Trước đó, ông Đinh La Thăng nói tại tòa: "Tôi hoàn toàn tôn trọng kết luận điều tra cũng như cáo trạng nhưng có những hiện tượng, bản chất sự việc không hoàn toàn như vậy. Tôi mong HĐXX xem xét dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 trong căn cứ quy phạm pháp luật, cũng như điều kiện thực tiễn diễn ra".
Trả lời HĐXX, ông Đinh La Thăng cho biết nguồn vốn thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2 có 30% của PVN và 70% vay ngoài.
Luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh) hỏi: "Có phải PVN góp vốn 800 tỉ vào OceanBank nên được ưu đãi lãi suất 5,5%, trong khi mặt bằng lãi suất là 23% không?". Đáp lại, ông Thăng cho biết PVN và OceanBank đã ký văn bản hợp tác sử dụng các dịch vụ của nhau, tuy nhiên các dịch vụ này đều phải theo quy định của pháp luật... “Vấn đề luật sư đề cập có thể xem xét trong văn bản đối tác giữa OceanBank và PVN” - ông Thăng nói.
Ông Đinh La Thăng tại phiên xử. |
Luật sư hỏi tiếp: Quan hệ giữa PVN với PVC là quan hệ công ty mẹ - công ty con. Cáo trạng cáo buộc PVN ưu ái cho PVC. Vậy hành vi ưu ái có trái pháp luật, nguy hiểm cho xã hội không?
Ông Đinh La Thăng đáp: PVN có nhiều công ty con, trong đó có PVC. PVN xin được chủ trương, cơ chế để đẩy nhanh phát triển dịch vụ. PVN có nhiều công ty con làm dịch vụ, có dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ khoan, dịch vụ tổng hợp... “Trách nhiệm của công ty mẹ là lo cho tất cả công ty con phát triển mạnh lên. Các công ty con béo khỏe, mạnh khỏe thì tập đoàn mạnh khỏe. Đó là trách nhiệm chứ không có việc ưu tiên cho bất kỳ doanh nghiệp nào" - ông Thăng nhấn mạnh.
PVN có ưu ái cho PVC? Theo cáo trạng, do đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, ngày 17-8-2010 ông Trịnh Xuân Thanh (chủ tịch HĐQT PVC) ký công văn gửi PVN đề nghị xin vay vốn. Ngày 20-10-2010, PVN và OceanBank ký hợp đồng ủy thác có nội dung: Tập đoàn PVN ủy thác không truy đòi để OceanBank cho PVC vay vốn thực hiện thanh toán và bù đắp thanh toán các khoản đầu tư nhận chuyển nhượng... Tổng số tiền vay gần 800 tỉ đồng, lãi suất 5,5%/năm, thời hạn vay 12 tháng. Cũng tại thời điểm này, PVC đến hạn thanh toán khoản vay 400 tỉ đồng (đầu tư vào hai dự án khách sạn). Để tạo điều kiện cho PVC, ông Đinh La Thăng chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án NMNĐ Thái Bình 2 với tổng vốn đầu tư sau thuế hơn 30.000 tỉ đồng (gần 1,7 tỉ USD). Đến ngày 11-10-2011, PVC mới chính thức là nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện hợp đồng tổng thầu EPC dự án NMNĐ Thái Bình 2 (do PVN làm chủ đầu tư) nhưng từ ngày 28-4 đến 12-7-2011, PVN đã chi tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng. |
Tác giả: ĐỨC MINH
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM