Hà Tĩnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ, có 12 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, gồm 10 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố; diện tích tự nhiên hơn 6.000 km2; dân số gần 1,3 triệu người. Hà Tĩnh có bờ biển dài 137 km, phía Tây giáp nước bạn Lào với đường biên giới dài 145 km; có QL 1A, đường sắt Bắc – Nam và đường Hồ Chí Minh chạy dọc tỉnh; có QL 8A và QL 12 nối với nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Cửa khẩu Cha Lo. Hà Tĩnh giàu tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế cả 3 vùng: trung du, đồng bằng và ven biển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, nói chuyện với cán bộ và nhân dân xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) |
Hà Tĩnh từng là miền biên ải, “phên dậu” của đất nước trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, là vùng “giang sơn tụ khí”, “đất thiêng sinh người tài”, nổi tiếng với những làn điệu ca trù, sắc bùa và hát ví giặm sâu lắng, ân tình. Đây là cái nôi đã sinh ra và nuôi dưỡng bao lớp người con kiên cường, anh dũng trong chiến đấu chống ngoại xâm; cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất; ham học hỏi, trọng nhân nghĩa, dám nghĩ, dám làm, sống trung thực, thủy chung.
Hà Tĩnh tự hào là quê hương của vua Mai Hắc Đế, là nơi sinh ra 2 vị tướng Đặng Tất, Đặng Dung, quê hương của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, cùng nhiều danh nhân nổi tiếng như Đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ, nhà quân sự và là nhà kinh tế tài ba Nguyễn Công Trứ, nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận… Đặc biệt, vinh dự và tự hào, Hà Tĩnh là quê hương của đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước, mặc dù mồ côi cả cha và mẹ từ lúc còn nhỏ, nhưng với nghị lực phi thường và được sự đùm bọc của người thân, họ hàng, làng xóm, đồng chí Trần Phú đã nỗ lực học tập, đỗ đầu kỳ thi Thành chung và sớm tham gia các tổ chức yêu nước. Sau khi kết nối được với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được học tập tại Trường Đại học Phương Đông, Trần Phú càng thêm tin tưởng vào con đường cách mạng của Lênin mà Nguyễn Ái Quốc đã chọn. Tại Hội nghị BCH T.Ư tháng 10/1930, Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trên cương vị mới, đồng chí đã chủ trì khởi thảo và cùng BCH T.Ư cụ thể hóa Luận cương chính trị 1930, kịp thời đề ra những chủ trương thích hợp, từng bước đưa phong trào cách mạng tiến lên.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cao trào cách mạng và uy tín của Đảng Cộng sản ngày càng được khẳng định, thực dân Pháp đã ráo riết truy lùng người Tổng Bí thư tài năng, trẻ tuổi. Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt, bị kẻ thù tra tấn dã man, nhưng với chí khí cách mạng kiên cường, lòng kiên trung sắt son với Đảng, đồng chí đã bình tĩnh, hiên ngang trước kẻ thù. Do bị tra tấn cực hình, đồng chí Trần Phú lâm bệnh nặng và đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn) vào ngày 6/9/1931, khi mới 27 tuổi.
Tùng Ảnh – quê hương Tổng Bí thư Trần Phú không ngừng đổi mới và phát triển |
Cuộc đời cách mạng của đồng chí Trần Phú tuy ngắn ngủi nhưng chí khí cách mạng của người cộng sản trẻ tuổi và những đóng góp quan trọng của đồng chí vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc mãi mãi được ghi nhận.
Noi gương đồng chí Trần Phú và các thế hệ cách mạng tiền bối, từ ngày có Đảng lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực vươn lên giành thắng lợi to lớn trên mọi lĩnh vực, là địa phương có nhiều phong trào đi đầu trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sức lan tỏa của tư tưởng, chí khí cách mạng của đồng chí Trần Phú, phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Tĩnh đã dấy lên mạnh mẽ. Tháng 3/1930, khi Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh vừa mới thành lập đã cùng với Đảng bộ tỉnh Nghệ An phát động cao trào cách mạng 1930-1931 sôi nổi, rộng khắp, với đỉnh cao là sự ra đời của 170 làng Xô viết trong toàn tỉnh để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, giúp Đảng ta kịp thời đề ra đường lối đấu tranh đúng đắn, giành thắng lợi to lớn trong cao trào cách mạng 1936-1939 và 1939-1945, tiếp tục hoàn thiện đường lối cách mạng theo “Luận cương chính trị” năm 1930.
Phát huy tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh, 15 năm sau, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã cùng đồng bào cả nước nhất tề đứng lên làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 long trời lở đất. Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất của cả nước. Suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược, trước những khó khăn chồng chất, Hà Tĩnh đã tập trung củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; động viên sức người, sức của, phục vụ kịp thời kháng chiến, kiến quốc, góp phần to lớn cùng cả nước đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ ở Đông Dương. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Hà Tĩnh nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, hoàn thành cải cách ruộng đất; khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa; xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội và cùng cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới.
Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã sát cánh cùng đồng bào, chiến sỹ cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện trọn vẹn khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, thỏa lòng mong ước của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Những chiến công hiển hách gắn với các địa danh lịch sử như Ngã ba Đồng Lộc, Sông Phủ – Núi Nài, Khe Giao, Địa Lợi, Linh Cảm, Bến Thủy, Làng K130… mãi mãi là niềm tự hào của quân, dân Hà Tĩnh và cả nước.
Trong sự nghiệp đổi mới, sức mạnh từ truyền thống tốt đẹp của quê hương, chí khí cách mạng của cố Tổng Bí thư Trần Phú và các thế hệ cha anh đang được Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh gìn giữ, bồi đắp, phát huy. Được sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương, sự động viên, hợp tác của các tỉnh, thành bạn, các tổ chức quốc tế, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã đoàn kết thống nhất, nỗ lực vươn lên giành được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao, từ năm 2004 đến nay đạt bình quân trên 12%, riêng năm 2013 đạt 19,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Kết thúc năm 2013, đã hoàn thành cơ bản, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra; thu ngân sách đạt gần 5.500 tỷ đồng, vượt 58% kế hoạch Trung ương giao. Diện mạo tỉnh Hà Tĩnh đang từng ngày, từng giờ đổi thay, từng bước trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển.
Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng là một trong 5 KKT trọng điểm của cả nước, phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực mà chủ lực là luyện cán thép, cảng biển nước sâu, trung tâm nhiệt điện, lọc hóa dầu |
Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng là một trong 5 KKT trọng điểm của cả nước, phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực mà chủ lực là luyện cán thép, cảng biển nước sâu, trung tâm nhiệt điện, lọc hóa dầu, dự kiến đến năm 2015 sẽ tạo việc làm cho trên 75 ngàn lao động. Đến nay, đã có 89 dự án được cấp phép đầu tư, trong đó có 52 dự án đầu tư trong nước, 37 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký trên 16 tỷ USD. KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là một trong 8 KKT cửa khẩu quốc tế được ưu tiên đầu tư, hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt về đầu tư và xuất nhập khẩu.
Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đúng mức; các chính sách được ban hành kịp thời, sát hợp với thực tiễn, khuyến khích ra đời hàng ngàn mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt. Đến nay, có 7 xã đã đạt 19 tiêu chí, trong đó có Tùng Ảnh – quê hương đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú.
Văn hóa – xã hội có nhiều khởi sắc. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới” ngày càng đi vào chiều sâu. Giáo dục – đào tạo nhiều năm liên tục đứng tốp đầu của cả nước. Chất lượng khám chữa bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân chuyển biến tiến bộ. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được chú trọng. Xóa đói, giảm nghèo đạt được kết quả tích cực; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống nhân dân không ngừng cải thiện.
Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được tăng cường; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với Chỉ thị 35, Kết luận 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang; thực hiện nghiêm việc sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), các tổ chức quần chúng tiếp tục được củng cố, kiện toàn; từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh.
Diện mạo tỉnh Hà Tĩnh đang từng ngày, từng giờ đổi thay, từng bước trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển. |
Trong thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra. Trọng tâm là triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch ngành, địa phương phù hợp; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, phát huy lợi thế, nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng tăng trưởng, duy trì phát triển kinh tế nhanh và bền vững; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư.
Tiếp tục thực hiện lộ trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa; khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết để đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh; đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp của Hà Tĩnh tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực và thế giới; thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên vốn, khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất hàng hóa.
Quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI). Tạo chuyển biến rõ nét hơn trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, TTATXH.
Tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh. Tập trung khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế của tập thể, cá nhân được chỉ ra trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và những hạn chế, khuyết điểm mới phát sinh. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy tính gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, noi gương Tổng Bí thư Trần Phú, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh, văn minh.
N.T.B