ thuế tiền thuê đất tiểu mục 3605 số tiền là 1.387.078.032 đồng. Xác định có rủi ro trong số nợ thuế, bộ phận quản lý nợ làm việc với cán bộ quản lý và bộ phận kê khai để xác định là nợ đúng hay nợ ảo, tìm hiểu nguyên nhân và điều chỉnh kịp thời trước ngày khóa sổ. Sau khi làm việc đã xác định được đây là khoản thuế được thanh toán bằng hình thức ghi thu-ghi chi. Do cán bộ tại bộ phận kế toán thuế điều chỉnh sai dẫn đến nợ thuế, khi phát hiện ra sai sót thì tiến hành lập biên bản và điều chỉnh nợ sai.
Cũng với phương pháp này, ngoài việc hạn chế nợ thuế phát sinh thì còn có ý nghĩa trong việc giám sát kê khai, chống gian lận thuế. Khi rà soát mẫu sổ S1/KTT phát hiện ra các khoản nộp thừa lớn của DN. Trong kết xuất sổ thuế theo dõi thu nộp ngày 05/3/2018 của DN Toàn Tâm nhận thấy có số thuế nộp thừa lớn: 63.840.000 đồng nhưng lại không phát sinh số thuế phải nộp. Bộ phận quản lý nợ báo cáo với lãnh đạo phụ trách mời DN lên làm việc để xác định nguyên nhân. Sau khi làm việc đã xác định được đây là khoản tiền thuế trích 2% của kho bạc khi thanh toán các công trình có sử dụng vốn từ NSNN. Đội kiểm tra lập biên bản và yêu cầu DN kê khai doanh thu.
Như vậy, nhờ đánh giá rủi ro, bộ phận quản lý nợ đã hạn chế được số nợ thuế tối thiểu khi khóa sổ và số nợ ngày càng chính xác hơn.
Xử lý rủi ro
Qua quá trình thu thập thông tin, lập bảng theo dõi, so sánh kê khai - thu nộp giữa các kỳ cho thấy, rủi ro trong quản lý nợ thuế ở lĩnh vực ngành xây dựng là cao nhất, ngành thương mại là thấp nhất. Vì vậy, bộ phận quản lý nợ đã tập trung vào các DN xây dựng có số thuế phát sinh lớn và thường để xẩy ra tình trạng nợ thuế. Đối với các trường hợp chây ỳ nợ thuế, rủi ro cao thì sẽ kiên quyết cưỡng chế theo trình tự, từ đó góp phần tuyên tuyền, giáo dục những DN nợ thuế khác chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế.
Cuối mỗi quý, Bộ phận quản lý nợ, phối hợp với cán bộ quản lý tiến hành mời DN lên cơ quan thuế làm việc về đôn đốc và yêu cầu DN cam kết thời gian nộp thuế. Trong quá trình làm việc sự tuyên truyền, động viên và đề cập tới hậu quả nghiêm trọng của việc nợ thuế, tác động đến ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế. Tháng 4/2018, bộ phận quản lý nợ đã tiến hành mời 20 DN lên làm việc, yêu cầu DN cam kết thời gian nộp thuế. Kết quả đến ngày 15/05/2018 đã có 15 DN thực hiện nộp tiền thuế nợ đúng cam kết, số thuế nợ đọng thu được là 1.215.625.415 đồng. Trong tháng 7/2018, bộ phận quản lý đã mời 16 DN. Đến ngày 01/8/2018 đã có 8 DN thực hiện cam kết nộp thuế với số tiền nợ thuế là 414.153.000 đồng.
Chi cục Thuế huyện Đức Thọ cũng đã đề xuất đưa chỉ tiêu thu ngân sách đánh giá năng lực đấu thầu các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Đối với những đơn vị có số thuế nợ lớn Chi cục Thuế huyện Đức Thọ cũng lưu ý xem xét lại năng lực tài chính và ý thức tuân thủ pháp luật khi đấu thầu các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện.
Đối với nợ thuế hộ cá nhân kinh doanh, bộ phận quản lý nợ đã tham mưu cho lãnh đạo Chi cục ban hành Công văn số 127/CCT-QLN, ngày 30/3/2018 về hướng dẫn thực hiện quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đối với cá nhân kinh doanh. Ngoài ra, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, y tế, văn hóa, quản lý thị trường… để truy thu và xử lý nợ, do vậy công tác quản lý nợ thuế tại Chi cục Thuế Đức Thọ ngày càng được nâng lên.
Rà soát quản lý rủi ro trong quản lý nợ thuế
Rà soát quản lý rủi ro trong quản lý nợ thuế được thực hiện dựa trên các báo cáo. Cuối tháng, bộ phận quản lý nợ thuế, Chi cục Thuế Đức Thọ thực hiện công tác căn cứ vào báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch thu nợ thuế để đánh giá xếp loại cán bộ; đánh giá các rủi ro trong quản lý nợ thuế. Từ đó, có kế hoạch kiểm tra nội bộ về quản lý nợ của cán bộ và kiểm tra các đối tượng có số thuế nợ lớn. Cụ thể như, qua số liệu báo cáo tình hình nợ đọng của hai đội thuế liên xã và số liệu trên hệ thống TMS nhận thấy có sự chênh lệch về số nợ của cá nhân kinh doanh là 215.868.120 đồng.
Căn cứ tình hình thực tế, Chi cục Thuế huyện Đức Thọ đã ban hành Quyết định số 36/QĐ-CCT ngày 09/5/2018 kiểm tra nội bộ tại hai đội thuế liên xã về quy trình quản lý nợ thuế. Qua quá trình kiểm tra đã tìm ra căn nguyên chênh lệch và hạn chế của cán bộ quản lý thuế nợ thuế. Từ đó, yêu cầu cán bộ thực hiện nghiêm túc theo kết luận của cuộc kiểm tra nội bộ.
Ngoài ra, trong quản lý nợ thuế đối với cá nhân kinh doanh, bộ phận quản lý nợ đã tham mưu cho Lãnh đạo Chi cục ban hành Công văn số 109/CCT-QLN ngày 26/3/2018 về báo cáo phân tích nợ thuế để tìm ra nguyên nhân nợ đọng và đánh giá quản lý nợ thuế. Công văn số 191/CCT-QLN ngày 23/04/2018 về rà soát phân loại nợ thuế. Việc rà soát quản lý rủi ro đảm bảo phản ánh đúng bản chất các khoản tiền thuế nợ, phân loại nợ thuế đúng quy định.
Kết quả thực hiện
Từ cơ sở thực tế công tác quản lý nợ thuế tại Chi cục Thuế Đức Thọ, tác giả rút ra những kết luận về công tác này như sau:
Thứ nhất, việc thiết kế hệ thống tiêu thức đánh giá rủi ro đã giúp cho công tác quản lý nợ thuế ổn định, hiệu quả và mang tính chiều sâu. Công tác phân loại đối tượng quản lý, xây dựng các phương pháp quản lý cũng đã phù hợp hơn với từng loại hình, từng đối tượng người nộp thuế.
Thứ hai, qua đánh giá rủi ro trong quản lý nợ, bộ phận kế toán tiền và kho bạc huyện đã điều chỉnh số tiền nợ thuế sai như sau: Tiền đất ở (tiểu mục 1401) là 1.016 triệu đồng, tiền thuê đất (tiểu mục 3605) số tiền là 1.387 triệu đồng.
Thứ ba, công tác phối hợp thực hiện cưỡng chế nợ thuế giữa bộ phận quản lý nợ thuế với các ngân hàng và DN trên địa bàn huyện Đức Thọ ngày càng chặt chẽ và nhịp nhàng. Số nợ thuế thu qua hình thức cưỡng chế trong 6 tháng đầu năm 2018 là 1.191 triệu đồng.
Tác giả: ThS. TRẦN NỮ HỒNG DUNG
Nguồn tin: tapchitaichinh.vn