Theo tin tức trên báo Tuổi trẻ, ngày 18/10, bác sĩ Lê Hoàng Minh – giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết – các bác sĩ khoa ngoại I của bệnh viện đã phẫu thuật cắt khối bướu khổng lồ (nặng 40kg) thành công cho bệnh nhân P.T.T.M. (49 tuổi, Long An).
Đây là trường hợp bệnh nhân có khối u buồng trứng lớn nhất từ trước tới nay mà bệnh viện tiếp nhận điều trị. Sau gần một tuần phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân cơ bản ổn định và sẽ tiếp tục điều trị tại bệnh viện. Toàn bộ chi phí phẫu thuật cho chị M. được Bệnh viện Ung bướu TP hỗ trợ.
Theo bác sĩ Hoàng Minh, để thực hiện ca mổ này, các bác sĩ của nhiều chuyên khoa: hô hấp, tim mạch, huyết học, gây mê hồi sức, ngoại II và ngoại I, nhiều lần hội chẩn để lên phương án mổ tốt nhất cũng như đánh giá các tình huống xấu nhất (nguy cơ rối loạn huyết động học rất cao khi lấy ra khỏi cơ thể khối u lớn) có thể xảy ra cho bệnh nhân.
Trao đổi với báo VnExpress, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Quyền trưởng khoa Ngoại I, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết bệnh nhân nhập viện với tổng trạng gầy, cân nặng 90 kg, thùy trái tuyến giáp to toàn bộ độ 3. Để có thể phẫu thuật, các bác sĩ phải mổ ổ bụng bằng đường giữa trên rốn, hút bớt dịch trong bướu ra khoảng 18 lít.Sau khi thám sát thấy sang thương là bướu buồng trứng phải khổng lồ dính nhiều vào thành bụng trước, các bác sĩ hút dịch trong bướu ra thêm khoảng 17 lít nữa.
Tiếp tục kiểm tra vùng bụng chậu thấy dịch ổ bụng khoảng 6,2 lít, ê kíp mổ bắt đầu cắt tử cung, phần phụ, mạc nối lớn. Khối lượng vỏ và phần mô đặc trong bướu nặng 2 kg. Chẩn đoán sau mổ, bệnh nhân bị ung thư buồng trứng, dự kiến sẽ hóa trị.
Trải qua nhiều giờ đồng hồ, cuối cùng các bác sĩ đã lấy thành công toàn bộ khối u khổng lồ. Đây là khối u buồng trứng có kích thước lớn nhất mà bệnh viện tiếp nhận. “Bệnh nhân nhập viện có tổng cân nặng gần 90 kg thì khối bướu bao gồm vỏ bướu và dịch nhầy đã 40 kg”, giám đốc bệnh viện nói.
Theo người nhà bệnh nhân, chị M. mang khối bướu gần mười năm nay. Do khối u chèn ép nên chị M. luôn bị khó thở, nòi rất mệt, đau đớn, tay chân bủn rủn, không tự ăn uống, sinh hoạt được. Hai tay chị M. chỉ còn da bọc xương, hai chân bị phù to, cứng ngắc…không đi lại được.
Do gia đình quá khó khăn, chị M. không có tiền đi bệnh viện khám bệnh và phải chịu đựng bệnh tật, đau đớn gần chục năm trời.