Thể thao

Phó Thủ tướng ‘bắt bệnh’ VFF

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi họp đánh giá tổ chức VFF sau gần một nhiệm kỳ đã chỉ rõ những khó khăn và trở ngại kìm hãm sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Vì sao giới hâm mộ gần đây không còn mặn mà với bóng đá trong nước là câu hỏi đi trúng vào trọng tâm ở buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT và VFF.

Cần có một hội nghị Diên Hồng cho bóng đá

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh VFF cần phải tổ chức một hội nghị mở rộng với nhiều thành phần tham gia để lắng nghe những ý kiến, phản biện đúng đắn với nền bóng đá Việt Nam. Ông “bắt bệnh” VFF bằng một vài câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng chứa đựng đầy đủ thông tin về trở ngại phát triển của bóng đá. Chẳng hạn, khán giả không chịu bỏ tiền mua vé đến sân xem bóng đá do sân bãi xấu, trình độ cầu thủ chưa cao hay cuộc chơi chưa thực sự lành mạnh?

Những câu hỏi không hóc búa và rất dễ trả lời thế mà gần hết nhiệm kỳ VII, các thành viên của VFF vẫn còn “nợ” nhiều giải pháp thực thi. Sân bãi xấu thì đã rõ, như mới đây HLV Nguyễn Đức Thắng tiết lộ chi phí làm mặt sân Hàng Đẫy chỉ vào khoảng 60.000 USD, cầu thủ đá rất sướng, thế mà không ai chịu làm. Trong khi đó, trước mỗi mùa giải VFF và các nhà tổ chức đều xuống các địa phương khảo sát điều kiện tổ chức tiêu chuẩn đều dễ dàng cho qua. Chỉ đến khi AFC không cho đá giải của họ như ở sân Quảng Ninh, Hàng Đẫy mới biết chẳng có sân nào đúng chuẩn cả.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất đam mê bóng đá và từng thi đấu những trận cầu với các cựu tuyển thủ Việt Nam như Công Minh. Ảnh: ZING.VN

Trình độ cầu thủ chưa cao càng dễ nhìn ra hơn, qua các cuộc chơi ở Đông Nam Á gần 10 năm qua không chỉ thua Thái Lan, giờ thua cả Indonesia, Malaysia, Myanmar từ những trận quyết định tại SEA Games và AFF Cup.

Giải trong nước chưa thực sự lành mạnh như nhắc nhở của Phó Thủ tướng là chính xác, khi lòng tin của người yêu bóng đá xuống thấp hơn, sau vụ các cầu thủ Ninh Bình, Đồng Nai bán độ hay V-League có ông chủ ôm nhiều đội bóng hoặc các CLB nhìn nhau mà đá.

Những tồn tại của bóng đá Việt Nam đều không mới và ngày càng biến tướng ai cũng thấy nhưng tiếc là VFF không chịu nhìn đúng bệnh để bốc thuốc chữa. Hai năm trước, Tổng cục TDTT đã từng đề nghị VFF cần có một hội nghị Diên Hồng cho bóng đá nhằm chấn chỉnh tổ chức trùng khớp với yêu cầu mới của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để tìm ra giải pháp tốt nhất cho bóng đá Việt Nam.

Dang dở nhiều mục tiêu chiến lược

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại cách đây bốn năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020. Tuy nhiên, hầu hết mục tiêu dưới thời VFF nhiệm kỳ VII đều chưa hoặc không thể hoàn thành như đề xuất.

Theo đó, chỉ còn ba năm nữa mục tiêu của đội tuyển quốc gia nam và U-23 đoạt chức vô địch Đông Nam Á (AFF Cup hoặc SEA Games) 1-2 lần cực khó thành hiện thực. Bên cạnh đó, bóng đá nam đứng trong nhóm 15 quốc gia có nền bóng đá hàng đầu châu Á và bóng đá nữ đứng trong nhóm sáu quốc gia mạnh khu vực châu Á là bất khả thi.

VFF còn áp dụng hệ thống thi đấu quốc gia không giống ai. Ngoài giải cúp không mấy đội chịu đá đúng sức khiến khán giả quay lưng, các giải vô địch khác cho thấy sự bất hợp lý kéo dài như các chuyên gia gọi là “mô hình siêu mẫu”. Nghĩa là thay vì xây dựng giải đấu theo hình tháp thì hiện tại V-League như vòng 1 nở ra rất to với 14 đội, hạng nhất là vòng 2 chỉ có sáu đội và vòng 3 là giải hạng nhì có 16 đội.

Các giải trẻ quốc gia cũng chưa hoàn thiện vì rất nhiều địa phương hoặc chỉ mượn quân tham dự cho đủ số lượng, hoặc chấp nhận bỏ giải, chịu nộp phạt hơn là chăm chút đầu tư bài bản cho các lứa trẻ. Những mục tiêu khác như số lượng CLB phong trào đạt tối thiểu 7.500, cầu thủ từ U-11 đến U-18 đào tạo tập trung đạt từ trên 4.000, hay có ít nhất 10 trọng tài chính, 20 trợ lý trọng tài đạt tiêu chuẩn trọng tài FIFA đều không hoặc khó hoàn thành chỉ trong ba năm nữa.

Theo Phó Thủ tướng, VFF cần phải chỉ rõ nguyên nhân và nghiêm túc nhận trách nhiệm lẫn đề ra giải pháp cụ thể cho từng mục tiêu trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020.

Cơ cấu hoạt động của VFF có đúng luật?

Một vấn đề khác Phó Thủ tướng rất quan tâm là cơ cấu hoạt động của VFF có tuân thủ pháp luật về tổ chức xã hội nghề nghiệp và quy định của FIFA? Cần biết nửa nhiệm kỳ sau, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng bị bệnh nên gần như giao trọn quyền hành cho cấp phó cùng một quyết định phong cho ông Trần Quốc Tuấn phụ trách chuyên môn kiêm phó chủ tịch thường trực là trái với điều lệ. Ngoài ra, VFF cũng có những quy định khác thường như việc cấm phó chủ tịch phụ trách đối ngoại và truyền thông phát ngôn hoặc một phó chủ tịch khác lại có đội bóng chơi trong hệ thống giải của mình.

Tác giả: ANH NHẬT - NHƯ QUỲNH

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

  Từ khóa: VFF , phó thủ tướng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP