Trong văn bản gửi Bộ Công Thương, PVN cho biết đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình hoàn thành phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, vốn góp Nhà nước tại dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn.
"Các bên góp vốn đang hối thúc PVN hoàn thành trong tháng 7 để làm cơ sở đóng nốt phần vốn góp theo tỷ lệ, khi đó các bên cho vay mới giải ngân phần vốn vay theo cam kết. Nếu không, dự án có thể rơi vào tình trạng 'default' (vỡ nợ - PV)", PVN nêu.
Dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn. |
Dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn được phê duyệt ngày 5/4/2008 với công suất thiết kế 8,4 triệu tấn dầu thô mỗi năm với tổng mức đầu tư 6,15 tỷ USD.
Năm 2013, dự án này được Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn cấp giấy chứng nhận đầu tư sửa đổi lần 4, thay đổi tổng mức đầu tư dự án lên 9 tỷ USD, vốn điều lệ 2,4 tỷ USD trên cơ sở tổng chi phí được xác định là 9,2 tỷ USD. Nội dung hồ sơ vay vốn quy định cam kết về nguồn vốn góp từ chủ sở hữu là 4,2 tỷ USD và khoản vay tài trợ không quá 5 tỷ USD. Nội dung hồ sơ vay vốn này đã được Hội đồng thành viên PVN thông qua tại Nghị quyết tháng 2/2014.
Tuy nhiên, theo quyết định đầu tư cuối cùng của dự án, các chi phí vốn vay được xác định chính xác hơn, giá hợp đồng EPC cũng được cập nhật lại theo tỷ giá mới, giảm từ 5,25 tỷ USD còn 5,1 tỷ USD. Do liên doanh lọc hoá dầu Nghi Sơn đã cam kết khoản vay và vốn góp với các ngân hàng nên phần giảm từ hợp đồng EPC được đưa vào chi phí dự phòng của dự án. Tổng chi phí dự án vẫn giữ là 9,2 tỷ USD.
PVN cho biết, các vướng mắc hiện nay liên quan đến điều chỉnh tổng mức đầu tư, vốn góp nhà nước tại dự án. Trước tiên, do là doanh nghiệp 100% nhà nước, PVN cần phải áp dụng các quy định hiện hành về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Trong khi đó, công ty liên doanh Lọc hoá dầu Nghi Sơn không cần phải lập dự án đầu tư điều chỉnh do có vốn góp nước ngoài dưới 30%, chỉ cần có báo cáo giải trình việc tăng tổng mức đầu tư vốn. PVN đã yêu cầu liên doanh này thực hiện lập tổng mức đầu tư điều chỉnh, thẩm tra, thẩm định… theo quy định song quá trình thẩm định nội bộ cũng phát sinh vướng mắc do "có sự khác biệt về rất nhiều điều khoản giữa luật cũ và hiện hành".
Khó khăn thứ hai PVN vướng phải là việc giải ngân phần vốn góp còn lại tại dự án lọc dầu hơn 9 tỷ USD này. Theo quy định cam kết ký với các ngân hàng cho vay và bảo lãnh Chính phủ cho dự án, PVN sẽ phải góp vốn đầu tư đến 9,2 tỷ USD, vốn góp từ cổ đông là 4,2 tỷ. Tuy nhiên, hiện việc điều chỉnh tổng mức đầu tư chưa được thực hiện do vướng mắc pháp lý, khiến tập đoàn chưa đóng nốt phần vốn góp còn lại tại dự án.
Vì vậy, PVN khẩn thiết đề nghị Bộ Công Thương sớm hướng dẫn hướng giải quyết.
Liên quan tới vướng mắc này, tại cuộc họp giao ban trực tuyến tổng kết 6 tháng đầu năm 2018, Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, đây là vấn đề lớn, phức tạp nên Bộ sẽ tập hợp đầy đủ góp ý từ các bộ, ngành và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Ông cũng yêu cầu Cục Điện và Năng lượng tái tạo hoàn thành sớm nhất các báo cáo này, trình lãnh đạo Bộ.
Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Công suất này gần gấp đôi Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).
Dự án này do liên doanh 4 nhà đầu tư trong nước và quốc tế gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản).
Dự án này được hưởng hàng loạt ưu đãi, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm; được cấp bù (từ tiền của PVN) giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (chỉ phải nộp thuế suất bình quân 10% trong 70 năm sau đó).
PVN là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7%...
Đầu tháng 5, nhà máy lọc dầu 9 tỷ USD đã cho ra đời dòng xăng dầu thương mại đầu tiên, xuất xưởng hơn 5.000 m3 xăng RON92 và dự kiến vận hành thương mại chính thức vào tháng 8 hoặc 9. Lo ngại sản phẩm của Nghi Sơn ra sẽ "ế", tại cuộc họp giao ban trực tuyến 6 tháng giữa Chính phủ và địa phương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đề xuất các bộ, ngành cần có chính sách hạn chế nhập khẩu xăng dầu để ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhà máy này.
Tác giả: Kỳ Duyên
Nguồn tin: Báo VnExpress