Tiết học của học sinh Trường Tiểu học Võ Trường Toản (Quận 10, TPHCM) (ảnh phải). Ảnh: M.A |
Đây được cho là quyết định tích cực, nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ vì cho rằng sẽ đảm bảo tính minh bạch trong nhà trường, củng cố niềm tin với phụ huynh.
Nói không với quỹ trường, lớp
Mới đây, dư luận bày tỏ sự ủng hộ, hoan nghênh trước thông tin một trường tiểu học tại TPHCM không thu quỹ lớp, trường hay các đóng góp tập thể khác. Cụ thể, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm Trường Tiểu học Võ Trường Toản (Quận 10, TPHCM), giáo viên chủ nhiệm các lớp thông báo đến ban đại diện cha mẹ học sinh không được đưa ra bất kỳ khoản thu quỹ lớp, quỹ trường nào.
Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, đi họp đầu năm, thầy cô giáo chủ nhiệm hay ban đại diện cha mẹ học sinh lớp không thông báo gì liên quan đến các khoản thu khiến nhiều người bớt áp lực.
Chia sẻ về vấn đề này, cô Đỗ Thị Mỹ Hòa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản cho biết, trong cuộc họp đầu năm học 2024 - 2025, nhà trường quán triệt với giáo viên chủ nhiệm nếu để xảy ra việc thu quỹ lớp, quỹ trường thì giáo viên phải chịu trách nhiệm. “Những năm học trước, nhà trường không thu quỹ trường nhưng có quỹ khen thưởng học sinh. Với quỹ lớp, ban đại diện cha mẹ học sinh tự quyết với phương châm thu tự nguyện, không cào bằng”, cô Hòa cho hay.
Cũng theo cô Hòa, trường hợp phụ huynh lớp muốn khen thưởng thêm cho học sinh tại lớp, nhà trường sẵn sàng nhận vận động, tài trợ của phụ huynh theo tinh thần của Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT về tài trợ, vận động ở các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục công lập. Tuy nhiên chỉ một vài người có điều kiện kinh tế trong trường đứng ra làm, chứ không phải toàn bộ phụ huynh lớp cùng đóng góp.
Tại tỉnh Bình Dương, nhiều trường học không thu quỹ phụ huynh như: Trường Tiểu học An Phú, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Thuận An), Trường THCS Vĩnh Hoà (huyện Phú Giáo)...
Trong đó, Trường Tiểu học Hoà Phú (TP Thủ Dầu Một) không thu bất kỳ khoản phí nào đầu năm học ngoài đóng phí vệ sinh 99.000 đồng/năm. Ngôi trường nằm gần nhiều khu công nghiệp như VSIP 2, Đồng An, học sinh chủ yếu là con em của công nhân, người lao động. Việc không thu quỹ phụ huynh học sinh khiến nhiều phụ huynh giảm gánh nặng khi có con theo học tại trường.
Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Công, với sự hỗ trợ của ngành Giáo dục 90.000.000 đồng/năm, nhà trường để sửa chữa điện, quạt. Các hoạt động tốn nhiều kinh phí hơn như lát gạch, sơn tường, ngành Giáo dục và chính quyền địa phương sẽ chi trả.
“Trường không thu quỹ phụ huynh và thu bất kỳ phí gì của phụ huynh đầu năm học. Ngoài khoản thu 99.000 đồng/năm tiền vệ sinh, nhà trường vận động phụ huynh đóng bảo hiểm y tế cho học sinh để các em được đảm bảo quyền lợi khi ốm đau”, thầy Công chia sẻ.
Anh Hồ Văn Minh - phụ huynh Trường Tiểu học Hoà Phú (Thủ Dầu Một, Bình Dương) trong giờ đón con. Ảnh: Yến Nhi |
Nhiều ý kiến đồng tình
Thầy Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TPHCM) hoàn toàn ủng hộ việc trường học không thu quỹ lớp. Bởi khi không có quỹ lớp, giáo viên và hội phụ huynh sẽ giảm gánh nặng quản lý các khoản chi phí, cùng đó, phụ huynh cho con đi học cũng thấy thoải mái. Bởi, việc quản lý thêm quỹ lớp gây mất thời gian cho giáo viên lẫn phụ huynh, đồng thời có thể tạo ra những mâu thuẫn không đáng có liên quan đến thu chi.
“Hiện nhà trường được phép thu các khoản như học phí, tiền bán trú, và thu hộ tiền bảo hiểm y tế,... Ngoài các khoản trên, phụ huynh không phải đóng góp thêm sẽ cảm thấy yên tâm hơn về sự minh bạch trong quản lý tài chính của nhà trường”, thầy Điệp nêu quan điểm.
Tương tự, theo một hiệu trưởng tại TPHCM chia sẻ, không thu quỹ lớp, quỹ trường không chỉ giúp giảm áp lực tài chính lên phụ huynh, mà còn ngăn chặn tình trạng lạm thu. Điều này giúp các khoản đóng góp được sử dụng đúng mục đích và đảm bảo công bằng giữa các học sinh. Bên cạnh đó, mô hình này còn góp phần củng cố niềm tin giữa phụ huynh và nhà trường.
“Quyết định này giúp thay đổi cách nhìn của phụ huynh về trách nhiệm chung trong việc hỗ trợ hoạt động giáo dục. Tất nhiên, việc không thu quỹ lớp không có nghĩa nhà trường thiếu đi nguồn lực để tổ chức các hoạt động, mà ngược lại, sẽ khuyến khích sự tham gia tích cực hơn từ phía phụ huynh trong các hoạt động tập thể theo hướng tự nguyện và công khai”, vị hiệu trưởng này cho hay.
Ở góc độ phụ huynh, anh Hồ Văn Minh (Bạc Liêu) có con theo học lớp 4 tại Trường Tiểu học Hoà Phú (Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, trong buổi họp đầu năm đã thống nhất giữa phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm không thu quỹ lớp đầu năm học.
“Thông tin này không chỉ với tôi mà nhiều gia đình giảm bớt gánh nặng đầu năm học mới. Ban giám hiệu nhà trường cũng không cho phép giáo viên chủ nhiệm thu bất kỳ khoản gì của học sinh ngoài tiền vệ sinh 99.000 đồng/năm. Khoản tiền này được phát động trước đó rất lâu. Tính ra mỗi học sinh chỉ mất 11.000 đồng/tháng để thuê người làm vệ sinh. Chia cho 28 ngày đi học, tôi thấy chỉ bỏ khoảng 500 đồng/ngày nhưng học sinh khi đi học được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ”, anh Minh nói.
Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM có văn bản chấn chỉnh thực hiện thu, chi, vận động tài trợ và sử dụng kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong đó, đơn vị này yêu cầu các phòng GD&ĐT kiểm điểm trách nhiệm hiệu trưởng trường bị dư luận và báo chí phản ảnh thu, chi không đúng quy định, có biện pháp xử lý nghiêm đối với người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm. Ngoài ra, người đứng đầu đơn vị phải giải trình, xác định trách nhiệm sai phạm cụ thể trong quá trình tổ chức thu, chi, đề xuất biện pháp xử lý phù hợp. |
Tác giả: Hồ Phúc
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn