“Chúng tôi biết thông tin có tàu Trung Quốc hoạt động” gần bãi Hải Sâm, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, Reuters dẫn lời Mark Toner, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nói. “Chúng tôi không muốn họ sử dụng… hải quân để đe dọa các tàu cá khác trong khu vực”.
Giới chức Philippines hôm qua cho biết Trung Quốc vài tuần gần đây đã điều 7 tàu tới bãi Hải Sâm, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngăn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường truyền thống này.
Quân đội Philippines sau đó thông báo đang tìm cách xác nhận sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần bãi Hải Sâm. Một tàu chiến Trung Quốc được cho là đã bắn cảnh cáo ngư dân Philippines tại đây vào năm 2011.
Trung Quốc trong cùng ngày giải thích rằng các tàu trên được điều đến bãi Hải Sâm để kéo một tàu mắc cạn và hiện chúng đã rời khỏi vùng biển này. “Để đảm bảo an toàn đi lại và điều kiện làm việc, Trung Quốc kêu gọi các tàu cá gần khu vực rời đi”, Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói.
Bộ Ngoại giao Philippines thông báo đang theo dõi thông tin về tình hình thực địa và kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, không thực hiện các hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng Biển Đông, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/2 một lần nữa khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông kêu gọi các bên hành động có trách nhiệm, mang tính xây dựng trong việc duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực dựa trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 .
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trước đó yêu cầu Trung Quốc không nên có những hành động “gây hấn” trong khu vực, cảnh báo việc quân sự hóa Biển Đông sẽ dẫn đến “những hậu quả rõ ràng”. Ông Hồng yêu cầu Washington “dừng phóng đại và nhạy cảm hóa vấn đề này”.
Như Tâm