Tin trong nước

Ông thợ mộc thắng kiện chủ tịch tỉnh

Bị cho là vận chuyển gỗ lậu và bị xử phạt hành chính 150 triệu đồng, ông thợ mộc khởi kiện quyết định hành chính của chủ tịch tỉnh và bị tòa sơ thẩm bác đơn, nhưng ông chống án lên tòa phúc thẩm và thắng kiện.

Số gỗ cơ sở mộc mua có chứng từ nhưng bị xử phạt trái pháp luậtSố gỗ cơ sở mộc mua có chứng từ nhưng bị xử phạt trái pháp luật – Ảnh: H.Ph

Ngày 2.11.2013, Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang phối hợp với Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh kiểm tra xe tải BS 61H-0245 đang vận chuyển 6,876 m3 gỗ gõ mật không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Sau đó, ông Trần Hữu Phúc (là chủ trại mộc Hồng Phúc, ở ấp Quý Thành, xã Nhị Quý, H.Cai Lậy, Tiền Giang) tới nhận là chủ hàng, đồng thời xuất trình chứng từ chứng minh nguồn gốc lô gỗ bị tạm giữ do Công ty TNHH TMDV Rực Sáng TP.HCM (Công ty Rực Sáng) bán cho cơ sở Hồng Phúc tại hóa đơn số 0000512 ngày 2.11.2013, kèm theo bản kê lâm sản có xác nhận của Chi cục Kiểm lâm TP.HCM.

Tuy nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang cho rằng bộ hồ sơ trên có nhiều nghi vấn, nên tiến hành xác minh và kết luận số gỗ do Công ty Rực Sáng bán cho ông Phúc không phù hợp với nguồn gốc gỗ do Công ty Quang Minh bán cho Rực Sáng trước đó. Ngày 27.12.2013, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Phúc. Và ngày 8.1.2014, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính ông Phúc số tiền 150 triệu đồng vì hành vi “mua bán lâm sản trái pháp luật” kèm theo hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ 6,876 m3 gỗ sung vào công quỹ.

Không đồng tình với quyết định xử phạt, ông Phúc cho rằng số gỗ của ông mua có hóa đơn chứng từ và địa chỉ rõ ràng. Nếu cho là gỗ lậu và bất hợp pháp thì trách nhiệm thuộc về đơn vị bán ra, cụ thể là Công ty Rực Sáng, trong khi tỉnh lại tịch thu gỗ và phạt tiền đối với người mua là vô lý. Vì vậy, ông Phúc đã khởi kiện ra tòa, yêu cầu hủy quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, tại phiên xử sơ thẩm ngày 11.9.2014, TAND tỉnh Tiền Giang đã bác đơn kiện của ông Phúc nên đương sự tiếp tục kháng cáo.

Bản án phúc thẩm ngày 15.5.2015 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã nhận định: “Căn cứ vào số gỗ bị bắt giữ, người bán gỗ chứng minh bằng hóa đơn cụ thể, gỗ phù hợp với hóa đơn. Như vậy, toàn bộ số gỗ 6,876 m3 tạm giữ của ông Phúc là có nguồn gốc hợp pháp. Trước khi ra quyết định xử phạt hành chính cần phải xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính theo quy định tại điều 59 luật Xử lý vi phạm hành chính. Tòa cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ tính hợp pháp của lô gỗ do Công ty Rực Sáng bán cho ông Phúc đã kết luận ông Phúc vận chuyển gỗ không có giấy tờ hợp lệ là chưa chính xác”.

HĐXX phúc thẩm đã tuyên chấp nhận kháng cáo của ông Phúc, sửa bản án sơ thẩm tuyên hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, buộc phía thua kiện cũng phải chịu 200.000 đồng án phí hành chính sơ thẩm.

Xử phạt trái luật

Bản án phúc thẩm cũng phân tích, nếu ông Phúc có vi phạm thì Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang phải lập biên bản tạm giữ tang vật và phương tiện ngay trong ngày 2.11.2013, nhưng họ đã để kéo dài đến 27.12.2013 mới lập biên bản là không đúng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, theo quy định, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tối đa là 60 ngày. Nhưng trong trường hợp này, kiểm lâm phát hiện vi phạm ngày 2.11.2013 lại để đến ngày 8.1.2014 mới ra quyết định xử phạt là vượt qua thời hạn quy định. Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang lại áp dụng Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11.11.2013 khi chưa có hiệu lực để xử phạt là trái quy định pháp luật.

Hoàng Phương / Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP