Tư Liệu

Phân tích mối liên hệ của IS với vụ tấn công gần trụ sở Quốc hội Anh

Nhiều dấu hiệu cho thấy có khả năng IS đứng sau vụ khủng bố nhắm vào tòa Quốc hội Anh ngày 22/3 khiến 5 người thiệt mạng, 40 người bị thương.

Theo Daily Mail (Anh), ngay sau vụ tấn công, trên mạng xã hội lan truyền một số bài viết mang tính kích động, được cho là của các phần tử cực đoan ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Bức ảnh chụp từ tài khoản Twitter cho thấy, một kẻ ủng hộ IS chia sẻ bức ảnh về tuyến đường nghi phạm khủng bố đi từ cầu Westminster tới cổng tòa Quốc hội.

Các bài viết được đăng tải trên kênh Telegram IS chia sẻ thông tin về vụ tấn công gần tòa nhà Quốc hội Anh tại London cùng dòng chữ “Allahu Akbar” (Thánh Allah vĩ đại).

Theo chuyên gia cao cấp Ahmet Yayla của trung tâm Nghiên cứu Bạo lực Cực đoan (ICSVE), các bài viết có nội dung “cổ vũ vụ tấn công London” cũng đang được chia sẻ trên một kênh tuyên truyền của IS.

Nhà nghiên cứu này chia sẻ các bức ảnh chụp từ tài khoản Twitter cho thấy, một kẻ ủng hộ IS chia sẻ bức ảnh về tuyến đường nghi phạm đi từ cầu Westminster tới cổng tòa Quốc hội.

Một tên khác đăng tải hình ảnh tháp Big Ben đang bốc cháy với chú thích: “Chẳng bao lâu nữa cuộc chiến của chúng ta sẽ diễn ra trên đất của các người”.

Dù IS chưa chính thức lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ khủng bố này, song trong vụ tấn công khủng bố ở Nice, Paris và Orlando trước đó, những tên ủng hộ IS cũng đăng tải các bài viết tương tự trên mạng xã hội.

Trong khi đó, hiện đã có một số hình ảnh về nghi phạm vụ tấn công khủng bố. Trong bức hình được Daily Mail đăng tải, nghi phạm để râu, nằm trên cáng và được cố định bằng các dây đai màu vàng. Nghi phạm có một miếng dán lớn ở thân trên bên trái, một chân không đeo tất, hai chiếc giày màu nâu nằm dưới đất.

Daily Mail chia sẻ hình ảnh nghi phạm đang nằm trên xe cứu thương.

Trong một diễn biến liên quan, Sputnik News dẫn lời người đứng đầu đơn vị chống khủng bố của Scotland Yard, Mark Rouli cho hay, Chính quyền Anh sẽ không tiết lộ chi tiết về kẻ khủng bố thực hiện cuộc tấn công tại London.

Vụ tấn công tại London xảy ra trong bối cảnh tình hình an ninh châu Âu có nhiều bất ổn. Dù được coi là một trong những quốc gia có chế độ kiểm soát người nhập cảnh chặt chẽ hàng đầu châu Âu, song những năm gần đây, nước Anh nhận thức rõ về nguy cơ khủng bố tấn công.

Trước đó một ngày (21/3), Anh và Mỹ đề xuất lệnh cấm mang máy tính xách tay, các loại máy tính bảng như iPad và các thiết bị điện tử khác lên các chuyến bay thẳng từ một số quốc gia Trung Đông và Bắc Phi (trong đó gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Ai Cập, Tunisia và Saudi Arabia). Bởi họ nhận được tin tình báo cho biết, những kẻ khủng bố đang phát triển loại bom giấu trong thiết bị điện tử di động.

Không những vậy, ngày 19/3, lần đầu tiên nước này thực hiện diễn tập giải cứu con tin, chống khủng bố trên sông Thames. Thị trưởng London Sadiq Khan còn nhấn mạnh, nguy cơ xảy ra một vụ tấn công khủng bố tại đây và London sẽ tăng cường tối đa an ninh, đặc biệt là ở những khu vực tập trung đông người, đông du khách như sông Thames, khu vực tháp đồng hồ Big Ben.

Vụ tấn công xảy ra gần khu vực tháp đồng hồ Big Ben, nơi nhiều người qua lại.

Theo Bloomberg, nước Anh từng chứng kiến vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất vào tháng 7/2005 khi một nhóm Hồi giáo cực đoan tấn công vào hệ thống giao thông công cộng giữa giờ cao điểm, khiến 52 người thiệt mạng.

Gần đây nhất, tháng 6/2016 một nghị sĩ đảng Lao động Anh đã bị ám sát bởi một nhóm cực đoan cánh hữu. Cảnh sát Anh cũng đã ghi nhận con số kỷ lục những nghi phạm khủng bố bị bắt vì âm mưu tấn công nước này kể từ tháng 8/2014.

Đầu tháng Hai năm nay, Giám đốc Cơ quan Giám sát khủng bố Anh, Max Hill, cũng cảnh báo, nhiều thành phố ở Anh đã lọt vào tầm ngắm của tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Phương Anh / Theo Người Đưa Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP