Giáo dục

Phát ngôn vô cảm chuyện học sinh gãy chân, hiệu trưởng bị xem xét kỷ luật

Liên quan đến vụ phụ huynh “tố” hiệu trưởng phát ngôn vô cảm trước thông tin học sinh gãy chân tại Trường Mầm non Tam Đồng, lãnh đạo UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) cho hay đang xem xét kỷ luật người đứng đầu nhà trường.

Sự việc xuất phát điểm khi chiều 28/8, cháu Kiều Thị M.A (3 tuổi, học sinh Trường Mầm non Tam Đồng) chơi trong sân trường và bị đu quay gạt vào chân. Gia đình cùng cô giáo chủ nhiệm đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc) kiểm tra. Sau khi chụp Xquang, bác sĩ kết luận cháu gãy 1/3 xương đùi trái do va đập mạnh, cần nẹp và sơ cứu để phẫu thuật trong ngày 29/8.

Sau đó, Anh Kiều Quang Hùng (bố cháu M.A) đã gọi điện cho bà Đỗ Thị Chăm, hiệu trưởng nhà trường thông báo sự việc. Khi nhận điện thoại, cô Chăm hỏi gia đình tại sao không thông báo cho giáo viên chủ nhiệm lớp và cho rằng việc anh Hùng liên lạc với mình là "không sai, không đúng, nhưng hơi thừa".

Anh vô cùng ngạc nhiên trước thái độ vô cảm của cô hiệu trưởng trước câu trả lời này.

"Gia đình tôi không bắt đền các cô giáo và cũng không trách các cô, nhưng thái độ của hiệu trưởng là không chấp nhận được. Cô đã quá vô cảm, thiếu trách nhiệm", anh Hùng nói.

Bà Đỗ Thị Chăm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Đồng (Mê Linh, Hà Nội).

Về việc này, bà Đỗ Thị Chăm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Đồng khẳng định "không vô trách nhiệm hay vô cảm" bởi cả ngày 29/8 bận họp, không nắm được thông tin sự việc. Khi bố cháu bé gọi đến, do điện thoại không biết là ai, chỉ nghe cụm từ "bị ngã" và "gãy chân" nên cô nghĩ gia đình gọi hỏi chuyện về bảo hiểm cho con.

“Lúc ấy tôi bỗng thấy có cuộc gọi đến, không biết là ai, nghe câu được câu chăng nên đã hiểu lầm về chuyện bảo hiểm nên bảo phải báo với cô giáo chủ nhiệm. Vả lại đầu dây bên kia cũng có xúc phạm đến tôi, đe dọa đóng cửa trường, nên tôi nói thế”.

“Sau khi biết hiểu lầm, đến giờ phút này, tôi đã cử giáo viên, ban giám hiệu nhà trường đến thăm cháu. Ngày hôm qua, tôi đã trực tiếp lên bệnh viện thăm hỏi gia đình và xin lỗi vì sự hiểu nhầm”, bà Chăm cho biết.

Cũng theo bà Chăm, khi xảy ra sự việc, do cô giáo đứng lớp cũng đi cùng lên viện chăm cháu nhưng vì sợ nên đã không kịp thời báo cáo lên Ban giám hiệu nhà trường nên chúng tôi không nắm được thông tin.

Sau khi biết sự việc, bà Chăm sau đó gọi hỏi giáo viên chủ nhiệm lớp cháu M.A được biết cháu bị ngã tại trường với câu trả lời: “Cháu chỉ bị trật khớp. Tôi cũng không xác minh lại nên nghĩ phía gia đình làm quá, nâng cao quan điểm", bà Chăm phân trần.

Theo bà Chăm, đó cũng là lý do khiến đến chiều tối 29/8 bà vẫn cung cấp cho báo chí thông tin cháu M.A chỉ bị trật khớp.

“Đó là nguyên nhân dẫn đến sự hiểu lầm”, bà Chăm nói.

Về sự việc này, bà Trần Thị Lan, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD-ĐT huyện Mê Linh cho biết, sau khi nhận thông tin về vụ việc, phòng đã bố trí đoàn công tác làm việc với nhà trường, phụ huynh.

Cũng trong tối 29/8, bà Lan cùng Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh đã đến bệnh viện thăm cháu M.A., đồng thời Phòng đã báo cáo lên UBND huyện về sự việc.

Theo bà Lan, hiện UBND huyện đang giao phòng GD-ĐT tiếp tục xác minh, điều tra và yêu cầu hiệu trưởng nhà trường làm tờ trình về sự việc.

"Sau đó chúng tôi sẽ báo cáo và tham mưu UBND huyện xử lý nghiêm theo quy định nếu như sự việc đúng như báo chí và công luận đưa lên.

Theo như thông tin nắm được ban đầu, với cương vị một hiệu trưởng nhưng có thái độ và tin nhắn như vậy với nhân dân, phụ huynh và con em trên địa bàn mình quản lý là không được phép”, bà Lan nói.

Bà Lan cho hay, ngay từ đầu năm học, phòng GD-ĐT cũng đã tổ chức triển khai các chuyên đề bồi dưỡng về quy tắc ứng xử cũng như thái độ, đạo đức nhà giáo đối với các nhà trường và các thầy cô giáo trên địa bàn. Nếu phát ngôn và thái độ của hiệu trưởng đúng như thế này thì là việc liên quan hệ trọng đến tư tưởng, thái độ của đội ngũ giáo viên, ban giám hiệu của các trường trên địa bàn. Bà Lan cho hay, đơn vị này sẽ tiếp tục tham mưu để UBND huyện xử lý về thái độ của hiệu trưởng Đỗ Thị Chăm.

Theo bà Lan, qua buổi làm việc ban đầu với nhà trường và phụ huynh, Hiệu trưởng Đỗ Thị Chăm vẫn thanh minh cho rằng, do cuộc điện thoại bột phát nên mình nghe không rõ dẫn tới có hiểu nhầm.

“Với vai trò lãnh đạo ngành giáo dục tại địa phương, tôi đặt vị trí của mình nhiều vai, đặt vai hiệu trưởng và cả phụ huynh học sinh. Đến thời điểm này, tôi cảm thấy buồn thật sự”, bà Lan chia sẻ.

“Nếu đúng chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện để xử lý đích đáng. Sau sự việc, Phòng cũng lấy ý kiến nhiều phụ huynh, nếu xác minh được trong thời gian công tác, hiệu trưởng có những thái độ với nhân dân hoặc không có trách nhiệm sẽ bị luân chuyển hoặc có nhiều hình thức khác để kỷ luật”, bà Lan nói.

Bà Lan cho hay, quyết định cuối cùng về hình thức xử lý là UBND huyện nhưng theo đúng tinh thần không bao che sai phạm nếu đúng sự thực.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh, Hà Nội.

Trong buổi trao đổi với báo chí chiều 30/8, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh nói: "Là hiệu trưởng - người đứng đầu một cơ sở giáo dục, cô Chăm có phát ngôn như vậy là không thể chấp nhận được. Điều đó là không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ. Tôi chưa nói đến góc độ vô cảm, nhưng là người trong ngành giáo dục mà còn là hiệu trưởng thì xử sự như vậy là không xứng đáng người giáo viên chứ chưa nói là hiệu trưởng”.

Ông Tuấn cho hay sau khi có kết quả xác minh rõ, nếu có những biểu hiện như vậy thì UBND huyện sẽ đưa ra hình thức kỷ luật căn cứ theo Luật cán bộ, công chức và tuyệt đối không bao che.

Tác giả: Thanh Hùng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP