Bạn cần biết

Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng

Các nhà nghiên cứu tại Đài Loan mới đây đã chia sẻ kết quả nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và ung thư vòm họng là rất đáng ngại.

Trước đây, các nhà khoa học đã từng chỉ ra những tác hại to lớn của ô nhiễm không khí với sức khỏe của con người. Đơn cử như việc làm tăng nguy cơ mất trí nhớ, bệnh hen suyễn và thậm chí thay đổi cấu trúc của tim.

Hiện tại, trước nguy cơ từ ô nhiễm không khí nhiều nơi trên khắp thế giới, các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng mức độ ô nhiễm không khí cao còn tiềm ẩn nguy cơ căn bệnh ung thư vòm họng cũng đang tăng lên.

Tại nhiều thành phố lớn trên thế giới đang xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí vượt ngưỡng cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới WHO.

Trong báo cáo trên Tạp chí Y học Điều tra, các nhà nghiên cứu ở Đài Loan cho biết, để đi đến những thông tin trên, họ đã phân tích dữ liệu ô nhiễm không khí từ 66 trạm quan trắc chất lượng không khí trên khắp cả nước từ năm 2009. Sau đó kết hợp với dữ liệu từ hồ sơ sức khỏe của hơn 480.000 người đàn ông từ 40 tuổi trở lên trong các năm 2012/13. Tổng cộng có 1.1617 trường hợp ung thư vòm họng trong số người được lập dữ liệu.

Nhóm nghiên cứu tập trung nghiên cứu vào loại bụi siêu vi PM2.5 có mặt tại nơi các bệnh nhân sinh sống. Sau đó phân loại thành bốn nhóm với các cấp độ ảnh hưởng khác nhau.

Sau đó, các nhà nghiên cứu tiếp tục các yếu tố chủ quan và khách quan khác như khói thuốc, tuổi tác v.v... các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người đàn ông tiếp xúc với nồng độ bụi siêu vi PM2.5 cao nhất có nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng cao hơn.

So với những người đàn ông tiếp xúc với mức bụi siêu vi PM2.5 trung bình hàng năm là 26,74 microgam (μg) trên một mét khối (m3) không khí, những người tiếp xúc với nồng độ 40,37 μg/m3 hoặc cao hơn có tỷ lệ phát triển bệnh cao hơn 43%.

Trước đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mức độ ô nhiễm liên quan bụi siêu vi PM2.5 không được vượt quá 10 μg/m3. Tuy nhiên, điều này thực sự khó khả thi khi ngay ở trung tâm London số liệu trung bình hàng năm đã được tìm thấy là gấp đôi. Đáng ngại hơn là vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức độ ô nhiễm ở Đài Loan.

Theo số liệu từ WHO, mức trung bình hàng năm của bụi siêu vi PM2.5 ở Kabul (Afghanistan) là 86 μg/m3, trong khi ở Bắc Kinh là 85 μg/m3 và ở Delhi (Ấn Độ) được ghi nhận ở mức 122 μg /m3.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới này cũng vấp phải một số ý kiến tranh luận do không xem xét sự tiếp xúc trước đây của những bệnh nhân trong môi trường ô nhiễm khác không phải ở địa phương và nó có thể cao hoặc thấp hơn mức độ ô nhiễm hiện tại họ đang sinh sống.

Một trong những người đưa ra những ý kiến phản biện là Giáo sư Frank Kelly, đến từ trường King’s College London (Anh), người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết, thực tế sẽ rất có ích nếu khám phá mối liên hệ giữa ung thư miệng và ô nhiễm không khí ở các nước khác.

Giáo sư Frank Kelly cho rằng, ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn đến một số loại ung thư như ung thư vú, gan, phổi và tuyến tụy. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi nghiên cứu mới này ở Đài Loan đã chỉ ra nó là nguyên nhân liên quan đến ung thư vòm họng. Tuy nhiên, nồng độ ô nhiễm không khí và tỷ lệ hút thuốc thấp hơn nhiều ở Anh và ở Anh cũng không có tục nhai trầu nên kết quả nghiên cứu này có thể chỉ có giá trị ở Đài Loan.

Tác giả: Minh Long

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP