TAND tỉnh Tây Ninh vừa xử phúc thẩm một vụ phụ huynh đánh cô giáo gãy mũi, sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự.
Nghi con bị đánh, hành hung cô giáo
Theo hồ sơ, sáng 25-11-2017, Phạm Thị Quỳnh Đức (SN 1988, ngụ TP Tây Ninh) đang đi làm thì mẹ Đức gọi điện thoại báo con Đức bị cô giáo mầm non đánh nên không dám đi học.
Đức quay về rồi cùng mẹ, dì và con đến trường mầm non đề nghị hiệu trưởng, hiệu phó cho gặp cô giáo H. để hỏi vì sao đánh làm cháu không dám đi học. Lãnh đạo trường mời cô H. đến, yêu cầu xin lỗi phụ huynh, đúng sai sẽ giải quyết sau. Cô H. không đồng ý, nói: “Tôi không rớ tới bé này”.
Tuy nhiên, con Đức vẫn chỉ cô H. là người đánh cháu. Tức giận, Đức đánh trúng mũi cô H. Hai bên xô xát nhưng lãnh đạo trường can ngăn. Sau đó mẹ Đức dùng ly thủy tinh định đánh cô H. thì Đức can. Cô H. bỏ chạy về lớp học, mẹ Đức đuổi theo đánh nhưng Đức cản lại rồi cùng mẹ, dì và con ra về.
Cô H. nằm bệnh viện sau khi xảy ra sự việc. Ảnh: Đ.AN (Báo Tây Ninh) |
Bị phạt sáu tháng tù, buộc bồi thường hơn 8 triệu
Theo kết luận giám định, cô H. bị gãy xương mũi, tỉ lệ thương tật là 12%. Đức bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Tại phiên xử sơ thẩm của TAND TP Tây Ninh hồi tháng 7-2017, Đức thừa nhận hành vi phạm tội, chỉ xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường.
Cô H. thì khai mẹ Đức đánh cô nhiều nhất, còn dì Đức nắm tay cô cho người khác đánh. Hiệu trưởng, hiệu phó trường mầm non không đánh nhưng không cho cô chạy. Về phần dân sự, cô yêu cầu Đức bồi thường hơn 100 triệu đồng, trong đó bồi thường tổn thất tinh thần là 15 tháng lương cơ sở (khoảng 19,5 triệu đồng).
Luật sư (LS) của cô H. nói việc gia đình Đức đánh cô H. là có tính côn đồ, có bàn bạc từ trước và đề nghị thực nghiệm điều tra, xử lý việc mẹ Đức dùng vật cứng đánh cô H. (tình tiết định tội “dùng hung khí nguy hiểm”). Ngoài ra, theo LS, hiệu trưởng và hiệu phó của trường cũng giúp sức cho gia đình Đức đánh cô H. nên đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo HĐXX, theo kết luận giám định và biên bản dấu vết trên thân thể bị hại thì bị hại bị gãy xương mũi, có một vết sẹo dưới cánh mũi trái, phù hợp với lời khai của bị hại tại cơ quan điều tra là bị cáo đánh bị hại một cái vào mũi. Mẹ bị cáo có đánh bị hại nhưng không trúng mũi, do đó thương tích của bị hại là do bị cáo gây ra. LS của bị hại cho rằng mẹ bị cáo dùng vật cứng đánh nhưng không mô tả được vật đó cũng như hành vi của bà này. Việc mẹ bị cáo dùng tay đánh bị hại một cái là hành vi bột phát, nhất thời. Mặt khác, bị hại khai dì bị cáo có nắm tay nhưng không đánh, hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường can ngăn xô xát. Từ đó có căn cứ xác định mẹ, dì bị cáo, hiệu trưởng, hiệu phó không phải chịu trách nhiệm về thương tích của bị hại.
Ngoài ra, theo HĐXX, phía bị cáo đến trường xin ban giám hiệu cho gặp cô chủ nhiệm với mục đích hỏi nguyên nhân con bị đánh không dám đi học là có sự tôn trọng pháp luật, khi đi không mang theo hung khí, do tức giận câu nói “Tôi không rớ tới bé này” của bị hại nên bị cáo có đánh bị hại một cái. Ngay sau đó, bị cáo can ngăn không cho mẹ mình đánh bị hại nên bị cáo không thuộc trường hợp phạm tội có tính chất côn đồ.
Từ đó, HĐXX phạt Đức sáu tháng tù. Về phần dân sự, HĐXX chỉ chấp nhận yêu cầu về chi phí điều trị bệnh, tiền mất thu nhập (bị hại ba ngày, người nuôi bệnh năm ngày), bồi thường tổn thất tinh thần tương đương hai tháng lương cơ sở, tổng cộng hơn 8 triệu đồng.
Kháng cáo kêu oan nhưng bỏ trốn
Sau đó, Đức kháng cáo kêu oan, còn cô H. kháng cáo yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với Đức và tăng mức bồi thường.
Khi TAND tỉnh Tây Ninh lần đầu mở phiên xử phúc thẩm, Đức (được tại ngoại) đã bỏ đi khỏi nơi cư trú. Cơ quan công an ra quyết định truy nã Đức nhưng mới đây, khi TAND tỉnh Tây Ninh mở lại phiên tòa phúc thẩm thì vẫn chưa bắt được.
Tại phiên tòa, HĐXX nhận định tuy hiện nay chưa bắt được Đức nhưng việc Đức kêu oan là không có cơ sở. Các nhận định và mức án tòa sơ thẩm tuyên đối với bị cáo đã phù hợp.
Tuy nhiên, theo HĐXX, về phần dân sự, cấp sơ thẩm chỉ buộc Đức bồi thường thu nhập bị mất trong ba ngày cô H. điều trị tại bệnh viện là không đảm bảo quyền lợi cho bị hại, cần bồi thường thu nhập bị mất trong những ngày điều trị và cả những ngày ở nhà dưỡng bệnh là một tháng. Đồng thời chi phí đi lại, tiền ăn uống của người nhà chăm bệnh là chi phí thực tế, có cơ sở chấp nhận.
Ngoài ra, HĐXX cho rằng việc cô H. yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần tương đương 15 tháng lương cơ sở là phù hợp vì cô bị đánh trong môi trường sư phạm, ngay trong trường, trước mặt nhiều thầy cô đồng nghiệp, giáo viên thực tập, phụ huynh…
Từ đó, HĐXX đã sửa án sơ thẩm về phần dân sự, tuyên buộc Đức phải bồi thường cho cô H. tổng cộng hơn 29 triệu đồng.
Khi nào tòa phúc thẩm xử vắng mặt bị cáo?
Vụ án này áp dụng BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và BLTTHS 2003. Theo Mục 3 Nghị quyết 05/2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần xét xử phúc thẩm của BLTTHS 2003), nếu bị cáo có kháng cáo vắng mặt không có lý do chính đáng thì tòa phúc thẩm chỉ có thể xử vắng mặt họ trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 187 BLTTHS 2003.
Theo khoản 2 Điều 187 BLTTHS 2003, tòa chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong những trường hợp: Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả. Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa. Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ.
BLTTHS 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) cũng có những quy định tương tự tại Điều 290 và Điều 351.
Tác giả: YẾN CHÂU
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM