Chiều 28/12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi đối thoại giữa Thường trực Chính phủ với đại biểu Đại hội toàn quốc Hội SVVN lần thứ IX.
Hơn 1 giờ đồng hồ vẫn chưa đủ để các SV cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trình bày, trao đổi những vấn đề cùng quan tâm, lo lắng.
Ông Đam nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến tình hình kinh tế, chủ quyền của đất nước, tình trạng thất nghiệp, sử dụng người tài…
Cần cổ vũ ý tưởng mới
Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch hội SVVN tại Đức hỏi về ngành nào sẽ là đột phá cho nền kinh tế phát triển theo kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi đối thoại chiều 28/12. (Ảnh: Văn Chung) |
Theo ông Vũ Đức Đam, từng ngành của đất nước đều có chiến lược phát triển nhưng cần tập trung vào những ngành giúp Việt Nam có thể vượt nhanh lên được, không phải tuần tự giúp khai thác trí lực của người Việt. Trong đó, CNTT là một trong những ngành cần tập trung tạo đột phá.
Tuy nhiên: “Bất kể ngành nghề nào cái quan trọng nhất là sự sáng tạo. Có người nói với bác thế này không biết có đúng không? Ở các nước phương Tây, người ta cổ vũ tất cả ý tưởng mới, chỉ cần ý tưởng mới thì đều được cổ vũ. Các cháu nhớ trước đây vào những năm 90 có người giao bán đất trên mặt trăng. Nghe có vẻ rất điên rồ, nhưng quả thực có người thu tiền được…”.
Ông Đam nói xã hội cần cổ vũ cho những ý tưởng mới, đừng khắt khe, đặt ra quá nhiều câu hỏi: có lợi, có hại không, có khả thi không?
“Xã hội mà đi đầu là lớp trẻ phải đi đầu, khơi dậy cái mới, cùng kêu gọi xã hội cổ vũ cho cái mới. Tất cả mọi sự đổi mới đều xuất phát từ thiểu số. Cần sự cổ vũ để nuôi dưỡng nó. Hãy hoài bão, hãy sáng tạo và cổ vũ cho sáng tạo”.
Hiểu đúng vấn đề, hành xử mới đúng
Bạn Bạch Kim, SV Trường ĐH Nha Trang, Khánh Hòa hỏi SV có thể và cần phải làm gì để bảo vệ, phát triển biển đảo Việt Nam.
Khẳng định thanh niên “không những nên làm mà phải làm”, Phó Thủ tướng nói thêm, phải làm sao cho mình giàu mạnh lên mới bảo vệ tốt được.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lắng nghe và trực tiếp đối thoại với SV trên sân khấu chiều 28/12. (Ảnh: Văn Chung). |
Tiếp đó, ông gây bất ngờ đặt ngược lại câu hỏi với SV “đã tìm hiểu nhiều về việc này chưa? Có biết về Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 không? Có biết tuyên bố về ứng xử trên biển Đông DOC, COC là như thế nào không?”
Trước những cánh tay ít ỏi của các bạn SV, Phó Thủ tướng đưa lời khuyên: “SV trước hết phải học giỏi. Sau đó, muốn làm gì phải hiểu biết về nó. Phải hiểu khái niệm thế nào là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, luật pháp quốc tế về biển đảo, các vấn đề tranh chấp…
Phải hiểu đúng vấn đề, sau mới vận dụng, hành xử cho đúng.
Cần nghĩ xa hơn
Không khí buổi đối thoại trở nên gần gũi hơn khi Phó Thủ tướng không chỉ hỏi mà chủ động mời SV lên sân khấu cùng trao đổi vấn đề.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bắt tay SV Cao Thị Thùy. (Ảnh: Văn Chung) |
Với nụ cười tươi, Phó Thủ tướng hỏi lại SV Cao Thị Thùy, Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Thái Nguyên liên quan đến câu hỏi của bạn sự chuẩn bị của Chính phủ cho SV, thanh niên về một cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015.
“Cháu đã sẵn sàng cho cộng đồng ASEAN năm 2015 chưa? Cháu có thể lên đây chia sẻ với các bạn ở đây là cháu đã chuẩn bị sẵn sàng như thế nào cho sự kiện hình thành cộng đồng chung ASEAN” – “MC Đam” dẫn dắt.
Đáp lời, Cao Thị Thùy cho biết sự sẵn sàng của bạn thể thiện trong học tập, suốt cả quá trình, tích cực tham gia phong trào đoàn, hội của trường, để đạt thành tích tốt nhất, góp phần vào sự phát triển của đất nước.
“Cháu có tìm hiểu về cộng đồng ASEAN chưa?” – Phó Thủ tướng hỏi. “Cháu cũng chưa hiểu rõ lắm và rất mong Phó Thủ tướng giải đáp giúp cháu” – Thùy đáp lại.
Tới đây, ông Vũ Đức Đam chậm rãi giải đáp những khác biệt giữa cộng đồng ASEAN với cộng đồng chung châu Âu và nhắn nhủ: “Chúng ta sẵn sàng cho ASEAN nhưng cần nghĩ xa hơn, chúng ta sẵn sàng cho hội nhập thế giới, là công dân toàn cầu”.
Đừng quá khắt khe chuyện đi, ở
Cao Xuân Dũng, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội hỏi “Đảng và Nhà nước mình đã và đang có biện pháp gì khuyến khích các bạn SV trở về xây dựng quê hương, đất nước?”
Theo Phó Thủ tướng, Nhà nước đã/đang có rất nhiều chính sách để trí thức nói chung và SV ra trường nói riêng về các vùng quê, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, điều đầu tiên là mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ, phải có một quyết tâm, một hoài bão của mình.
“Chúng ta đừng khắt khe trong việc ra ngoài học bắt buộc phải trở về quê hương làm việc. Ở nước ngoài mà có điều kiện trau dồi kiến thức, học tập tốt hơn, làm kinh tế có thu nhập tốt hơn gửi về cho đất nước thì chúng ta cũng không coi việc đấy là không tốt. Xây dựng và bảo vệ đất nước có rất nhiều biện pháp”.
Chia sẻ với trăn trở của bạn Tạ Minh Trí, hội SV VN tại Pháp rằng “Việt kiều nhiều bạn muốn về VN sinh sống, làm việc và cống hiến nhưng lý lịch chính trị không tốt nên lo lắng không biết làm như thế nào?”, Phó Thủ tướng khẳng định VN không có sự phân biệt đó. Xuất xứ, dân tộc, tôn giáo hay chuyện gia đình có bố mẹ vi phạm pháp luật cũng không thể ngăn cản cơ hội bạn cống hiến cho đất nước.
- Văn Chung